+
Aa
-
like
comment

‘Có người cắt tử cung rồi vẫn cho đi đẻ, bệnh viện bảo nhầm, xin lỗi’

03/10/2019 15:04

Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn thừa nhận hiện tượng lạm dụng chi phí bảo hiểm y tế tại các bệnh viện là có thật, nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng chế tài hình sự được.

'Có người cắt tử cung rồi vẫn cho đi đẻ, bệnh viện bảo nhầm, xin lỗi' - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tếgiải trình tại phiên họp sáng nay. Ảnh Hoàng Hải

Sáng 3.10, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ của các bệnh viện công lập.

Giao tự chủ mà không biết tự chủ cái gì

Là người đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, cho biết vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các bệnh viện công lập là những vấn đề rất cụ thể, từ giá dịch vụ cho tới vấn đề liên kết đặt máy của các hãng. Tuy nhiên, theo ông Trí, có vấn đề “tưởng rất kỳ lạ nhưng thực tế lại thế”, là giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, đặc biệt là về tài chính và cán bộ.

“Làm thế nào để tháo gỡ, và ai có trách nhiệm tháo gỡ vấn đề này để chủ trương tự chủ các bệnh viện đạt hiệu quả cao hơn?”, ông Trí đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cũng nhận định, cái khó nhất của thực hiện tự chủ là giao tự chủ nhưng không tự quyết, mà mọi việc đều phải xin ý kiến hết, nhất là chuyện nhân sự. Ông Xuân đề nghị Bộ Nội vụ giải thích vì sao các bệnh viện được tự chủ nhưng không ký hợp đồng được với lý do là không có chỉ tiêu biên chế?

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến cho biết, việc bệnh viện được giao tự chủ nhưng không biết tự chủ gì, nhất là về bộ máy, nhân sự, thì Bộ Nộ vụ có ý kiến sẽ sát hơn.

Theo bà Tiến, về lâu dài, các đơn vị tự chủ sẽ tự quyết vị trí việc làm và số lượng nhân sự, cần nhiều thì tuyển nhiều, song thừa nhận hiện nay vấn đề này đang vướng khi mở ra nhiều dịch vụ, cơ sở thì cần nhiều người làm hơn, nhưng các bệnh viện tự chủ muốn ký hợp đồng lao động lại đang khó.

“Cái này thì các bệnh viện phải nói. Chúng tôi rất chia sẻ vấn đề này nhưng không phải thẩm quyền của Bộ Y tế”, bà Tiến nói.

'Có người cắt tử cung rồi vẫn cho đi đẻ, bệnh viện bảo nhầm, xin lỗi' - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu câu hỏi tại phiên giải trình. Ảnh Gia Hân

Bên cạnh đó, bà Tiến cũng cho biết, khi muốn có nhiều người làm hơn thì còn vướng một vấn đề nữa là giá phải cao hơn, phải được tính đúng, tính đủ, nhưng hiện nay cũng chưa làm được. “Giá dịch vụ thấp, lại không được ký hợp đồng với nhiều cán bộ, thay vì 1 bác sĩ phải có 3 điều dưỡng thì 1 bác sĩ chỉ có 1 điều dưỡng nên chất lượng chăm sóc không tốt”, bà Tiến thông tin.

Trong khi đó, trong phần trả lời liên tục bị chủ tọa ngắt lời và đề nghị đi thẳng vào trọng tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Trọng Thừa lại cho biết, Bộ Nội vụ đã tháo gỡ vấn đề này vì hiện đã cho phép các bệnh viện xác định vị trí việc làm và phân cấp các UBND tỉnh phê duyệt nên vấn đề nhân sự trong bệnh viện “không có gì vướng mắc, cản trở gì”.

Cho rằng phần trả lời của các cơ quan hữu quan “chưa thấm vào cái tinh tế bên trong”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, qua đi giám sát thì thấy rằng nhiều địa phương đang thực hiện một cách máy móc khi triển khai Nghị quyết của T.Ư về tinh giản bộ máy, vì cứ nhằm nhằm vào giảm biên chế trong ngành y tế, trong khi bệnh nhân đông hơn, cần nhiều người làm hơn.

