Cơ hội để TPHCM trở thành nơi “tập kết” dòng tiền đầu tư
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về địa chính trị, các xung đột nhỏ lẻ diễn ra ngày càng nhiều khắp nơi, sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt thì với lợi thế của mình, nếu nắm bắt tốt các xu hướng dịch chuyển mới của dòng tiền, TPHCM sẽ có cơ hội trở thành “nơi tập kết” nguồn vốn của cả khu vực.
Xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư toàn cầu
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đối mặt với bất định lớn, kèm theo biến động chính trị và xu hướng đầu tư quốc tế mới. Tăng trưởng kinh tế giảm, toàn cầu hóa chậm lại và bất ổn kinh tế và chính trị gia tăng, dẫn đến đảo ngược các xu hướng trước đây.
Trái với thập kỷ trước, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thế giới giảm hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Khối lượng vốn đầu tư chưa đạt lại mức trước khủng hoảng, giảm từ 10,3 nghìn tỷ USD năm 2007 xuống còn 7,4 nghìn tỷ USD năm 2022.
Sự suy giảm của vốn đầu tư và thương mại quốc tế so với tăng trưởng GDP thế giới thể hiện sự đảo ngược của các xu hướng toàn cầu hóa kinh tế. IMF nhấn mạnh rằng sự phân mảnh địa kinh tế gia tăng do cân nhắc chiến lược về an ninh chính trị và kinh tế, đặc biệt trước các xung đột vũ trang và tăng cường quân sự.
Rủi ro địa chính trị ngày càng là trở ngại quan trọng đối với dòng vốn quốc tế. Những mối quan hệ địa chính trị ảnh hưởng đến điểm đến của vốn đầu tư xuyên biên giới, khi nhà đầu tư giảm vốn đầu tư vào các quốc gia có chính sách đối ngoại khác biệt. Các nhà đầu tư cũng lo ngại về tài chính, thiếu tin cậy và mất mát vốn đầu tư trong các quốc gia có “quan điểm khác nhau về chính sách đối ngoại”.
Luân chuyển vốn quốc tế bao gồm đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thông qua các công cụ tài chính phái sinh và các khoản đầu tư khác. Dự trữ chính thức, mặc dù quan trọng, thường không được xem xét do mục đích bảo hiểm rủi ro kinh tế vĩ mô.
Tổng thể, đầu tư nội bộ của các nước phát triển chiếm đa số, nhưng nước đang phát triển tăng tỷ trọng (tăng từ 10% lên 19% và 9% lên 23% từ 2000-2021). Dòng vốn đầu tư đang có sự thay đổi về nhóm quốc gia đứng đầu.
Trong thập kỷ vừa qua, “con hổ châu Á” như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore thay thế vị trí Đức, Pháp, Anh trong các nước phát triển. Trong khi Trung Quốc dẫn đầu đầu tư ra nước ngoài ở các nước đang phát triển, Ấn Độ, Nga, Brazil và Ả Rập Xê Út cũng nổi lên.
Rủi ro kinh tế và chính trị là hạn chế chính đối với đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển. Trong năm 2023, Trung Quốc và Ấn Độ không đứng đầu danh sách hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo quan điểm của các lãnh đạo quản lý cấp cao từ các công ty phương Tây.
Trong bối cảnh dòng chảy đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực. Nguồn lực FDI cũng trở thành thành phần quan trọng của nền kinh tế và mang lại những dấu ấn tích cực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Và xu hướng này sẽ tiếp tục được mở rộng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng, nâng cấp với quan hệ với hàng loạt các quốc gia phát triển.
Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài mười tháng năm 2023 đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Cần nhấn mạnh rằng tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị quốc tế có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển – nơi có các nguồn vốn đầu tư ra bên ngoài lớn đều chậm lại.
