+
Aa
-
like
comment

Cơ hội cho 6.000 – 8.000 lực lượng lao động sau dự án siêu cảng Cần Giờ

Bích Vân - 07/09/2023 16:17

Về hiệu quả kinh tế – xã hội, dự án thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng.

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast cung cấp

Ngày 7.9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Việc này nhằm thực hiện đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lấy ý kiến thẩm định dự án.

Về nhu cầu sử dụng đất, UBND TPHCM cho biết địa điểm đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm tại xã Thạnh An (xã ven biển), huyện Cần Giờ (TPHCM).

Theo hồ sơ đề xuất, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 571 ha, trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) khoảng 89,95 ha, còn lại là diện tích mặt nước khoảng 481,05 ha.

Dự án thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Theo quy định tại Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 21.1.2008 của UBND TPHCM về việc ban hành Quy chế quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ thì hoạt động phát triển kinh tế là hoạt động được triển khai, được thực hiện với công trình có kết cấu, vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên và được cấp có thẩm quyền cho phép.

UBND TPHCM đã giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ xây dựng hồ sơ đề cử vùng đất ngập nước cửa sông ven biển Cần Giờ thành khu Ramsar (hiện đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ để xem xét).

Khu vực đề xuất xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast cung cấp

Theo hồ sơ gửi kèm, nhà đầu tư chỉ có nội dung báo cáo về đánh giá tác động môi trường tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chưa có đánh giá tác động môi trường sơ bộ.

Căn cứ theo các quy định hiện hành, dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. UBND TPHCM đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ ý kiến đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá nội dung này.

Về hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, UBND TPHCM cho biết, đối với TPHCM và huyện Cần Giờ, dự án thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng; tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan…

Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).

Dự án cũng tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM,…

Đối với quốc gia, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, định vị quốc gia trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế của khu vực, thu hút các nhà vận tải, logistics lớn của thế giới, là các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời, hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian.

Dự án cũng giúp Vùng Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số một khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia,…

Theo UBND TPHCM, dự án có tổng mức đầu tư hơn 113.531 tỉ đồng (không tính lãi vay trong thời gian xây dựng). Theo hồ sơ đề xuất dự án đầu tư do Liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (nhà đầu tư) nộp ngày 6.4.2023, các nhà đầu tư đề xuất tiến độ giải ngân dự kiến để xây dựng cơ bản và đưa công trình vào vận hành giai đoạn 1 là từ năm 2024 – 2027 hơn 18.387 tỉ đồng.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều