+
Aa
-
like
comment

Cỗ máy “sát thủ” của TT Putin: Sức mạnh răn đe hạt nhân rất đáng gờm

23/12/2020 18:01

Các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược Tu-95 dù đã có tuổi nhưng vẫn đang được Nga tiếp tục nâng cấp để gia tăng độ tin cậy cũng như khả năng sát thương của chúng.

Cỗ máy “sát thủ” của TT Putin: Sức mạnh răn đe hạt nhân rất đáng gờm
Máy bay ném bom chiến lượng Tu-95MS. Ảnh: Sputnik

Giống như B-52 Stratofortress của Mỹ, máy bay ném bom chiến lược Tu-95 trên thực tế là một trong những mẫu thiết kế lâu đời nhất vẫn còn đang hoạt động trong Không quân Nga nhưng cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy dòng oanh tạc cơ này sẽ sớm “nghỉ hưu”.

Ngay trong tuần này, lực lượng hạt nhân chiến lược Quân đội Nga lại tiếp nhận thêm phiên bản mới nhất của Tu-95 với nhiều hạng mục được nâng cấp mạnh mẽ.

“Các lực lượng hạt nhân chiến lược trên không đã nhận được 5 máy bay ném bom mang tên lửa Tu-95MS được nâng cấp”, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết trong cuộc họp Hội đồng Quốc phòng Nga hôm thứ Hai vừa qua.

Tháng trước, một cặp máy bay ném bom Tupolev Tu-95MS đã thực hiện một chuyến bay theo lịch trình ở không phận trung lập trên vùng Biển Nhật Bản và phía Tây Bắc Thái Bình Dương.

Chuyến bay đặc biệt này kéo dài hơn 8 giờ và cho thấy rõ khả năng hoạt động tầm xa của các máy bay ném bom từ thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Trong chuyến bay tháng 11/2020, các máy bay ném bom mang tên lửa Tu-95 cũng được hộ tống bởi chiến đấu cơ Su-35S của Lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga.

Tu-95 được phát triển vào những năm 1950 sau khi các nhà hoạch định chiến lược Liên Xô yêu cầu phải chế tạo một máy bay ném bom 4 động cơ có thể bay tới 5.000 dặm (trên 8.000km) và tấn công được mọi mục tiêu trên khắp nước Mỹ lục địa.

Ngoài việc là mẫu thiết kế lâu đời nhất của Quân đội Nga, Tu-95 còn là máy bay ném bom động cơ cánh quạt duy nhất còn được sử dụng trên thế giới hiện nay.

Phiên bản Tu-95MSM hiện đại hóa đã bổ sung thêm những khả năng đáng kể cho nguyên mẫu Tu-95, gồm cả những tính năng vượt xa vai trò ban đầu của nó chỉ là máy bay ném bom không điều khiển.

Mục đích chính của biến thể Tu-95MS là tích hợp các tên lửa không đối đất mới, dù đây không hoàn toàn là một khái niệm mới. Trên thực tế, Liên Xô đã thử nghiệm tên lửa không đối đất trên Tu-95 từ những năm 1950 với Tu-95K.

Hoạt động này tiếp tục diễn ra trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh, đỉnh điểm là dòng Tu-95MS vào năm 1981. Tu-95MS là mẫu hiện đại hóa sâu của các phiên bản Tu-95 trước đó với nhiều thiết bị được thay thế, từ pháo phòng vệ cho đến radar.

Không giống như B-52 của Không quân Mỹ, nhiều chiếc Tu-95 thực sự không cũ đến vậy. Điều này là do các khung máy bay Tu-95 cũ hơn không phù hợp để hiện đại hóa và kết quả là dây chuyền sản xuất Tu-95 đã thực sự được khởi động lại vào những năm 1980 nhằm sản xuất các biến thể Tu-95MS mới.

Cỗ máy “sát thủ” của TT Putin: Sức mạnh răn đe hạt nhân rất đáng gờm - Ảnh 1.
Tu-95 là thành lực lượng quan trọng trong bộ ba tấn công hạt nhân của Nga. Ảnh: Sputnik

Nhiều chiếc Tu-95 đang hoạt động của Nga hiện nay còn tương đối ít tuổi so với một số máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Kể từ khi được phát triển, Tu-95 đã là thành lực lượng quan trọng của bộ ba hạt nhân trên không của Nga. Các phiên bản hiện đại hóa cũng đã được nâng cấp để mang tên lửa hành trình X-101 mới nhất.

Vũ khí chính được hiện đại hóa của Tu-95MS là tên lửa hành trình cận âm phóng từ trên không Kh-55 (ALCM), có tầm bắn khoảng 2.500 km. Tu-95MS thông thường được thiết kế để mang 6 tên lửa loại này bên trong ống phóng quay KMU-6-5.

Quân đội Nga vẫn đang tiếp tục cải tiến và nâng cấp Tu-95. Mùa Hè năm ngoái, một máy bay ném bom Tu-95MSM đã thực hiện chuyến bay đầu tiên tại sân bay của Nhà máy Beriev ở Taganrog. Theo truyền thông Nga, các hệ thống và thiết bị đã hoạt động đúng như mong đợi và toàn bộ chuyến bay thử nghiệm đã không gặp bất cứ trở ngại nào.

Anh Tú/DN

Bài mới
Đọc nhiều