+
Aa
-
like
comment

Cơ hội nào để người thu nhập thấp sở hữu được nhà ở giá rẻ?

Diệu Hương - 15/07/2022 11:46

Giá căn hộ ngày càng tăng cao, thiếu hụt sản phẩm nhà ở vừa túi tiền khiến nhiều người trẻ có nhu cầu mua nhà gặp khó.

Một trong những dự án nhà ở xã hội

Với người Việt Nam, nhà ở có vai trò hết sức quan trọng. Đó không đơn thuần chỉ là nơi ở, mà nó còn là tổ ấm, bởi an cư thì mới lạc nghiệp. Thế nhưng, việc có được một căn nhà nhỏ, một chỗ ở ổn định và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu vẫn đang là một ước mơ rất xa xỉ đối với nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Trở lại thời điểm cách đây hơn 2 năm, khi thị trường bất động sản còn trầm lắng, phát triển các dự án nhà ở giá rẻ được coi là “cứu cánh” của nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản. Với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn, được vay vốn hỗ trợ đến 50%, thậm chí 70 – 80% giá trị căn hộ, số lượng các dự án bất động sản được tung ra lên tới hàng chục nghìn căn và được bán hết chỉ trong một thời gian ngắn khi các dự án được mở bán.

Thế nhưng bước sang năm 2022, thị trường bất động sản lại đối mặt với tình trạng thừa nhà ở cho người giàu, thiếu nhà ở cho người nghèo. Nhà ở giá thấp nhu cầu cao nhưng nguồn cung lại vô cùng khan hiếm, khiến giấc mơ an cư của nhiều người ngày càng xa tầm với.

Báo cáo “Tiêu điểm thị trường bất động sản” của CBRE Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, tại Hà Nội có khoảng 8.200 căn hộ chung cư mở bán mới ra thị trường thì số lượng căn hộ cao cấp chiếm đến 55% tổng nguồn cung mới. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường cũng đón nhận gần 13.000 căn, nhưng không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì nằm ở xa trung tâm.

Đã có không ít câu hỏi đặt ra là vì sao sau thời gian dịch bệnh giá nhà lại được đẩy lên cao vượt quá tầm với như vậy? Có thể lý giải nguyên nhân chính đó là giá đất cao và thời gian làm thủ tục hành chính kéo dài khiến doanh nghiệp chịu lãi suất nhiều và chi phí đầu vào tăng cao. Nhiều doanh nghiệp chuyên phân khúc nhà giá rẻ khi hỏi đến đều than phiền thủ tục pháp lý cho nhà ở xã hội hiện nay quá chậm. Với nhà ở thương mại thì doanh nghiệp thường mất 3 năm để hoàn thiện pháp lý, 2 năm xây dựng, tổng cộng là 5 năm. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội thì đến 5 năm vẫn chưa xong thủ tục. Thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài làm lợi nhuận của doanh nghiệp khi dự án hoàn thành xuống thấp.

Một vấn đề không kém phần quan trọng cho bài toán phát triển nhà giá thấp chính là lấy quỹ đất. Đối với những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi giá đất cao hơn nhiều so với địa phương khác thì có thể thấy việc đầu tư xây dựng nhà ở giá thấp sẽ khó khả thi nếu Nhà nước không có cơ chế ưu đãi về giá đất.

Ngoài ra, việc giá nhà tăng cao cũng một phần xuất phát từ tình trạng doanh nghiệp thu gom lượng lớn đất đai để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ nhằm mục đích găm giữ chờ giá tăng, trong khi các nhà phát triển thực thụ khác lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng, hậu quả để lại là giá nhà tăng liên tục.

Bí thư Nguyễn Văn Nên

Mới đây, tại buổi bế mạc Hội nghị 13 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố khẩn trương tháo gỡ vưỡng mắc để từng bước thực hiện hóa chương trình nhà ở xã hội và giải tỏa nhà tạm trên kênh rạch.

Theo đó, để giải quyết vấn đề nhà ở, cần triển khai thực tiễn đồng loạt các giải pháp. Cụ thể:

Quốc hội cần xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân – lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Trước hết, cần phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia mạnh mẽ vào phát triển nhà ở xã hội.

Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Theo đó nên rút ngắn thời gian thẩm định cấp phép và cung ứng vốn vay cho doanh nghiệp. Chỉ định các doanh nghiệp uy tín có thương hiệu trong việc xây dựng nhà ở để làm dự án. Bên cạnh đó, ngoài việc thúc đẩy giải ngân vốn hỗ trợ, Nhà nước có thể giảm thuế hoặc tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Nếu lãi suất vay mua nhà dành cho người thu nhập thấp phải đủ sức hấp dẫn, đưa giá nhà về mức khách hàng có thể tiếp cận được. Thời gian vay vốn nên kéo dài hơn để người mua giảm bớt áp lực trả nợ hàng tháng. Điều này sẽ khiến người mua vẫn đảm bảo chi tiêu sinh hoạt nhưng vẫn có thể hoàn thành trách nhiệm trả nợ như cam kết.

Ngoài ra để tránh việc “lách luật” khiến nguồn vốn vay ưu đãi rơi vào tay các đối tượng không phải người lao động thu nhập thấp, Nhà nước cần có quy định chặt chẽ hơn. Tránh tình trạng những người không đúng đối tượng mua được nhà bình dân để đầu cơ trục lợi trái phép. Nhà nước có thể quy định nhà ở xã hội sau khi mua bằng vốn vay xã hội sẽ không được chuyển nhượng, sang tên cho bên thứ ba. Các cơ quan chức năng phải giám sát được việc sử dụng nhà ở phù hợp với nhu cầu người lao động.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều