+
Aa
-
like
comment

Có nên bỏ trường chuyên?

26/06/2020 06:00

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng nên đóng cửa trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam hoặc bán cho tư nhân, trong khi một số nhận định bỏ đi là đáng tiếc.

TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), gây xôn xao dư luận khi đưa ra quan điểm nên đóng cửa trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (trường Ams) và mọi trường chuyên khác hoặc bán cho tư nhân.

Là học sinh lớp Vật lý 1 trường Hà Nội – Amsterdam khóa 1992-1995, TS Thành chia sẻ đó là quãng thời gian đẹp bởi tinh thần tự do được nuôi dưỡng từ đó. Tham gia đội tuyển, ông được học thêm với những thầy giáo giỏi nhất nước lúc bấy giờ. Nhưng ông cho rằng cần giải tán ngôi trường này hoặc biến nó thành trường tư thông qua bán đấu giá.

Lý do thứ nhất, ông Thành đánh giá mô hình trường Ams là “lấy của người nghèo chia cho người giàu”. Bố mẹ các bạn nghèo và được giả định là học kém đóng thuế để cho bố mẹ các bạn giàu có hơn, được cho là học giỏi hơn vào trường học. Điều này mở rộng sự bất công xã hội.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nằm trên phố Hoàng Minh Giám, Hà Nội. Ảnh: Quang Xuân.
Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nằm trên phố Hoàng Minh Giám, Hà Nội. Ảnh: Quang Xuân.

Vì thế mô hình trường Ams sẽ ổn nếu đó là trường tư, như kiểu trường Phổ thông liên cấp Olympia – nơi phụ huynh giàu trang trải đầy đủ mọi chi phí để con trở thành người mà họ mong muốn. “Với mô hình trường Ams hiện nay, chi phí này lấy từ ngân sách nhà nước, tức là tiền của phụ huynh khác. Vậy là không công bằng”, ông Thành lập luận.

Lý do thứ hai, theo ông Thành, mô hình trường Ams khiến nhiều phụ huynh “sẵn sàng đút lót chạy bảng điểm đẹp, chạy đủ thứ giải thưởng để cho con vào trường”. Điều này chứng tỏ việc lo cho con được học ở Ams giúp họ tiết kiệm được một khoản chi phí đào tạo lớn hơn phần họ đã bỏ ra chạy chọt.

Lý do thứ ba khiến ông Thành nghĩ cần giải tán các trường chuyên lớp chọn vì đã hết vai trò của nó. Trường chuyên trước đây thường đào tạo ra một ít “gà nòi” để “đem đi triển lãm trên thế giới thông qua các kỳ thi quốc tế”. Chi phí tuyển lựa và đào tạo tập trung như vậy rẻ hơn nhiều. Những người học trường chuyên được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt cho đất nước vì có khả năng thật. Tuy nhiên, điều này không đúng với hiện tại.

“Niềm tin của tôi về sự vô dụng, lỗi thời và bất công của mô hình trường Ams được thực hành bằng việc tôi chưa bao giờ có ý định cho các con học trường đó”, TS Thành nói. Ông còn lập diễn đàn trên mạng xã hội để mọi người thảo luận nhằm cải cách trường Ams và hệ thống trường chuyên lớp chọn ở Việt Nam. Sau ba ngày, nhóm này thu hút hơn 2.200 người tham gia.

TS Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), cũng cho rằng quan điểm phát triển trường chuyên là quá cũ, không còn phù hợp. Việc cho thành lập quá nhiều trường chuyên ở các tỉnh thành, trường đại học làm méo mó giáo dục, phần nhiều để làm kinh tế.

“Trường chuyên mục đích là đào tạo nhân tài, nhưng nhân tài lấy đâu ra một tỉnh cả nghìn em”, ông Hòa nói và cho rằng đây là cách làm giáo dục khai thác kỳ vọng của phụ huynh – những người mong muốn con giỏi giang, trong khi đào tạo kiểu bác học của trường chuyên không còn phù hợp.

