+
Aa
-
like
comment

Cơ hội, thời cơ hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam

10/09/2020 14:16

Khát vọng tự cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành một truyền thống, giá trị thấm đẫm trong mỗi con người. Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, xu thế toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, khát vọng tự cường dân tộc lại được ý thức một cách sâu sắc và mạnh mẽ hơn. Đây chính là sức mạnh tinh thần to lớn, là cơ hội để Việt Nam hóa giải những lực cản, hướng tới hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, hùng cường dân tộc của mình.

1- Dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đã khẳng định ý chí quật cường, bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ, không khuất phục trước bất cứ khó khăn nào. Ngay sau khi giành được độc lập, nhân ngày khai trường, Bác Hồ đã gửi gắm khát vọng của Người cho thế hệ trẻ Viêt Nam: bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu. Khi phải đi xa, Bác cũng để lại điều mong mỏi: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng của Bác Hồ được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn, nuôi dưỡng, trở thành động lực và hành động, thôi thúc chúng ta trăn trở suy nghĩ để hiện thực hóa ước mơ xây dựng đất nước cường thịnh.

Từ mùa thu Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh đất nước Việt Nam, chưa bao giờ đất nước lại đàng hoàng, to đẹp như ngày hôm nay. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế – xã hội Việt Nam năm 2019 phát triển khá nhanh: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,02%; văn hóa, xã hội, thể thao cũng có những bước phát triển khá. Cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị có bước chuyển biến tích cực. Bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam được nâng lên rất nhiều, vị thế Việt Nam với quốc tế được khẳng định qua cuộc bỏ phiếu bầu Việt Nam vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đạt số phiếu tín nhiệm kỷ lục gần tuyệt đối. Truyền thống dân tộc và hào khí thời đại Hồ Chí Minh chiếu rọi, được nhân dân cả nước đồng thuận, phấn đấu theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bước vào năm 2020, cuộc đại chiến chống dịch bệnh do COVID-19, để lại cho nhân loại một cuộc khủng hoảng trầm trọng trên tất cả các lĩnh vực, đó là cuộc khủng hoảng toàn cầu, toàn diện đối với tất cả các dân tộc, các quốc gia trên trái đất này. Cả thế giới chạy đua với thời gian để chống COVID-19 cứu người, song song cuộc chạy đua để cứu nền kinh tế cũng như cứu hỏa. Các hiệp định thương mại song phương hay đa phương ra đời đã vận hành nền kinh tế toàn cầu, nay tất cả bị đứt gãy. Việt Nam, với quan hệ đa phương rộng mở nên nền kinh tế cũng thiệt hại nghiêm trọng. Hoạt động kinh doanh, nhóm ngành bị tác động tức thì là hàng không, du lịch, giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ… 60% doanh nghiệp giảm hơn một nửa doanh thu. Dòng vốn đầu tư quốc tế cũng ảnh hưởng. Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,7% .

Với quyết tâm chống dịch như chống giặc, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!”. Kết thúc làn sóng lây nhiễm đợt 1 đến ngày 17-4-2020, Việt Nam chỉ có 286 người bị nhiễm bệnh, trong đó có 224 người đã được chữa khỏi, không có người tử vong. Việt Nam đã ngăn chặn được dịch bệnh COVID-19 với quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước, kỷ luật và sự đoàn kết của toàn dân. Đó là sự đánh giá của những người đã được chữa trị tại Việt Nam qua cơn nguy kịch, là đánh giá của các cơ quan chức năng trên thế giới, là sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế.

Thắng lợi trong chống dịch COVID-19 tạo điều kiện cho Việt Nam giữ vững và cố gắng vượt lên, kinh tế quý I cũng đã đạt tăng trưởng 3,82%, đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của từng khu vực kinh tế, của nguồn nhân lực trong nhiều ngành, nghề – vì mục tiêu chung là vượt qua khó khăn, thách thức hiện tại, phục hồi tăng trưởng, đó là điều kỳ diệu trong khi các nền kinh tế lớn, và một số nước lân cận kinh tế đều không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm.

Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Chủ tịch luân phiên ASIAN trong 6 tháng đầu năm 2020 đầy ắp sự kiện, góp phần nâng cao vị thế, tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực, thuận lợi cho công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Thực hiện nghiêm chỉnh quy định phòng, chống dịch, tranh thủ mọi điều kiện có thể để tập trung tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp. Đến nay đã hoàn tất đại hội cấp cơ sở và hơn 90% cấp trên cơ sở. Kết quả đó có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, đó là thể hiện sự sinh động của một cuộc sinh hoạt chính trị rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân. Những chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị được nhân dân bàn bạc, góp ý trước khi những quyết sách được đưa ra trong đại hội. Trên cơ sở những quyết sách từ địa phương, các đại hội đã lựa chọn bầu ra những người ưu tú tham gia các cấp lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị. Thành công của đại hội cấp cơ sở đã tạo nên tiền đề, những đột phá ở đại hội cấp trên cơ sở và đảng bộ trực thuộc Trung ương để vững tin tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

2- Chúng ta đang đứng trong một thế giới biến đổi với gia tốc lớn, diễn biến phức tạp. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở giai đoạn mới mà thể hiện ở làn sóng vĩ đại của đổi mới công nghệ đang tổ chức lại một cách cơ bản đời sống xã hội con người về mọi mặt từ kinh tế đến văn hóa. Một đặc trưng nổi bật của nền văn minh trí tuệ là quá trình phát triển quốc gia ít dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà dựa chủ yếu vào tri thức khoa học, công nghệ. Thông tin và tri thức trở thành yếu tố đầu vào của hệ thống sản xuất, quản lý, đó là công cụ để sáng tạo của cải, là chìa khóa của quyền lực và an ninh kinh tế, xã hội. Sự phát triển đó đang bị ngưng trệ bởi làn sóng đại dịch COVID-19, có thể làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Một hệ thống quy tắc và trật tự mới có thể xuất hiện, hoặc hệ thống hiện tại có thể được sửa đổi vì hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của dịch bệnh. Chính trong xã hội thông tin và tiềm ẩn những nguy cơ dịch bệnh sẽ xác lập những chuẩn mới và phương thức mới về sản xuất, quản lý. Các mối quan hệ gặp mặt, hội họp, hội thảo, thăm viếng, ký kết giao ước, hợp đồng… sẽ được tiến hành theo phương thức trực tuyến, làm việc tại nhà, học tập trực tuyến. Những việc thực sự cần thiết người ta mới phải ra khỏi nhà. Sự giao tiếp của con người cũng cần có khoảng cách. Sự đổ vỡ các mối liên hệ trực tiếp đang thôi thúc ngành khoa học – kỹ thuật số phát triển với tốc độ phi mã. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, xung đột thương mại giữa một số quốc gia, nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, biến đổi khí hậu và môi trường xuống cấp đang có tác động mạnh đến Việt Nam – quốc gia có độ mở lớn của nền kinh tế.

Ngày nay thế và lực của nước ta dù đã mạnh hơn trước nhưng nội tại của nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, khả năng làm chủ công nghệ hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Các vấn đề xã hội, môi trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn đang hiện hữu. Để bắt kịp tiến cùng các quốc gia khác trong tiến trình phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Để đất nước bứt phá, vượt lên, hơn lúc nào hết, mỗi người dân và công đồng các dân tộc, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần chung ý chí vươn lên, đổi mới sáng tạo. Những cải cách của Nhà nước cần phải được gia tốc, kiên trì gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp, kịp tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân. Thiết lập một thể chế phù hợp, bền vững, có khả năng giải phóng sức lao động và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, huy động được mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh chung của cả dân tộc. Xây dựng một cấu trúc xã hội bền vững, đoàn kết và đồng thuận, tự nguyện trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước hết để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục trập trung giải quyết 3 điểm nghẽn về thể chế, nguồn lực và hạ tầng để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Đồng thời trong kỷ nguyên này, phải nhấn mạnh hai yếu tố coi trọng như những mũi đột phá trong thời gian tới đó là khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa tinh thần, khơi dậy ý chí khát vọng, tự hào của mỗi con người Việt Nam. Ba đột phá chiến lược và hai yếu tố quan trọng nói trên là 5 yếu tố giúp chúng ta vượt qua thách thức để lập nên những kỳ tích mới.

Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, hùng cường “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong muốn sẽ thành sự thật.

Giấc mơ đó là có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Trần Công Huyền

Bài mới
Đọc nhiều