+
Aa
-
like
comment

Cơ hội nào cho thỏa thuận kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga-Trung?

17/07/2019 07:52

Tổng thống Donald Trump tỏ ý muốn Trung Quốc tham gia cùng Nga và Mỹ vào một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới trước thềm cuộc gặp hai bên ở Thụy Sĩ nhưng Bắc Kinh lại không nghĩ như vậy. 

Ngày 17-7, hai phái đoàn Mỹ và Nga theo dự kiến sẽ gặp nhau ở TP Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về khả năng ký kết một hiệp ước giới hạn vũ khí hạt nhân mới. Phái đoàn Mỹ sẽ được dẫn đầu bởi Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan, còn phái đoàn Nga sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov dẫn đầu.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Nga leo thang do gặp phải nhiều bất đồng, trong đó có vấn đề kiểm soát vũ khí.

Theo tờ The New York Times, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tỏ ra không mặn mà với việc gia hạn thêm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START mới) ký với Moscow năm 2010 vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Trước đó, hồi tháng 2-2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ tiến hành rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong sáu tháng với cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước này. Đáp lại, điện Kremlin cũng tuyên bố dừng tham gia INF và Tổng thống Vladimir Putin chính thức ký đạo luật liên bang để chấm dứt việc tuân thủ vào tháng 6 sau đó.

Thỏa thuận kiểm soát vũ khí “thế hệ kế tiếp” Mỹ – Nga – Trung?

Hãng tin AP cho hay Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố ông kỳ vọng đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí “thế hệ kế tiếp” cùng Nga và Trung Quốc (TQ) và sẽ bao gồm tất cả loại vũ khí hạt nhân. Chủ nhân Nhà Trắng cũng đã trực tiếp đề cập dự định này với Tổng thống Putin và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) 2019 hồi tháng 6. Tổng thống Putin tỏ ý quan tâm đến đề xuất này nhưng cũng chia sẻ rằng ông vẫn muốn tiếp tục gia hạn Hiệp ước START 2010 thay vì một thỏa thuận mới hoàn toàn.

Nhiều chuyên gia nhận định các động thái gần đây của Mỹ cho thấy giới lãnh đạo Washington đã có sự biến chuyển trong quan điểm về cách tiếp cận song phương Mỹ-Nga truyền thống về kiểm soát vũ khí. Theo đó, cường quốc này cho rằng cách tiếp cận trên chỉ là một di sản sót lại từ thời kỳ Chiến tranh lạnh và không phù hợp trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện đại, khi TQ đang trỗi dậy với vị thế là một cường quốc hạt nhân.

Cơ hội nào cho thỏa thuận kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga-Trung? - ảnh 1
Ông Trump kỳ vọng đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí “thế hệ kế tiếp” cùng Nga và Trung Quốc.

“Một cuộc gặp mặt tốt đẹp sẽ cho thấy lập trường của Nga về sự tham gia của TQ trong tương lai” – AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ.

Cũng theo quan chức này, hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh phản ứng như thế nào với đề nghị của ông Trump. Trong tuyên bố đưa ra một tháng trước Hội nghị thượng đỉnh G20, Bộ Ngoại giao TQ cho biết nước này sẽ không bao giờ tham gia một thỏa thuận cùng Mỹ và Nga do “chưa có tiền lệ và cơ sở cho sự tồn tại của một thỏa thuận kiểm soát vũ khí ba bên”. Bắc Kinh vì vậy cũng sẽ không cử phái đoàn tham gia cuộc gặp ở Geneva sắp tới.

Cường quốc châu Á này từ lâu luôn khẳng định chỉ duy trì số lượng vũ khí hạn chế để tự vệ. Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã dự báo kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.

Tại Diễn đàn hòa bình thế giới lần thứ tám do ĐH Thanh Hoa và Học viện Ngoại giao TQ tổ chức mới đây, nhiều học giả nhận định chỉ khi cả Mỹ và Nga phải cắt giảm số lượng vũ khí của mình xuống mức rất nhỏ và tiến tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân thì Bắc Kinh mới đồng ý tham gia thỏa thuận kiểm soát chung. Các chuyên gia TQ cũng cho rằng TQ thật sự không cần phải tuân theo bất kỳ yêu cầu kiểm soát vũ khí nào do nước này đã đề ra nguyên tắc không tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân trừ khi bị tấn công trước. Một động thái khác là quân đội TQ cũng không đặt đầu đạn hạt nhân lên tên lửa trong thời bình.

Theo ý kiến chuyên gia Daryl Kimball thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA), khả năng Mỹ, Nga chịu từ bỏ hoàn toàn Hiệp ước START 2010 để ký một thỏa thuận tay ba khác cùng TQ sẽ rất khó xảy ra. Ông nhận định các bên sẽ không thể nào đàm phán kịp trước thời hạn năm 2021 và một giải pháp khả dĩ hơn sẽ là gia hạn START 2010 thêm năm năm nữa.

Đài CNN cho biết quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chính thức từ chức hôm 15-7 và chiếc ghế này sẽ được giao cho Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer. Ông Spencer là người đã cho mở chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của Mỹ ở Bắc Cực nhằm thách thức hiện diện quân sự của TQ và Nga ở đây vào đầu năm 2019.

Mỹ bắt được tín hiệu tốt từ Nga

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg, hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết sở dĩ Washington chịu ngồi vào bàn đàm phán vấn đề kiểm soát vũ khí vào lúc này là bởi các đánh giá mới cho thấy Moscow đã dừng những hành động mà Mỹ cho là “gây bất ổn” ở nhiều khu vực. Vị này sau đó viện dẫn vụ bắt giữ 24 thủy thủ Ukraine ở biển Azov hồi tháng 11-2018 và vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh hồi tháng 3-2018 là ví dụ điển hình của các hành động trong quá khứ của Nga.

Cũng theo hai người này, đánh giá trên cũng là lý do khiến Tổng thống Trump cho đến giờ vẫn chưa chính thức tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt Nga sau vụ đầu độc ông Skripal. Bloomberg cho biết lệnh trừng phạt đã được soạn thảo từ đầu năm nay và sẽ được công bố vào tháng 4-2019 theo kế hoạch. Nhiều khả năng đoàn Mỹ vẫn sẽ sử dụng chiêu bài trừng phạt để làm “đòn bẩy” trước các đại diện của Nga trên bàn đàm phán Geneva.

“Chúng tôi có linh cảm mình có thể đạt được gì đó trong lần này” – một quan chức khác nhận định.

Pháp muốn bàn cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran với Nga, Mỹ

Trả lời trước báo chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 15-7 cho biết ông có kế hoạch thảo luận với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những ngày tới về việc tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đây cũng là một vấn đề được ông Trump quan tâm trong thời gian gần đây, bên cạnh các hiệp ước liên quan đến vũ khí hạt nhân với Nga. Theo hãng tin TASS, ông Macron khẳng định mục tiêu chính của các cuộc thảo luận là để giữ gìn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, cũng như tạo điều kiện đối thoại giữa các nước liên quan không chỉ về vấn đề hạt nhân mà còn là vấn đề tên lửa đạn đạo và an ninh của khu vực.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Bài mới
Đọc nhiều