Cơ hội vàng chống dịch Covid-19
“WHO đã cảnh báo với thế giới rằng cơ hội chống dịch Covid-19 đang thu hẹp và thời gian để hành động thực sự là hơn một tháng trước, hai tháng trước” – đó là lời cảnh báo của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh bảo.
Đây có thể là lời cảnh báo thẳng thắng và hiếm hoi về tiến trình chống lại bệnh dịch này khi mà hơn 20.000 ca tử vong xảy ra trên toàn thế giới và dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều quốc gia.
Người đứng đầu WHO cho biết thế giới vẫn có cơ hội để chống lại dịch bệnh này, với 150 quốc gia có ít hơn 100 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày vẫn còn thời gian để chuẩn bị.
Trong khi đó, hiện nay nhiều quốc gia đã đưa ra lệnh phong toả để có thời gian triển khai những biện pháp khắc phục nghiêm nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Thời hạn phong toả cần được xem xét dựa trên hành động của từng quốc gia.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm ngày 26/3 có 153 ca nhiễm đang được cách ly, chữa trị và công tác phòng chống dịch Covid-19 dường như đang được thực hiện một cách nghiêm túc nhất.
Việt Nam trong những ca nhiễm vừa qua, có một số ca nhiễm là lây nhiễm cộng đồng, có những ca khi phát hiện đã có hoạt động bên ngoài rất phức tạp, có mặt tại nhiều địa điểm. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có những phát biểu cho biết bệnh viện Bạch Mai dễ có thêm nhiều ca lây nhiễm trong thời gian tới.
Mỗi ngày, bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh cho từ 6.000 – 8.000 người, đến nay tuy đã giảm 50% nhưng số lượng người đến bệnh viện, nhất là bệnh nhân cao tuổi vẫn nhiều.
Chính vì thế, việc ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng và không để bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch thì các đơn vị cần theo dõi các trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có đến bệnh viện Bạch Mai thăm, khám trong 10 ngày gần đây.
“Dù cánh cửa an toàn đã hẹp nhưng chúng ta vẫn trong thời gian vàng và còn cơ hội nếu người dân đồng lòng ở nhà vì chính mình, gia đình và xã hội” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Cánh cửa “cơ hội vàng” trong công tác chống dịch bệnh có thể được xem là chìa khoá thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch ở thời điểm hiện tại.
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19 sáng ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: “Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ)”.
Thủ tướng đã đề nghị cần đặc biệt quan tâm tới hiện tượng lây nhiễm trong cộng đồng, có những trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng nhưng hiện chưa được phát hiện. Chính vì thế, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần phải tăng tốc triển khai quyết liệt để ngăn chặn lây nhiễm cộng đồng.
Thủ tướng nhấn mạnh việc phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch và điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân là mục tiêu tối thượng hiện nay.
Đồng thời, Thủ tướng khuyến nghị nên xem tình hình dịch bệnh của Mỹ để rút kinh nghiệm cho Việt Nam. Khi mà Việt Nam và Mỹ cùng thời điểm đầu tháng 3 đều có 100 trường hợp bị nhiễm, nhưng sau 3 tuần thì Mỹ đã có tới 55.000 người bị nhiễm (cụ thể, 11/3 có 994 người, 18/3 có 6.411 người và ngày hôm qua là 54.808 tại 50 bang). Và hiện nay số lượng người nhiễm của Mỹ đã vượt qua cả Trung Quốc và tuyên bố tình trạng thảm hoạ, đóng cửa một số bang đã được xem là hành động muộn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, bia hơi, nhà hàng ăn uống, các điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 và “cơ hội vàng” đã được nhắc tới nhiều trong thời gian vừa qua. Có thể nói tính đến thời điểm này Việt Nam đã thực hiện kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo nguồn cung thức ăn hàng hoá được Chính phủ và các Bộ triển khai rất quyết liệt, sát sao.
Vừa rồi, công tác phòng chống và chữa trị cho 16 ca nhiễm đầu tiên được Việt Nam thực hiện rất tốt. Cuộc ngăn chặn dịch lây lan từ các chuyến bay đón kiều bào ở các nước Châu u cũng đang được thực hiện một cách nghiêm túc.
Thời khắc vàng sẽ tiếp tục có nếu chúng ta làm tốt hơn thế, không có Virut nào có thể đánh bại chúng ta nếu chúng ta mạnh mẽ, đoàn kết để chiến thắng.
Thế giới hiện vẫn chưa có Vacxin chữa trị hiệu quả dịch bệnh này, nên chính thời điểm này liều thuốc mạnh nhất chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Chúng ta sẽ chiến thắng nếu chúng ta làm theo chỉ dẫn, lời khuyên của các chuyên gia y tế, từ hành động rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn; che miệng, mũi; hạn chế tiếp xúc người có biểu biện ho, sốt, khó thở…
Nếu chúng ta làm đúng hết các khuyến cáo trên thì niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ rất gần.
Việt Nam tuy không có lợi thế về mặt địa lý, bởi Việt Nam nằm ngay Trung Quốc nơi xuất phát và từng là tâm điểm dịch Covid-19 của thế giới. Nhưng Việt Nam lại làm tốt công tác phòng chống dịch ngay từ thời điểm dịch vừa bùng phát ở Trung Quốc.
Chúng ta đã có những chế độ tốt cho người cách ly, có những động thái hành động để người nhiễm an tâm chữa trị; có những “bộ đội nhường doanh trại, hằng ngày nấu cơm, động viên tinh thần cho người cách ly,…
Thời khắc vàng sẽ không dừng lại nếu chúng ta vẫn không ngừng cố gắng, nếu khi một ý chí, một tinh thần phát triển và hoà hợp thành một để chung tay, hợp sức, đồng lòng chống lại dịch bệnh.
“Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế-xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển” – người đứng đầu Chính phủ đã nói thế trong một cuộc họp chống dịch.
Và đúng như tinh thần của người đứng đầu Chính phủ: “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta. Chính các bạn, những nhà đầu tư, những doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình. Tôi rất vui mừng là các đồng chí không hề bi quan”.
Niềm tin vào Chính phủ; vào người đứng đầu Bộ Y tế và nền y tế Việt Nam; niềm tin xã hội khi những đội ngũ y bác sĩ xung phong tuyến đầu, cán bộ sẵn sàng túc trực, lực lượng quân đội và ý thức chấp hành của người dân.
Thành công bước đầu “như chúng ta đang làm hiện nay để tháo gỡ trực tiếp chứ không phải chỉ có Chính phủ”. Chúng ta sẽ còn có những cơ hội vàng nếu chúng ta biết cố gắng và không đầu hàng trước dịch bệnh.
Định Lực