+
Aa
-
like
comment

Có nên hy sinh tỷ giá để bảo vệ dự trữ ngoại hối?

Huy Hoàng - 28/10/2022 21:49

Vừa qua đã có thêm một tín hiệu nữa khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ đi đến suy thoái. Chính vì vậy, xuất khẩu có nguy cơ sẽ giảm tốc trong năm 2023, nguồn thu ngoại tệ ít đi, liệu có nên hy sinh tỷ giá để bảo vệ dự trự ngoại hối quốc gia?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia đang thu hẹp dần khi một mặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra hơn 23 tỷ USD, tương đương 20% lượng dữ trữ hiện có. Mặt khác nguồn thu đồng USD chính là từ thị trường Mỹ cũng đang hẹp đi do nền kinh tế Hoa Kỳ đã có tín hiệu suy thoái. Thị trường tài chính tuần qua, ghi nhận thấy mức lãi suất cho vay thế chấp của Mỹ đã vượt qua 7%, đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ. Đây cũng là mức lãi suất cho vay thế chấp cao chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Thị trường nhà ở là một phần quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Nếu nhìn vào chi phí của hầu hết các hộ gia đình Mỹ hiện nay, thì tiền thuê nhà hoặc khoản tiền chi ra để trả tiền thế chấp thường là khoản mục lớn nhất trong ngân sách của họ. Vì lý do đó, khi mức lãi suất cho vay thế chấp tăng cao, sẽ buộc những người mua nhà và những người thuê nhà gồng gánh trả nợ. Đó là chưa kể, thường khi mua nhà, các hộ gia đình Mỹ thường vay thế chấp lớn ở mức 80%. Nên có thể chưa cần đến tác động của lạm phát, áp lực trả nợ không thôi cũng đủ để bào mòn sức mua của người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng Mỹ sẽ trải qua một đợt suy thoái vào năm 2023, điều này cũng đồng nghĩa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ giảm tốc dần theo thời gian.

Mặc dù tình hình tiêu cực là vậy, nhưng các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn không có ý định sẽ cắt giảm hoặc ngừng tăng lãi suất. Thay vào đó vẫn là tăng nhưng tăng ở mức 50% hoặc 25% thay vì 75% hoặc cao hơn. Dù đây có thể được xem là một tín hiệu tích cực, nhưng về bản chất tình hình vẫn không thay đổi, lãi suất Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng dù ít hay nhiều.

Đồng tiền Việt Nam đã có một năm giữ giá thành công, tuy nhiên càng về cuối năm áp lực càng lớn. NHNN cũng không thể mãi bán ra đồng USD, do đó nếu diễn biến thị trường tiếp tục căng thẳng hơn, nới thêm biên độ tỷ giá sẽ là một động thái phù hợp.

NHNN có những chính sách phù hợp để ổn định tỷ giá

Với Việt Nam, trong trường hợp đó, khả năng cao NHNN phải hy sinh tỷ giá bằng cách nới thêm biên độ. Các chuyên gia trong nước cũng dự báo với áp lực ngày một tăng hiện nay, khả năng từ giờ đến cuối năm NHNN sẽ phải tiếp tục mở rộng biên độ thêm 1%, theo đó tỷ giá sẽ là 25.000 đ đổi 1 USD, đến năm 2023 tỷ giá mới có thể dần hạ nhiệt trở lại 24.200 vào cuối năm.

Việc nới thêm biên độ tỷ giá chắc chắn sẽ đẩy mức lạm phát lên cao, do đó các tổ chức trong nước nhận định, để tránh nhập khẩu lạm phát, sẽ phải có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa vào quý I/2023 với mức tăng 0,5%. Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn của NHNN lên 6,5% vào cuối năm 2023, cao hơn 0,5% so với mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá bi quan về vấn đề này. Vì Nhà nước hiện vẫn còn một công cụ khác là chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ có thể thắt chặt nhưng chính sách tài khóa có thể linh hoạt để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Việc tăng thêm lãi suất chắc chắn làm giảm các hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng cùng với đó, chính phủ có thể giảm thuế nhập khẩu, để san sẻ áp lực với doanh nghiệp, giá cả cũng vì thế mà ít tăng hơn, giảm thiểu tác động đến người tiêu dùng. Tăng trưởng có thể chậm lại, nhưng miễn là không để doanh nghiệp phá sản thì đã là một thành công vào thời điểm này.

Ngoài cách giảm thuế, thì còn một công cụ nữa đó là phân loại các gói cho vay, đối với các doanh nghiệp sản xuất, đang sử dụng nhiều lao động nên ưu đãi về lãi suất để doanh nghiệp có thể xoay dòng vốn kinh doanh. Thậm chí, là hy sinh lợi nhuận ngành ngân hàng khi cần thiết để cấp vốn với lãi suất ổn định trong thời gian dài, từ 3 đến 5 năm cho những đối tượng này.

Hiện nay lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, do đó việc tăng lãi suất chỉ là do áp lực từ bên ngoài, chứ không nhằm mục tiêu kéo giảm lạm phát như ở Mỹ. Tăng lãi suất là nhằm ngăn không để lạm phát vượt mục tiêu, nên Chính phủ vẫn còn nhiều dư địa để triển khai chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Điều quan trọng là đảm bảo sức khỏe cho nền kinh tế, đảm bảo sức mua của người tiêu dùng không bị bào mòn và khả năng cung ứng của doanh nghiệp luôn sẵn sàng, chỉ như vậy thì dù vĩ mô có khó khăn đến đâu thì nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững được.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều