+
Aa
-
like
comment

Có một người đặc biệt “một gánh nặng hai vai”

Đinh Lực - 01/02/2021 11:23

Sáng 31/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất bầu ra Bộ Chính trị. Theo đó, Hội nghị đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Sau đó, Tổng bí thư, Bộ Chính trị khóa XIII ra mắt Đại hội.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Trung ương khóa XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Ban Chấp hành Trung ương mạnh, Bộ Chính trị mạnh, chủ chốt mạnh không sợ gì hết. Nhân dân ủng hộ. Mà dân tinh lắm, cái gì cũng cứ hỏi dân là biết hết.” Đến nay, khi hội nghị Trung ương lần thứ Nhất, khóa XIII đã bầu được ra danh sách thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… những cán bộ chủ chốt sẽ là tiền đề phát triển của đất nước trong giai đoạn và thời kỳ tới.

Có thể thấy, sự quyết tâm trong công tác nhân sự trước đại hội, nhân dân đã thể hiện một tinh thần thép, một sự chuẩn bị cứng rắn của người đứng đầu Đảng để chọn ra những người thực sự là cán bộ chủ chốt, có thể xây dựng được bộ máy vững chắc, bền vững chèo lái con thuyền của từng địa phương, không vì tư lợi cá nhân mà “chân trong, chân ngoài”.

Lãnh đạo quốc gia, địa phương phải là những con người kết tinh được tinh hoa, trí tuệ của dân tộc vào thời đại. Đúng như lời phát biểu trong phiên khai mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

Ở tuổi đời là 77 tuổi, có 54 năm tuổi Đảng, tính đến thời điểm hiện tại thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có 27 năm tham gia Ban Chấp hành TW, trong đó có 22 năm tham gia Bộ Chính trị và từng kinh qua 3 vị trí cao nhất của Đảng, Nhà nước. Ở ngưỡng tuổi có thể nói là xưa nay hiếm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở lại chắc chắn không phải vì danh vọng hay quyền lực, mà dựa trên những năm cống hiến cho nước nhà có thể thấy vị trí này là vì trọng trách với giang sơn, đất nước và dân tộc này.

Ngược dòng lịch sử về quá khứ, Năm 1082, vua Nhân Tông đến tuổi trưởng thành có thể quyết định mọi việc triều đình, nhưng Lý Thường Kiệt vẫn theo vua phò tá việc triều chính. Năm 1101, khi ở tuổi 82 tuổi, ông được triệu về kinh nhậm chức tể tướng, 85 tuổi vẫn xung phong cầm quân dẹp loạn Lý Giác ở Diễn Châu và đem quân sang đánh Chiêm Thành thu hồi ba châu. Sau khi ông mất, vua Lý Nhân Tông đã truy phong ông làm Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công. Với công lớn của ông, nhân dân đã ca ngợi ông là một trong những vị anh hùng hào kiệt, vị tướng vĩ đại của dân tộc.

Thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn, năm 1788, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp xuống núi giúp vua Quang Trung sau 3 lần vua mời gọi, ông trở lại chốn quan trường ở tuổi 68, đại thắng Kỷ Dậu (1789) nhờ công lớn của ông. Ở tuổi 78 Nguyễn Thiếp vẫn lặn lội vào Phú Xuân để giúp vua Cảnh Thịnh (con trai vua Quang Trung) và cho đến bây giờ danh thơm của ông vẫn còn mãi được lưu danh sử sách.

Trong cuộc kháng chiến, chúng ta cũng có thể thấy những vị tướng, nhà lãnh đạo vẫn theo con đường sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng kiến thiết đất nước dù tuổi đã cao. Như Chủ tịch Tôn Đức Thắng nắm giữ cương vị khi đã 81 tuổi; Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 81 tuổi vẫn tham gia Ban Cố vấn; Cụ Võ Chí Công cũng từng đảm nhận cương vị ấy khi đã 80 tuổi. Và còn nhiều những cái tên như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã cống hiến 79 mùa xuân cho đất nước, trở thành biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam,  à kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.

Còn ngay trong Đại hội XIII vừa qua, người dân có thể thấy được hình ảnh của người Đảng viên cao tuổi nhất. Ở tuổi 95, vừa trải qua một trận ốm “thập tử nhất sinh” nhưng vẫn giữ nguyên phong thái bản lĩnh của người Anh hùng trận mạc. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Quốc Thước vẫn đĩnh đạc trong bộ quân phục đến dự với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào Đại hội và tương lai của đất nước. Đó là những con người tận lực, trọn trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, chứ không phải vì tham quyền vọng cá nhân để tư lợi.

Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi ông còn khoẻ mạnh, còn cống hiến cho nước nhà thì đó chính là phúc phần của đất nước. Cách đây 10 năm về trước, khi trúng cử Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng XI, ở cái tuổi mà nhiều người đã quây quần bên con cháu, thì ông mới bắt đầu nhận trọng trách người đứng đầu Đảng. Nhưng 10 năm đó, đất nước và dân tộc Việt Nam đã thay đổi như thế nào, bộ máy đã được thanh lọc trở nên “mạnh khoẻ” như nào, thì có thể thấy ở những nụ cười lạc quan của Tổng Bí thư trong 10 năm công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là một chiến sĩ cách mạng chiến đấu không một phút nghỉ ngơi. Không một cán bộ, lãnh đạo nào sai phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật dù là uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên TW Đảng, người đứng đầu một ngành, một tỉnh… cũng không thoát khỏi sự nghiêm khắc của Đảng và sự nghiêm minh của pháp luật. Đó chính là hình ảnh khơi dậy niềm tin của nhân dân, đứng đầu Đảng, chèo lái con thuyền Đảng đi đúng đạo đức, văn minh.

Việt Nam hôm nay trong thời đại mới, có một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tấm gương mẫu mực và một nhân cách lớn đủ để quy tụ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thì con người đó chính là vĩ nhân của lịch sử, là con người đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt và được giao trọng trách đặc biệt, không những do Đảng đề cử mà còn do nhân dân tin tưởng, lựa chọn.

Đinh Lực

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều