Có một lễ khai giảng rất khác…
Nhà tư tưởng giáo dục Pestalogi đã khẳng định: “Giáo dục như ánh dương phản chiếu đến cả gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh con nhà nghèo”. Những ngày qua, hình ảnh buổi lễ khai giảng năm học mới của học sinh vùng cao tại điểm trường Tu Nấc, Nam Trà My, Quảng Nam thực sự gây xúc động không chỉ vì sự giản đơn đến tận cùng khó khăn thiếu thốn mà còn bởi một niềm tin về ánh sáng của giáo dục luôn lan tỏa đến mọi miền của Tổ quốc.
Như trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2022 -2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viện dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi”. Và hơn 60 năm qua từ buổi lễ khai giảng đầu tiên vào ngày 5/9/1945, mỗi độ tháng 9 về, bất kể nơi đâu, niềm vui ngày khai trường vẫn long lanh trong đôi mắt trong ngần của tuổi thơ ngây.
Hệt như lễ khai giảng của điểm trường Tu Nấc, giữa muôn vàn khó khăn thiếu thốn, nụ cười ấy vẫn tươi nguyên, vẫn tràn đầy niềm vui thuần khiết trẻ thơ. Từ bức ảnh ấy ta thấy sự lạc quan tin tưởng vì tận những miền sâu xa khó khăn về giao thông, địa hình hiểm trở, điều kiện sinh hoạt và kinh tế như thế mà sự học vẫn được quan tâm thực hiện. Ở đó vẫn có một ngày khai trường đúng nghĩa với cờ hoa, tiếng cười và cả niềm xúc động khó tả. Dẫu rằng, nụ cười ấy làm xót lòng người nhìn ngắm vì chúng ta đã chưa thể chia sẻ nhiều hơn để niềm vui của các em đủ đầy hơn.
Tấm ảnh về khoảnh khắc ngày khai giảng ấy đã nói lên rất nhiều điều. Trong đó là tinh thần hiếu học, khát vọng vượt trên khó nghèo, là tất cả tấm lòng tận tụy cống hiến của người truyền dạy, từ đó mở ra ánh sáng của một tương lai và hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong những năm qua, phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việt Nam coi đây là chính sách quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa 54 dân tộc anh em. Tuy vậy, những khó khăn và bất cập khi thực hiện những chính sách vẫn còn nhiều vấn đề. Phát triển về giáo dục phải song song với phát triển kinh tế và thay đổi nhận thức của đồng bào vùng sâu xa, miền núi về vai trò của việc học. Thay đổi từ tư duy thụ động đến chủ động, từ công việc nương rẫy vất vả lợi tức thấp đến công việc có thu nhập cao hơn, ổn định đời sống vật chất tinh thần và văn hóa đồng bào dân tộc nằm trong một chiến lược lâu dài, kiên trì và bền bỉ. Chỉ khi ấy, giáo dục với ánh dương của nó mới thật sự thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình.
Hạnh Phúc