+
Aa
-
like
comment

Có một bộ máy hành động, liêm chính và triệu nhân dân đoàn kết trong cuộc chiến dịch bệnh

Đinh Lực - 30/04/2020 13:16

Thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 hôm nay là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị. Tinh thần đoàn kết, thống nhất đã giúp đất nước đẩy lùi được dịch bệnh.

Chính phủ liêm chính, hành động trong cuộc chiến Covid-19

Ngay từ thời gian xảy ra dịch bệnh từ 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra). Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp xác định địa điểm và quy mô dịch xảy ra trên cả nước. Tính chất mức độ nguy hiểm của dịch bệnh là bệnh truyền nhiễm nhóm A; nguy cơ mức độ đại dịch toàn cầu, lây lan qua đường hô hấp từ người sang người.

Chiều 30/1, với sự tham mưu của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong chủ trì cuộc họp về triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định chưa đến mức đóng cửa biên giới vì virus corona.

Đến đầu tháng 2, Thủ tướng cũng đã có Quyết định 173 công bố dịch, song khi đó địa điểm và quy mô xảy ra dịch Covid-19 chỉ là các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa. Do đó, Thủ tướng nêu rõ, quyết định này thay thế Quyết định 173 ngày 1/2/2020.

Ngay sau khi tối 6/3 có ca nhiễm thứ 17 từ nước ngoài trở về, Thủ tướng cũng đã nhanh chóng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 tiến hành rà soát. Nhằm dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan trên toàn quốc.

Trước diễn biến ngày càng khó lường của dịch Covid-19 , ngày 31/3 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Thủ tướng nêu rõ cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội… Chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường.

Trước khó khăn của dịch bệnh, ngày 10/4 Chính phủ lại ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp người dân khó khăn do dịch Covid-19.

Những khó khăn của hàng ngàn doanh nghiệp đang hấp hối, hàng triệu lao động bị đứt quãng thu nhập và mất việc làm … đã được trân trọng lắng nghe và chuyển tải thành những đề xuất chính sách cụ thể.

Mặc dù cuộc thăm dò dư luận của một tờ báo mạng cho thấy, đa số người trả lời đều muốn tiếp tục cách ly xã hội sau 22/4 và đồng thời Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch Covid-19 cũng đề xuất giữ Hà Nội ở nhóm nguy cơ cao. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn kết luận hạ bậc rủi ro của Thủ đô xuống nhóm địa phương “có nguy cơ” và chỉ áp dụng tiêu chí nguy cơ cao với một số khu vực cụ thể của thành phố.

Thủ tướng quyết định: “chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế-xã hội.”

Đây là tuyên bố đầy tinh thần trách nhiệm, là sự chuẩn bị tinh thần kịp thời và cần thiết cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức để sẵn sàng đối diện với thực tại và chủ động, tự giác, sáng tạo với những giải pháp của mình để quay trở lại cuộc sống bình thường, dù là “bình thường mới” với muôn vàn khó khăn hơn trước, và quyết tâm vươn lên.

Có thể nói, đây là một quyết định dũng cảm, thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo, sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ nhiều nguồn, có trực giác nhạy bén, nắm bắt rất sát hơi thở của cuộc sống và dám chịu trách nhiệm, không kết luận chung chung, đá quả bóng trách nhiệm cho cấp dưới.

Mặt trận Y tế tuyến đầu của cuộc chiến

Ở mặt trận y tế, có thể nói Trưởng ban Ban chỉ đạo chống dịch Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là người “được lòng dân” vì kỹ năng quản lý và tâm huyết của mình trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Vừa đảm nhiệm kiêm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, ông cũng điều hành chuyên môn rất giỏi trong lĩnh vực của mình, đặc biệt là lĩnh vực y tế đã có những thành công trong chống Covid-19 từ kit test đến phương pháp điều trị.

Hàng trăm, hàng nghìn người trong lĩnh vực y tế là các giáo sư, tiến sĩ đội ngũ chuyên môn làm khoa học và cứu chữa bệnh nhân. Đã được huy động chất xám, cùng với nguồn lực vật chất làm việc trong suốt nhiều tháng qua.

Ban chỉ đạo với đội ngũ lên tới con số phải 300 người, đã tham mưu cho Chính phủ đưa ra những quyết định kịp thời và đầy quyết đoán, trong đó có những biện pháp chống dịch rất mạnh mẽ, chưa có tiền lệ.

Và kết quả chống dịch của Việt Nam đến thời điểm này rất ấn tượng, điều này được ánh giá cao không phải chỉ bởi người dân trong nước mà còn bởi các tổ chức khu vực quốc tế và các quốc gia trên thế giới.

Nói về đội ngũ “chiến sĩ áo trắng”, những con người trên tuyến đầu chống dịch là sự đồng sức, đồng lòng cùng vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Chúng ta chỉ có thể nói đó là đội ngũ thật tuyệt vời của dân tộc.

Và khi cuộc chiến cơ bản gặt hái được thành công, khi nhân dân còn chưa kịp nói lời cảm ơn những người lãnh đạo, đội ngũ y bác sĩ, thì thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn Nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế.

Cả hệ thống vào cuộc để cuộc chiến chống Covid-19 thêm trọn vẹn và thành công

Trên lĩnh vực kinh tế, trước sức ép của dịch bệnh Covid-19, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và VCCI là những cơ quan đi đầu trong việc tham mưu cho Thủ tướng những chính sách phát triển kinh tế ổn định, giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Đồng thời đây cũng là nơi đề xuất điều chỉnh cách phân loại nhóm nguy cơ và các biện pháp chống dịch sao cho hiệu quả chống dịch vẫn được đảm bảo với chi phí thấp nhất sau ngày 24/4 vừa qua.

Đội ngũ tuyến đầu của cuộc chiến, họ chấp nhận hy sinh quyền lợi bản thân, gia đình để bảo vệ cho người dân cả nước an toàn

Còn trên lĩnh vực truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc một cách mạnh mẽ, những thông tin chính xác, trung thực, khách quan được truyền tải đến người dân. Và những thông tin gây hoang mang dư luận được kết hợp cùng Bộ Công an xử lý triệt để.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc ủng hộ phòng, chống COVID-19, nhiều nguồn lực trong xã hội đã được gửi tới MTTQ Việt Nam.

Cụ thể, sau hơn 3 tuần phát động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được số tiền, hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt trên 770 tỷ đồng; số tiền ủng hộ bằng tin nhắn qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia đầu số 1407 là trên 140 tỷ đồng và số tiền này đang tăng lên theo từng giờ.

Thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 hôm nay là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị. Tinh thần đoàn kết, thống nhất đã giúp đất nước đẩy lùi được dịch bệnh.

Hơn bao giờ hết, lòng yêu nước, sự đoàn kết toàn dân tộc và bản lĩnh của con cháu Lạc Hồng đã một lần nữa được phát huy cao nhất trong thời kỳ đầy cam go, thử thách này. Với thành công này chúng ta sẽ tiếp bước và mở ra tiền đồ tươi sáng của dân tộc Việt Nam ta!

Đinh Lực

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

Bài mới
Đọc nhiều