Các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn, lựa chọn thị trường, điểm đến đầu tư… trong khi các nước trong khu vực đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư nước ngoài ngày càng có tính cạnh tranh cao, cho thấy kết quả thu hút đầu tư nước ngoài nói trên của Việt Nam là đáng khích lệ.
Triển vọng thu hút FDI trong giai đoạn tới có thể cao hơn, nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam; việc nâng cao chất lượng quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về đầu tư nước ngoài; sức tăng trưởng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào cải cách cơ chế quản lý, hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Ngoài một số các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đến Việt Nam như Samsung, LG, còn có các nhà đầu tư lớn khác như Foxconn, Apple, Goertek, Luxshare… đã và đang chuyển một số các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam. Hơn nữa, rất nhiều cơ hội lớn đang mở ra sau những chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam gần đây.
Các động thái này cho thấy Việt Nam đang có cơ hội để tiếp nhận xu hướng chuyển dịch của dòng vốn FDI toàn cầu. Nhưng cần lưu ý rằng trong thực tế đầu tư kinh doanh quốc tế đối với mọi quốc gia trên thế giới, cơ hội cũng có thể đến rồi đi.
Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là môi trường kinh tế-xã hội và sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của mỗi quốc gia; thực tế tình hình địa chính trị; mức độ phát triển của kinh tế thế giới, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh toàn cầu… ở mỗi giai đoạn phát triển.
TPHCM cần đón lấy “cơ hội lớn”
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, TPHCM dẫn đầu top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất trong năm 2023 với 12.398 dự án và tổng vốn đăng ký 57,632 tỷ USD, chiếm 31,67% tổng số dự án và gần 13% tổng vốn đăng ký FDI của cả nước. Tổng cộng, Việt Nam thu hút 39.140 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 468,917 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp lớn từ 10 địa phương khác bao gồm Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Long An, và Quảng Ninh.
Năm 2024, với nhiều cơ chế chính sách vượt trội, TPHCM sẽ tận dụng thời cơ nhận chuyển dịch đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới. Qua đó, thành phố sẽ có sẽ điều kiện thúc đẩy nhanh hơn trong quá trình chuyển dịch kinh tế, đóng góp vào quá trình chuyển đổi cấu trúc của Việt Nam sang hướng hiện đại hơn, xanh hơn, sạch hơn và năng suất hơn. Đặc biệt, với Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, TPHCM có thể áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư.
Mới đây, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023- 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, TPHCM nâng cao tỷ trọng FDI có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa FDI tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, TPHCM tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều tri thức, ít thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối sản xuất và cung ứng toàn cầu. Mở rộng thị trường, tranh thủ vốn, công nghệ kiến thức quản lý, văn hóa doanh nghiệp của khu vực FDI.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong thu hút, sử dụng dòng vốn FDI, tăng tỉ lệ đóng góp của khu vực FDI trong phát triển kinh tế, xã hội, tương ứng với những ưu đại, hỗ trợ được hưởng. Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến cộng nghệ cao tăng 50%/năm.
Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, hoàn thiện quy hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực của Thành phố; cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư FDI.
Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư FDI của Thành phố. Trong đó, cải tổ toàn diện khung chính sách ưu đãi hiện hành và chuyển hướng sang ưu đãi dựa trên kết quả, hiệu quả công việc, hỗ trợ sau đầu tư cho các dự án đã hoàn thành. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao. Rà soát, kiến nghị Trung ương các cơ chế, quy định còn vướng mắc, cần tháo gỡ nhằm thực thi các quy định pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặt khác, rà soát tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững. Đặc biệt, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (thuế tối thiểu toàn cầu…).
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư FDI hướng vào các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư để thu hút FDI. Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo, nhân dân TPHCM, cùng hàng loạt cơ chế đặc thù vừa được thông qua, tin chắc TPHCM sẽ nắm bắt tốt các cơ hội để trở thành nơi tập kết nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hướng đến tầm nhìn trở thành Trung tâm Tài chính khu vực trong thời gian tới.
Thành An