+
Aa
-
like
comment

Cơ hội để doanh nghiệp Việt phục hồi với thị trường mới

Diệu Hương - 10/09/2021 11:05

Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, châu Phi được nhận định là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng hóa của Việt Nam. Mặc dù vậy, việc giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và thị trường các nước châu Phi vẫn còn nhiều hạn chế do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Vậy doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để nắm bắt cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này khi mà dịch bệnh Covid-19 đang dần được đẩy lùi.

Châu Phi nằm ở phía Tây Nam đại lục Á – Âu, trên trục đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, là cầu nối của ba lục địa châu Á, châu Âu và châu Mỹ, nối liền Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Với tổng diện tích tự nhiên trải dài trên 30 triệu km2 (lớn thứ ba trên thế giới, sau châu Á và châu Mỹ) và dân số hơn 1,3 tỷ người (chủ yếu là lực lượng lao động trẻ). Bên cạnh đó, châu Phi là khu vực thị trường rộng lớn gồm 55 quốc gia, trong đó có 26 quốc gia nói tiếng Pháp.

Năm 2020, GDP của toàn châu Phi ước đạt hơn 2.300 tỷ USD, chiếm khoảng 2,8% GDP thế giới; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1.800 USD, trong đó chỉ có hơn một nửa trong tổng số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi có thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD/năm. Dự báo trong năm 2021, trong điều kiện ngành du lịch phục hồi, giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng và dịch bệnh Covid-19 được khống chế, GDP của châu lục này có khả năng tăng 3,4%.

Hơn nữa, trong nhiều năm qua, các quốc gia này đã và đang tiếp tục các nỗ lực ổn định chính trị, xã hội, khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân…

Nhờ thu nhập được cải thiện, quy mô tầng lớp trung lưu tại các nước đang tăng dần. Từ đó, mang đến nhiều cơ hội hợp tác cho Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Phi đạt 6,7 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.

Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Phi đang dần hồi phục sau gần 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt nhu cầu mặt hàng nông sản ở khu vực này rất lớn, ước tính đạt 110 tỷ USD vào năm 2025 với yêu cầu chất lượng, mẫu mã không cao, phù hợp với các sản phẩm nông sản Việt như: gạo, cà phê, hạt tiêu… Ngoài nông sản, các mặt hàng mà các nước châu Phi có nhu cầu cao là thuốc tân dược, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, linh kiện ô tô, xe máy, chất dẻo, nguyên liệu, quần áo… Do vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị các kế hoạch để hợp tác với các đối tác khi dịch bệnh đi qua.

Dù tiềm năng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường châu Phi được đánh giá còn lớn, nhưng các chuyên gia cũng như đại diện thương mại Việt Nam tại nhiều quốc gia châu Phi khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác châu Phi bởi tình trạng lừa đảo trong giao dịch đã xảy ra. Đáng lưu ý, đối tượng chấp nhận bất cứ giá chào hàng nhập khẩu nào từ doanh nghiệp Việt Nam, hoặc đối tượng chào hàng xuất khẩu sang Việt Nam với giá thấp sau đó yêu cầu trả 1 khoản phí, đặt cọc rồi chiếm dụng…

Vì vậy, để không bỏ lỡ những cơ hội mà thị trường này mang lại, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cần tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh từ Bộ Công Thương cũng như tham khảo thông tin ở nước ngoài. Hạn chế tìm kiếm hoặc giao dịch với các khách hàng qua các trang mạng internet khác.

Khi thanh toán xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C tức là thư tín dụng không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín. Tuyệt đối không sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ), bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng. Nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc, tốt nhất là 30% trở lên

Đặc biệt, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu. Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác châu Phi, các doanh nghiệp nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán an toàn, có lợi về mình, để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng nhằm ép giảm giá. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.

Về phía Bộ Công Thương, thường xuyên tổ chức hội thảo tuyên truyền tiềm năng xuất nhập khẩu và biện pháp phòng ngừa rủi ro tại thị trường châu Phi. Doanh nghiệp cần phải tham gia các hội thảo này để nắm bắt những thông tin mới nhất của thị trường.

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nghiên cứu đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường mới, còn nhiều dư địa để khai thác như châu Phi là một trong những giải pháp mà Doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng đến.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều