+
Aa
-
like
comment

Cơ hội đổi mới giáo dục từ dịch Covid – 19

Quỳnh Quỳnh - 19/02/2020 17:39

Hãy coi việc học sinh, sinh viên nghỉ học do dịch Covid-19 là thử thách của các nhà quản lý giáo dục và cũng là cơ hội rất lớn để thay đổi tư duy giáo dục truyền thống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Cho học sinh nghỉ do dịch Covid-19 là một quyết định rất đúng và kịp thời. Phụ huynh an tâm với sức khoẻ con cháu mình mặc dù mỗi nhà mỗi hoàn cảnh có thuận lợi và khó khăn khác nhau, nhưng tất cả đều yên tâm vì sự an toàn của trẻ.

Kiến thức có thể bù đắp nhưng sức khoẻ, sinh mệnh con người là quan trọng. Chính quyền có quyết định đúng, phụ huynh thì an tâm nhưng các nhà quản lý giáo dục thì thế nào?

Cơ hội thay đổi tư duy giáo dục truyền thống

Thật cảm động khi thấy trên Facebook, Zalo, Viber nhiều trường, nhiều thầy cô nhắc nhở học trò mình coi bài vở , làm bài tập, ôn kiến thức. Có địa phương đã dùng sóng truyền hình để giáo dục vì ngày nay nhà nào cũng có tivi. Thật đáng trân trọng tấm lòng của người thầy, của chính quyền vì lo lắng học sinh sẽ ham chơi game, xao nhãng ôn luyện bài vở.

Học sinh học trực tuyến trong những ngày nghỉ phòng dịch Covid – 19

Xin hãy coi đây là thử thách của các nhà quản lý giáo dục và cũng là cơ hôi rất lớn để thay đổi tư duy giáo dục truyền thống trong thời đại công nghiệp 4.0. Ngày nay, xu hướng giáo dục không còn coi nhà trường là nơi duy nhất có thầy cô truyền đạt kiến thức .

Ngồi một chỗ người ta có thể học hỏi thật nhiều và biết thật nhiều kiến thức mà người thầy không thể dạy hết cho học sinh. Tuy nhiên giữa muôn trùng thông tin đó vẫn cần có người thầy định hướng, chỉ bảo đâu mới là kiến thức thật sự hữu ích cho sự phát triển của học sinh, đâu là phù hợp chương trình của cấp học, lớp học. Giữa muôn trùng thông tin bủa vây các em, có em sẽ sa đà lạc lối. Giống như ngày nay người ta không thiếu ăn nhưng ăn cái gì, ăn thế nào, lúc nào cho bổ dưỡng, cho thân thể khoẻ mạnh thì luôn cần chỉ dẫn của bác sĩ dinh dưỡng…

Nói như vậy vì giáo dục thời đại nào cũng cần có người thầy là nhà thông thái luôn đi trước xã hội. Vậy các nhà giáo dục cũng phải suy nghĩ, phải tìm tòi hướng phát triển tích cực.

Học tại nhà, dạy online sẽ có cơ hội phát triển?

Thầy Thanh Tuấn, trường đại học Giao thông Vận tải cho rằng: “Đối với các đô thị như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… hay các tỉnh thành khác thì việc áp dụng các chương trình giáo dục từ xa, thông qua các phần mềm, ứng dụng có thể tải về trên điện thoại, máy tính bảng hay máy tính, thậm chí cả trên tivi là điều hoàn toàn có thể làm được.

Tuy nhiên, nó cũng có những khó khăn nhất định, khi trong các trường học, ngay cả khu trung tâm các đô thị lớn thì vẫn còn đó rất nhiều người có hoàn cảnh còn khó khăn. Điều này chúng ta cũng phải chấp nhận và chia sẻ nhưng nếu thí điểm, ai có thể cho con em mình được học các chương trình này thì có thể đăng ký, còn những em chưa đáp ứng được thì có thể bố trí từng nhóm học tập ngay tại trường”.

Giáo viên một số trường phổ thông, đại học thực hiện buổi dạy học trực tuyến với học sinh, sinh viên

Cũng theo thầy thì: “Lúc này có thể dễ kiểm soát về dịch bệnh cũng như hạn chế được các vấn đề phát sinh khác khi chỉ có ít học sinh phải đến trường. Còn lại những học sinh nào có điều kiện thì có thể học tập ngay tại nhà mình. Và chương trình vẫn có thể chạy theo đúng kế hoạch, đặc biệt có thể áp dụng cho các nội dung ôn tập, cũng cố kiến thức hay các nội dung bổ trợ khác”.

Chuyên gia tâm lý nói gì?

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý, TS Nguyễn Mạnh Hùng lại cho rằng:“Đối với lứa tuổi tiểu học hay các bậc học cao hơn thì cần phải có sự hỗ trợ, tương tác của phụ huynh hoặc người lớn. Khi mà tiếp cận các chương trình này, hoặc các em chưa đủ trình độ để có thể sử dụng các phần mềm, các ứng dụng hay các thiết bị thông minh.

Thêm vào đó, ngồi trước các thiết bị này, liệu chắc rằng, các em chỉ chăm chú học tập hay không? Do đó, cần sự sự hỗ trợ của người lớn, phụ huynh. Thêm vào đó, các chương trình, nội dung học phải được thiết kế như thế nào và thời gian ra làm sao để phù hợp được… Trong bối cảnh này, theo tôi, tốt nhất là có sự hướng dẫn của giáo viên và phụ huynh để tải các ứng dụng thông minh hiện có trên thị trường hoặc các chương trình giáo dục chính thống để cho các em tiếp cận như: Bác học nhí, tam giác Toán, hay các ứng dụng của Gogole, Microsoft, các chương trình học học ngoại ngữ khác…”.

Tìm hiểu của PV thì hiện nay, một số trường cao đẳng, đại học đã ứng dụng đưa chương trình đào tạo từ xa để triển khai vào giáo dục chính thống. Đặc biệt là trong dịp dịch bệnh bùng phát như hiện nay, đây cũng là cơ sở để các trường triển khai, đưa chương trình học vào khoá học chính thống. Thêm vào đó, một số trường học cũng thiết kế chương trình để giúp cho học sinh tiếp cận với các chương trình học theo hình thức đào tạo từ xa. Các chương trình này, chủ yếu là do giáo viên trực tiếp giảng dạy soạn và up lên các trang/kênh, như Youtber, Facebook…

Quỳnh Quỳnh

Bài mới
Đọc nhiều