+
Aa
-
like
comment

Có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn để… tránh nghĩa vụ làm nhà ở xã hội!

09/12/2020 08:12

Bộ Xây dựng đề cập hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10ha để tránh việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định. Kết quả phát triển nhà ở xã hội, theo đó, còn rất thấp.

Theo hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định nêu thông tin, đến nay trên cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn. Hiện đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn (trong đó đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 138 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 57.200 căn hộ và 111 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ).

Mặc dù pháp luật về nhà ở đã có nhiều cơ chế ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội nhưng kết quả phát triển nhà ở xã hội đạt được còn rất thấp so với nhu cầu (đến nay chỉ đạt khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020).

Bộ Xây dựng cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội đạt kết quả thấp có nhiều nguyên nhân. Trong đó, công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chưa được chính quyền địa phương quan tâm và nghiêm túc thực hiện. Nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách, vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, thủ tục đầu tư xây dựng, xác định đối tượng được hưởng chính sách, giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội còn phức tạp, thời gian kéo dài. Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án nhà ở xã hội…

Có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn để… tránh nghĩa vụ làm nhà ở xã hội! - 1
Một dự án nhà ở xã hội (Ảnh minh họa).

Ngân sách bố trí cho vay phát triển nhà ở xã hội rất hạn chế

Một số quy định của Nghị định 100 không còn phù hợp với thực tiễn cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử như Nghị định 100 quy định chỉ bắt buộc các dự án có diện tích đất trên 10ha phải dành tỷ lệ 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội và cho phép các dự án dưới 10ha được lựa chọn hình thức dành quỹ đất hoặc quỹ nhà hoặc bằng tiền. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện quy định này có nhiều bất cập.

Hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương đều cho phép dự án dưới 10ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền (TPHCM không có dự án dưới 10ha dành quỹ đất, Hà Nội chỉ có 8/124 dự án…) dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại 1).

“Có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10ha để tránh việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội”- Bộ Xây dựng nêu thực trạng.

Nghị định 100 cũng chưa có quy định yêu cầu các địa phương phải bố trí bù quỹ đất 20% tại vị trí khác trong trường hợp dự án trên 10ha không dành hoặc dành không đủ 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng phản ánh thực tế, việc triển khai các quy định về nguồn vốn cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội gặp rất nhiều vướng mắc. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, ngân sách bố trí cho vay phát triển nhà ở xã hội rất hạn chế (giai đoạn 2018-2020 là 2.163 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng, khoảng 24% so với nhu cầu). Do đó có nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện hoặc phải giãn, hoãn do không có vốn (264 dự án với quy mô 216.500 căn), trong khi nhu cầu lại rất lớn.

Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về nguồn vốn ngân sách và thủ tục hành chính về đăng ký vay vốn ưu đãi còn một số bất cập, vướng mắc (xác nhận giấy tờ chứng minh đủ điều kiện vay vốn ưu đãi,…

Vì vậy, Bộ Xây dựng khẳng định việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100 nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, góp phần thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho đại bộ phận nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thế Kha/DT

Bài mới
Đọc nhiều