“Nghị quyết của T.Ư đặt mục tiêu giảm 10% biên chế là giảm 10% số người ăn lương nhà nước chứ người làm việc các nơi là phải tăng”, ông Trí nói, và đề nghị Bộ Nội vụ phải sâu sát hơn trong vấn đề này.

Bệnh viện phải có nhà vệ sinh 3 sao trở lên nên phải tìm cách tăng nguồn thu
Một khía cạnh được nhiều đại biểu quan tâm là việc nhiều bệnh viện lạm dụng kỹ thuật cao, cung ứng thiết bị không cần thiết, kê thuốc ngoài danh mục để tăng nguồn thu khi được giao cơ chế tự chủ.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, khi các bệnh viện tự chủ thì phải có nguồn thu để thu hút người giỏi, xây dựng mới, mua ga trải giường, máy lạnh, nhà vệ sinh 3 sao trở lên theo yêu cầu của Bộ Y tế, rồi xử lý chất thải, chống nhiễm khuẩn…

“Các chi phí này đều rất tốn kém nên các bệnh viện sẽ phải làm sao để thu nhiều trong khi Bảo hiểm Y tế chỉ thanh toán tối thiểu nên mới nảy sinh chuyện lạm dụng kỹ thuật, lạm dụng thuốc, kê thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, số ngày, giường điều trị… ”, bà Tiến nói, và cho biết giải pháp hiện nay là phải có định mức để thanh tra kiểm toán, giám sát, và mới tháng trước, Bộ Y tế cũng đã có chỉ thị về chống lạm dụng, trục lợi để có biện pháp tăng cường giám sát.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giải trình tại phiên họp /// Ảnh Hoàng Hải
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giải trình tại phiên họp

Cùng giải trình về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết mặc dù hiện nay Bảo hiểm Xã hội Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, kể cả công nghệ thông tin để giám sát, phòng chống thất thoát, lãng phí trong sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế, nhưng “không phải lúc nào cũng đưa những hiện tượng lạm dụng, trục lợi, gian lận vào các chế tài của bộ luật Hình sự được”.

“Trên hệ thống thông tin giám định điện tử, chúng tôi còn phát hiện ra là cắt tử cung rồi vẫn đẻ; mổ phaco (đục thủy tinh thể – phóng viên) 3 mắt cho một người nhưng đến khi chúng tôi yêu cầu giải trình thì đều nói là nhầm, xin lỗi. Chỉ có trường hợp cắt tử cung rồi vẫn đẻ thì bệnh viện mới nhầm là chị cho em mượn thẻ để đi đẻ thôi”, ông Sơn trình bày, và cho rằng với trường hợp này thì không thể đưa luật hình sự ra để bỏ tù cô em vì mượn thẻ của chị để đi đẻ được.

“Cơ quan Bảo hiểm Xã hội có mỗi cái thẩm quyền là nếu thấy vô lý thì từ chối thanh toán thôi. Nhưng từ chối thanh toán mà bệnh viện không đồng ý thì cứ lằng nhằng rồi lại cứ báo cáo Đoàn đại biểu quốc hội, Quốc hội, Bộ Y tế, Chính phủ là Bảo hiểm Xã hội không chịu thanh toán”, ông Sơn nói và dẫn ví dụ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng phàn nàn với Quốc hội về khoản tiền 18 tỉ từ 2017 tới nay chưa được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thanh toán nhưng bệnh viện lại không chịu thuyết minh, giải trình về khoản tiền vượt trần.

“Vậy chúng tôi lấy căn cứ gì để thanh toán với bệnh viện? Thành ra cũng chưa thanh toán được. Có phê bình chúng tôi cũng chưa thanh toán được. Bởi vì chúng tôi phải thanh toán đúng. Nếu chúng tôi cứ thanh toán thì thay vì cái chưa đúng từ phía bệnh viện, lại thành cái sai của cơ quan Bảo hiểm Xã hội”, ông Sơn nêu.

(Theo Thanh Niên)

Bài mới
Đọc nhiều