+
Aa
-
like
comment

Có lãnh đạo bộ gây sức ép với đại biểu Quốc hội vì phát biểu trái ý

21/11/2019 09:58

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn nói trước Quốc hội về việc có đến 80% bộ ngành không muốn tiếp thu để sửa luật. Thậm chí có lãnh đạo bộ gây sức ép khi đại biểu phát biểu trái ý.

Quan điểm này được đại biểu Nguyễn Mai Bộ – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh, đưa ra khi thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sáng 21/11.

Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Tư pháp cho biết có 2 phương án được đưa ra.

Co lanh dao bo gay suc ep voi dai bieu Quoc hoi vi phat bieu trai y hinh anh 1
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh, nêu thực tế có đến 80% bộ ngành không chịu tiếp thu để sửa luật. 

Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Còn phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Phát biểu với tư cách là đại biểu tham gia chỉnh lý luật từ đầu kỳ đến nay, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đồng tình với phương án thứ 2, mà thực chất là phương án được quy định trong luật hiện hành.

“Nếu Quốc hội chọn phương án 1 thì Quốc hội đã bị mất quyền kiểm soát xây dựng luật, không còn nhân danh Quốc hội nữa”, ông Bộ nói.

Vị đại biểu tỉnh An Giang phân tích, bản chất của việc tiếp thu chỉnh lý luật là nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo luật. Trong trường hợp tiếp thu thì sửa dự thảo luật và thể hiện trong dự thảo luật trình Quốc hội thông qua. Còn trong trường hợp không tiếp thu thì sẽ đề cập trong bản giải trình.

“Nhưng thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian qua, tôi khẳng định có đến 80% các bộ ngành không muốn tiếp thu”, ông Bộ thẳng thắn. Việc này được ông ví von rằng, “đại biểu Quốc hội trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có đồng ý bán hay không lại thuộc quyền của họ”.

Ông Bộ cũng chia sẻ về một điều đáng buồn nữa là có vị lãnh đạo bộ gây sức ép với đại biểu Quốc hội khi đại biểu phát biểu trái với quan điểm của bộ ngành mình.

Theo ông, luật bất cập, yếu kém do 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do con người. Hai là do một số ủy ban không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng.

“Đại biểu Quốc hội chúng tôi phát hiện ra nhiều luật chất lượng không bảo đảm nhưng khi chúng tôi đề nghị dường như không nhận được sự ủng hộ”, ông Bộ thẳng thắn nói.

Co lanh dao bo gay suc ep voi dai bieu Quoc hoi vi phat bieu trai y hinh anh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp).

Cũng băn khoăn về việc “đổi vai” nếu theo phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhắc lại trước đây Chính phủ từng đề xuất nhưng Quốc hội không đồng tình. Theo bà, nếu cơ quan trình luật lại vào vai chủ thể thẩm định và báo cáo trước Quốc hội sẽ không ổn, khó “tròn vai” vì họ phải bảo vệ chính sách của mình trước Quốc hội.

“Cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉ đóng vai phản biện và chỉnh lý dự thảo dựa trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, nếu đổi vai khi chủ thể là Chính phủ giải trình trước Quốc hội, không phải là ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có những khó khăn nhất định”, bà Hoa nêu quan điểm và cho rằng như vậy là không thỏa đáng, không nên đổi vai.

Bà cũng kiến nghị nên tham khảo kinh nghiệm của Quốc hội một số nước, đó là nên có cơ quan xây dựng pháp luật bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong công tác lập pháp.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều