Với mục tiêu vượt qua Mỹ trở thành siêu cường số một thế giới, Trung Quốc đang định hướng lại hoạt động thương mại và đầu tư của mình theo hướng tách khỏi phương Tây. Và chuyến công du đặc biệt của Thủ tướng sẽ giúp Việt Nam thích ứng với những thay đổi nhanh đang diễn ra tại khu vực châu Á này.
Theo tờ The Atlantic, ý nghĩ về một Trung Quốc đang trỗi dậy đã ăn sâu vào thế giới phương tây đến mức việc này dường như trở thành điều không thể tránh khỏi. Mỹ và phương tây dường như sẽ làm mọi thứ để ngăn Trung Quốc trỗi dậy.
Về phần mình, Bắc Kinh lo ngại rằng Washington có thể khai thác các đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc để ngăn chặn nước này vươn lên trở thành siêu cường toàn cầu, bằng cách kiểm soát các công nghệ quan trọng hoặc áp đặt trừng phạt. Do đó, Trung Quốc đang định hướng lại hoạt động thương mại và đầu tư của mình theo hướng tách khỏi phương tây. Trong đó, thậm chí hướng nội ở một số khía cạnh để củng cố khả năng phòng thủ kinh tế như tập trung phát triển công nghệ trong nước và chuyển hướng sang hợp tác với các quốc gia, khu vực không bị xem là mối đe dọa, như Nga, ASEAN, các nước thuộc khối các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh và Washington từng có thời điểm sẵn sàng gác lại những bất đồng chính trị để theo đuổi lợi ích kinh tế mà cả hai đều tin là cần thiết cho tương lai. Tuy nhiên, hiện tại, điều ấy đã được chứng minh là không thành công khi hai nước vẫn xem mối quan hệ với đối phương là một nguồn rủi ro và dễ bị tổn thương.
Theo Megh Updates (Ấn Độ), một trong những nền tảng thông tin trực tuyến lớn nhất thế giới, tổng GDP của BRICS hiện thời chiếm 31,5% GDP toàn cầu, trong khi nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) chiếm 30,7% GDP toàn thế giới.
Bloomberg dự đoán tới năm 2028, BRICS có thể tiếp tục nới rộng khoảng cách với G7. Sự lớn mạnh của BRICS theo đó đang tạo ra dư địa và tạo thêm động lực cho sự định hướng lại chính sách phát triển kinh tế của Trung Quốc trên toàn cầu. Giúp họ không còn quá phụ thuộc vào thị trường các nước phương tây.
Giờ đây, khi cả hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đều đang tìm hướng đi riêng. Thì với tinh thần thiện chí và mong muốn hợp tác với cả hai, Việt Nam cần có sự kết nối chặt chẽ trong quan hệ ngoại giao.
Về phía Trung Quốc, chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 25-28/6 sẽ là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, và cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua, thể hiện rõ tầm quan trọng về mặt kinh tế trong quan hệ hai nước.
Chuyến đi của Thủ tướng tới Trung Quốc sẽ là cầu nối để hai bên tìm ra hướng hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế. Và khi Trung Quốc chuyển mình, họ cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thế chân các đối tác Mỹ – Âu tại thị trường tỷ dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Thiên Tân, do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ hai chỉ sau WEF Davos (Thụy Sĩ). Hội nghị lần thứ 14 năm nay có chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu” gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào các vấn đề như điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo.
Nhìn chung, sự gắn kết giữa các cấp ngoại giao và các tổ chức kinh tế của nước này sẽ còn giúp Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trước những thay đổi đang diễn ra ngày một nhanh tại Châu á. Nhất là khi Việt Nam không có ý định gia nhập BRICS vào thời điểm này.
Tác giả: Huy Hoàng
Đồ họa: M.N