Có nên gom tiền dồn vào vàng?
Đòn thuế mới nhất Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung Quốc và quan điểm chính sách nghiêng về nới lỏng tiền tệ của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã kéo kim loại quý lên cao. Sáng nay (26/8), mỗi ounce vàng thế giới tăng thêm gần 30 USD, lên 1.555 USD còn vàng miếng SJC cũng vượt 43 triệu đồng.
Từ đầu năm 2019, giá vàng thế giới đã tăng hơn 17,3% (khoảng 220 USD/ounce). Nguyên nhân giá vàng tăng là do những bất ổn từ tình hình chính trị và kinh tế thế giới; nhiều ngân hàng trung ương của các quốc gia cũng giảm lãi suất đồng nội tệ khiến giá kim loại quý này càng được hỗ trợ tăng.
Bên cạnh căng thẳng thương mại, trừng phạt thuế và lãi suất giảm, còn có những yếu tố khác hỗ trợ cho giá vàng, như nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, mà không có thỏa thuận, hay căng thẳng giữa Mỹ và Iran ở Trung Đông.
Chưa kể, các ngân hàng trung ương đang mạnh tay gom vàng. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc, Nga, Ba Lan, Kazakhstan… đều tăng mạnh nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối quốc gia.
Thực tế cho thấy, trước đó, nhiều tổ chức tài chính trên thế giới từng dự đoán giá vàng trong năm nay chỉ có thể bật lên mốc 1.400 USD/ounce nhưng hiện nay giá vàng thế giới đã leo lên đến mốc 1.555 USD/ounce.
Với những diễn tiến đang xảy ra trong đầu tháng 8, nhiều khả năng kinh tế thế giới sẽ bất ổn rất nhiều và có thể kéo dài 1-2 năm. Do vậy, dòng vốn đầu tư đã chuyển một phần khu trú qua kênh an toàn là vàng.
Tại thị trường trong nước, theo một số chuyên gia, nhu cầu tích trữ vàng của người dân nhiều năm gần đây giảm khá mạnh, rõ nhất là lượng vàng được khách nhờ ngân hàng thương mại giữ hộ là không đáng kể.
Đáng nói là thị trường vàng được quy hoạch lại trong quản lý so với giai đoạn trước với nhiều quy định chặt chẽ hơn, khiến thị trường này không có những cơn nóng lạnh thất thường. Tiền đồng được giữ ổn định, lạm phát ở mức thấp cũng đã góp phần giảm tác động của những cơn “sốt vàng”.
Tuy nhiên, giá vàng liên tục tăng đang gây ra sức ép tâm lí cho người dân. Nhiều câu hỏi đặt ra, việc giá vàng liên tiếp ập đỉnh trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi có nên bỏ tiền vào vàng?
Tuy nhiên, trả lời báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, dù giá vàng có tăng cao nhưng so với đầu tư vào chứng khoán hay nhà đất thì mức lợi nhuận chưa hẳn hấp dẫn. Cụ thể, nếu đầu tư bất động sản trong 2 – 3 năm có thể sinh lời 30 – 40% nhưng nếu mua và cất két thì 2 – 3 năm sau khó thể đạt được mức lợi nhuận này.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đưa ra cảnh báo, dù dự báo giá vàng tăng mạnh nhưng nhà đầu tư nên cẩn thận vì giá vàng biến động khó lường. Ngay cả trong xu hướng tăng, giá vàng cũng có thể rớt. Vì vậy, việc “lướt sóng” với vàng, mua đi bán lại rất nguy hiểm, có thể gây thua lỗ.
Việc mua vàng sẽ phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi, mua để dành mà không cần phải đi vay ngân hàng hoặc rút tiền đầu tư từ lĩnh vực khác. Tuy nhiên, người mua vàng nên xem xét mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của các đơn vị kinh doanh vàng. Khi độ chênh càng lớn, càng nhiều rủi ro và rủi ro sẽ bị đẩy từ phía kinh doanh vàng sang người mua.
Minh Khôi/ Tài Chính