+
Aa
-
like
comment

Có nghề không cần nghe, không cần thấy, không cần biết

08/09/2019 06:00

Tôi buồn vì có đứa con trai chẳng may bị khuyết tật, đẻ ra đã khiếm thị, tai nghe cũng chẳng rõ, sắp tới lớn rồi chả biết xin được cho cháu việc gì để sống. Đến Văn phòng tư vấn việc làm hỏi, chị cán bộ ở đây bảo: “Có chỗ cho cháu đấy. Xin cho vào làm kiểm lâm là phù hợp với nó nhất”.

ttxvn_1907go
Có nghề không cần nghe, không cần thấy, không cần biết

Và chị ấy bày cách xin việc làm bằng câu chuyện kể vừa xẩy ra ở khu rừng xã Ia Rmok (huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai). Tại trạm này có đến 3 cán bộ lâm trường thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ phần rừng được giao, nhưng tại đây ngày đêm, lâm tặc mở “công trường” nhộn nhịp khai thác gỗ trái phép. Tiếng cưa, tiếng cây đổ vang cả cánh rừng, 3 cán bộ kiểm lâm này đều không nghe thấy những âm thanh đó.

Đoàn xe chở gỗ lậu nối đuôi nhau đi, tập trung cách trạm QLBVR Ia Dreh khoảng 300m mà các cán bộ kiểm lâm ở đây cũng không nhìn thấy. Một lâm tặc đi bộ vào trạm kiểm lâm để “nói chuyện” với cán bộ trực tại trạm này…vài phút sau, lâm tặc này đi ra khỏi trạm và ra hiệu cho đoàn xe chở gỗ lậu chạy qua trạm một cách “ngang nhiên” mà ai cũng chả nhìn thấy.

Cứ một tuần khoảng từ 1 – 2 lần, những kiểm lâm địa bàn đi vào khu vực này để kiểm tra, tuy nhiên đều không thấy lâm tặc nào khai thác gỗ trái phép trên lâm phần họ quản lý.

Đương nhiên, đã không nghe được, không nhìn thấy được một “công trường” khai thác gỗ trái phép lại hoạt động một cách “công khai” náo nhiệt như vậy thì  làm sao các cán bộ kiểm lâm ở đây biết được lâm tặc đang phá rừng.

mkiemlam-1567901214223

Và điều đó dẫn đến cấp trên cũng sẽ không biết được rừng đang bị phá, dù ông Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nói: “Trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhiều năm nay từ cấp tỉnh đến huyện đã chỉ đạo rất nghiêm. …”

Nhưng có điều lạ là ông Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, huyện Krông Pa phải dựa theo vị trí mà phóng viên cung cấp mới biết nơi các cây gỗ bị lâm tặc cưa chặt, rồi “lập biên bản hiện trường để xử lý theo quy định” nhưng phóng viên ở xa đến điều tra một ngày là biết ngay.

Vậy mà sướng cái là sẽ chẳng ai bị xử lý nghiêm về trách nhiệm trong việc này cả.

Tôi nghe cán bộ tư vấn nói vậy thì mừng lắm, cám ơn chị ấy rối rít, bảo: “Nghe chị, tôi trút được gánh nặng ưu phiền bấy lâu. Theo hướng của chị gợi ý, tôi sẽ xin cho con tôi vào làm cán bộ kiểm lâm là phù hợp với khả năng của nó nhất”.

Để tôi thêm phấn khởi, chị ấy còn rỉ tai nói nhỏ: Nghề kiểm lâm phát đạt lắm nhé, chỉ trong hơn 5 năm từ 2012 – 2017, diện tích rừng tự nhiên trên đất. nước ta đã bị mất 11% do chặt phá rừng trái pháp luật. Vào làm kiểm lâm làm việc là nhiều người giầu đó, ông ạ.

Nguyễn Đoàn

Bài mới
Đọc nhiều