+
Aa
-
like
comment

Có nên giãn cách xã hội lần nữa hay không?

03/08/2020 09:23

Nhiều bạn hỏi, liệu đất nước có giãn cách xã hội lần nữa hay không khi dịch đã ra cộng đồng? Trong giai đoạn cực kỳ nhạy cảm và cốt tử này, câu trả lời sẽ cho thấy chiến lược chữa bệnh và duy trì mở cửa kinh tế trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi này cần căn cứ vào quan điểm chỉ đạo, các dấu hiệu chính sách của Trung ương.

Thực hiện cách ly xã hội toàn bộ TP.Hội An từ 0 giờ ngày 31.7 đến 0 giờ ngày 14.8.2020.

Hôm trước, Thủ tướng đã phân cấp cho địa phương “tùy tình hình” mà áp dụng Chỉ thị 16 hay 19. Hôm nay người đứng đầu Chính phủ nói thêm: “Không phải tất cả các khu vực ở nước ta đều phải giãn cách xã hội, mà chỉ thực hiện ở các khu vực nhất định. Như một số địa phương đã quá nóng vội giãn cách xã hội… Tôi hoan nghênh Hà Nội, TP.HCM đã dừng lại một số ngành nghề nhạy cảm, không cần thiết nhưng vẫn duy trì các ngành nghề khác, đảm bảo hoạt động kinh tế”.

Trên cơ sở kinh nghiệm những lần chống dịch tháng 3 và 4 vừa qua, chỉ đạo đó là phù hợp và cân bằng với tình hình thực tế khi dịch đã vào cộng đồng và doanh nghiệp, người dân đã mòn mỏi, suy kiệt. Khi có ca nhiễm thì vẫn truy vết và cách ly có điểm, có nơi cụ thể thôi chứ sao phải đóng cửa cả khu vực, cả vùng.

Truy vết và cách ly đang là những nỗ lực mạnh mẽ. Song cách chữa bệnh đó chỉ hiệu quả khi có ít ca, chứ không còn hiệu quả và tốn kém quá nhiều về con người, công sức và tiền bạc khi đã có nhiều ca trong cộng đồng ở nhiều vùng khác nhau. Vì thế cần nhớ khai báo, hợp tác với nhà nước.

Vấn đề quan trọng nữa trong giai đoạn hiện nay, là tất cả người dân phải nâng cao tự giác phòng bệnh, như nhà nước đã hướng dẫn, chứ không ỷ lại nhà nước. Nếu không thì sẽ lại giãn cách xã hội thêm lần nữa!

Vì sao? Vì phải bảo vệ gia đình và cộng đồng.

Xin nhắc lại một vài số liệu về những nhóm người dễ tổn thương. Chẳng hạn, có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới; tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người. Chẳng hạn, mỗi năm Việt Nam có khoảng 165.000 ca mắc mới, gần 115.000 người tử vong do ung thư… Trong khi đó, hệ thống y tế của ta luôn luôn quá tải, thiếu và yếu.

Cần có ngay hướng dẫn, quy định để bảo vệ, cách ly nhóm những người già và người dễ tổn thương, có chế tài để cả hệ thống từ Trung ương đến cơ sở đến từng gia đình thực hiện.

Tôi tin là dịch sẽ không bùng phát quá kiểm soát vì người dân đã rất cảnh giác và vì quyết tâm chính trị rất lớn.

Nhưng chúng ta phải chấp nhận “sống chung với dịch Covid-19” như WHO khuyến cáo. Có chấp nhận con virus đó trong cộng đồng thì chúng ta mới duy trì mở cửa với chúng ta và hi vọng mở cửa với thế giới.

Cố lên, sắp có vắc xin rồi!

Hoàng Tư Giang

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Bài mới
Đọc nhiều