Ông Hòa cho rằng ở thế kỷ 17-18, học càng chuyên sâu càng tốt nhưng bây giờ trong thời đại công nghệ kết nối kiến thức nhiều ngành, phương pháp đào tạo nặng lý thuyết, đi sâu vào một môn, chuyên ngành không còn phù hợp. Nó cũng đi lệch với mục tiêu giáo dục và mục tiêu vì sự phát triển con người theo Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

“Nếu trẻ có tư duy giỏi, được đào tạo để phát triển toàn diện đi vào những năng lực xã hội, năng lực khoa học tự nhiên thì tốt hơn nhiều so với đi chuyên quá sâu vào một lĩnh vực chuyên ngành”, ông Hòa nói. Việc các tỉnh đều có trường chuyên, thậm chí có cả trường chuyên cấp huyện, sẽ khiến xã hội chạy theo kiến thức một cách khô khan.

Vì vậy, TS Hòa cho rằng nếu để tồn tại trường chuyên nhằm đào tạo nhân tài thì chỉ nên dừng lại ở vài trường cấp bộ, giao cho các trường đại học trọng điểm đào tạo. Còn cấp tỉnh nên tập trung vào đào tạo học sinh phát triển toàn diện.

Anh Lê Hải Nam, nghiên cứu sinh tại Đại học Dublin (Ireland), cựu học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, khẳng định hệ thống trường chuyên có nhiều vấn đề nội tại, nhưng “có lẽ là điểm sáng ít vấn đề nhất” trong bức tranh toàn cảnh giáo dục Việt Nam từ bậc tiểu học đến tiến sĩ.

Ví dụ, một số cơ sở chuyên cấp bộ như Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, Chuyên Khoa học tự nhiên, các trường chuyên cấp thành phố lớn như Hà Nội – Amsterdam hay Lê Hồng Phong (TP HCM) đều có tính khai phóng cao hơn so với phần còn lại. Học sinh vào những trường này phần lớn là giỏi ở một trình độ nào đó hoặc có khả năng trở thành giỏi nếu được học trong trường.

Về mặt thành tích, nếu tính về danh hiệu, từ thủ khoa đại học đến các giải quốc gia, quốc tế, phần lớn người đạt là học sinh trường chuyên. Tất nhiên, không phải trường chuyên là lý do chính khiến các em thành danh mà vì bản thân họ giỏi, có nỗ lực và gặp được môi trường phù hợp.

“Một số quốc gia như Anh, một số bang ở Mỹ vẫn có các trường đào tạo cho trẻ có năng khiếu đặc biệt, gọi là gifted schools, grammar schools để những đứa trẻ có tài năng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó có thể được quan tâm một cách đúng mức nhất”, anh Nam nói.

Tuy nhiên, anh Nam cũng thừa nhận môi trường giáo dục chuyên ở Việt Nam hiện có nhiều biến tướng mà đa phần vẫn là “chạy theo thành tích hay chạy chọt, con ông cháu cha”. Giờ đây, các trường chuyên được đầu tư to đẹp nhưng học sinh chuyên lại không được bằng 10-20 năm trước. Nhiều người vẫn hiểu trường chuyên mở ra chỉ để lập đội tuyển thi đấu quốc tế hay cho rằng đã học giỏi là phải vào trường chuyên, phải vào đội tuyển và đi thi.

Từ lập luận trên, anh Nam cho rằng nếu bỏ hẳn hệ thống trường chuyên thì rất đáng tiếc, nhưng việc tạo ra một sân chơi công bằng hơn và có tính nhân văn hơn thì đáng làm. “Giáo dục phổ thông vẫn nên hướng đến đại đồng trước tiên thay vì chỉ một nhóm nhỏ để ôm thành tích”, anh Nam nói và cho rằng nên đổi tên các trường chuyên thành trường “năng khiếu” để “nghe cho có vẻ tích cực hơn” ở khía cạnh tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về lĩnh vực nào đó.

Ngôi trường năng khiếu đó trước hết phải là môi trường để học sinh hình thành, hoàn thiện nhân cách tốt, là môi trường quan hệ thầy trò trong sáng, người thầy không phải là các “ngôi sao” mà chỉ là người hỗ trợ để trò phát triển, thành công.

Dương Tâm/VE

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều