Cơ hội mang tàu ngầm về Việt Nam sau chuyến thăm Anh – Pháp 7 ngày của Thủ tướng?
Giữa lúc tình trạng mối quan hệ Anh-Úc-Mỹ-Pháp đang ở giai đoạn căng thẳng do Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 40 tỷ USD thì Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện chuyến thăm hai nước Anh – Pháp 7 ngày. Phải chăng đây là chuyến thăm đã có sự tính toán?
Mối quan hệ Anh-Úc-Pháp-Mỹ đang căng thẳng, đã có thời điểm Pháp rút đại sứ ở Úc về nước. Nếu như nhiều quốc gia ngồi im, theo dõi động thái của các nước thì Việt Nam lại có những suy nghĩ và hành động riêng của mình. Có vẻ như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhìn thấy cơ hội từ việc Úc hủy hợp đồng tàu ngầm của Pháp nên người đứng đầu Chính phủ đã quyết định sang thăm và làm việc với cả Anh và Pháp.
Trên tinh thần củng cố mối quan hệ nhưng Thủ tướng vẫn đi và mang theo tâm thế của một đất nước có vị thế riêng. Việt Nam chúng ta có vị trí chiến lược, là đất nước tiếp giáp với phần lớn biển Đông, sở hữu cảng nước sâu Chân Mây ngay tại Đà Nẵng. Hơn nữa, mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc vẫn đang cho thấy sự kiềm chế để hợp tác tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đó chính là những cơ sở để để Việt Nam có thể trở thành đối tác an ninh lý tưởng với nhiều quốc gia muốn hiện diện ở biển Đông.
Nói về câu chuyện những chiếc tàu ngầm bị “bom hàng”, vào cuối tháng 9 vừa qua, nhà báo chính trị Tom Rogan của Mỹ đã gợi ý rằng, Mỹ nên mua tàu ngầm Pháp rồi đem cho Việt Nam để giải quyết mọi bất đồng và đảm bảo an ninh trên Biển Đông. Một gợi ý rất hay ho và có lợi cho rất nhiều bên nếu thành hiện thực. Những chiếc tàu ngầm không bán được cho Úc sẽ chẳng còn một ý nghĩa quốc tế nào nhưng nếu Tổng thống Biden ngỏ ý mua chúng, mang tặng Việt Nam và phía Pháp cũng đồng ý thì sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chúng không chỉ mang lại giá trị to lớn cho Mỹ về uy tín mà còn là các lợi ích an ninh quốc tế rộng lớn hơn.
Nói về chúng ta, hiện nay, Việt Nam chỉ mới sở hữu được biên đội 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo (636.1) hiện đại do Nga chế tạo, những chiếc đầu tiên được đưa vào trang bị từ năm 2014 thì cho đến nay nước ta vẫn chưa có thêm tàu ngầm mới. Trong khi đó, ông Tom Rogan cũng đã nhấn mạnh rằng: Tàu ngầm Barracudas hoạt động rất yên tĩnh trên Biển Đông, rất phù hợp với Việt Nam. Thế nên, chúng ta không thể trông chờ mà buộc phải hành động nếu muốn thành hiện thực hóa lời đề nghị của nhà báo Tom Rogan. Cũng như việc mua tàu ngầm Kilo trước đây, nếu Việt Nam chỉ ngồi trông chờ thì có lẽ Nga đã không bán 6 tàu ngầm đó cho nước ta.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này có thể xem là hành động cụ thể ở thời điểm không mấy thuận lợi nhưng trong cái khó lại có cái hay. Nó thể hiện rõ thiện chí củng cố mối quan hệ hai nước và cũng cho thấy mong muốn hai nước hợp tác toàn diện, trong đó có lĩnh vực an ninh quốc phòng. Và nói thẳng ra, mục đích sâu xa của chuyến thăm và làm việc tại Pháp lần này, đó có thể liên quan đến việc gia tăng cơ hội mang tàu ngầm về Việt Nam. Mà chẳng may không được thì ít ra chúng ta cũng có được rất nhiều hợp đồng kinh tế, giáo dục, hàng không vũ trụ,… rất cần thiết trong giai đoạn Việt Nam đang nỗ lực phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng ngang ngược bằng hàng loạt hành động quân sự hóa quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc tìm cách gây ảnh hưởng trong khu vực và dần dần là với các cường quốc quốc tế dựa vào vùng biển này để giao thương. Đây là một mối đe dọa sâu sắc đối với trật tự quốc tế thì việc một nước tiếp giáp biển Đông như Việt Nam cần được trang bị vũ khí sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trình hòa bình biển Đông. Nếu có được những chiếc tàu ngầm Barracudas của Pháp nữa sẽ góp phần làm thay đổi cán cân sức mạnh hàng hải ở biển Đông. Vai trò của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình và ổn định biển Đông sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Tin rằng, cả Mỹ, Anh, Úc và Pháp cũng mong muốn điều này.
Đặng Trường