+
Aa
-
like
comment

Có hay không một cuộc ‘hợp hôn’ với TPP dưới thời ông Biden?

20/01/2021 06:05

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thiết chế kinh tế đa phương do Mỹ khởi xướng, được đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng nhất của chính quyền Obama.

Mục tiêu tối thượng của TPP là đẩy mạnh liên kết thương mại tự do giữa các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á và ven dọc bờ Thái Bình Dương.

Được chính thức ký kết vào năm 2016 và dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, TPP bỗng chốc bị hủy bỏ ngay khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Tuy nhiên, từ khi còn đương nhiệm cương vị Phó tổng thống của chính quyền Obama, ông Joe Biden đã rất ủng hộ hiệp định đa phương này.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden đã nhiều lần đề cập đến việc tái khởi động TPP nếu đắc cử. Giờ đây, khi thế giới sắp chứng kiến lễ tuyên thệ của vị Tổng thống này, học giả chuyên môn và báo giới toàn cầu đang quan sát về khả năng “tái hôn” giữa với TPP và Mỹ.

TPP công cụ đối trọng Trung Quốc của Mỹ

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng TPP từ lâu đã được xem là cách hữu hiệu trong việc kiềm chế sự trỗi dậy thiếu tính hòa khí của Trung Quốc. Điều đó đã được cựu Tổng thống Obama khẳng định trong suốt thời gian đương nhiệm.

Theo đó, TPP sẽ giúp Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, dẫn đầu về thương mại toàn cầu. Thiết chế thương mại đa phương này sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường tự do nếu quốc gia này muốn tham gia.

Có hay không một cuộc 'hợp hôn' với TPP dưới thời ông Biden?

Kế thừa tinh thần ấy, ông Biden cho biết Mỹ sẽ chủ động “hợp hôn” lại với TPP nhằm ngăn chặn khả năng Trung Quốc tự vẽ ra các quy tắc thương mại có lợi cho mình.

Có thể thấy, nỗi lo chung của hai vị Tổng thống trên là việc Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới. Kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc đã thành công trong việc hình thành RCEP. Dưới góc nhìn kinh tế quốc tế, RCEP là thiết chế thương mại đa phương nhằm đối trọng với TPP.

Với sự tham gia của 15 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, RCEP đang là thỏa thuận thương mại lớn nhất hành tinh. Với tiềm năng không thua gì TPP, RCEP đang chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Vì thế, Washington rất lo lắng về nguy cơ mất đi tầm ảnh hưởng truyền thống của mình tại châu Á Thái Bình Dương. Rõ ràng, một RCEP không có Mỹ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài của nước này sẽ phải chuyển nhiều hoạt động hơn sang các quốc gia thành viên RCEP. Mục đích là để tận dụng mức thuế thấp hơn trong khối. Hậu quả là các công ty này sẽ phải tuân thủ các luật lệ do Trung Quốc đặt ra.

Song song đó, sẽ có nhiều người Mỹ mất việc làm hơn. Như vậy, việc Nhà Trắng vắng bóng trên các diễn đàn kinh tế đa phương không còn mang ý nghĩa bảo vệ người dân Mỹ. Trái lại, nó khiến công dân nước này mất mát nhiều hơn.

Tham khảo thêm

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới. Bằng chứng là tại hội nghị trực tuyến APEC lần thứ 27, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố đang tích cực xem xét việc gia nhập hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) phiên bản khác của TPP mà không có Mỹ.

Từ góc độ kinh tế, Trung Quốc hoàn toàn có thể tự tin về vai trò thiết lập cuộc chơi của mình. Theo hãng Reuters, Trung Quốc là quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19 thành công. Nước này đang nằm trong top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới với mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 2,1%, cao hơn 5,8% so với con số của Mỹ.

Như vậy, nếu gia nhập CPTPP thành công, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thay thế Mỹ trong việc viết nên luật chơi mới không chỉ tại châu Á Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Do đó, việc khởi động lại TPP được đánh giá là cách hữu hiệu và nhanh chóng nhất trong việc tạo ra một đối trọng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đồng thời, đây cũng chính là con đường khả dĩ nhất để Mỹ tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới của mình.

Cuộc tái hợp đầy gian truân

Dưới góc nhìn đàm phán quốc tế, chữ tín là giá trị cốt lõi của bất kỳ thỏa thuận nào. Việc Mỹ đột ngột rút khỏi TPP đã khiến 11 quốc gia thành viên hoài nghi về uy tín của nước này.

“11 quốc gia đã mất 5 năm dài và cực khổ trong việc đi tìm tiếng nói chung trong các thỏa thuận thương mại để rồi bị Hoa Kỳ bỏ rơi. Giờ đây, chẳng còn quốc gia nào có tâm trạng xem xét những yêu cầu mới được đưa ra từ phía Mỹ”, Deborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á tại Singapore, chia sẻ.

Có hay không một cuộc 'hợp hôn' với TPP dưới thời ông Biden?

Đồng quan điểm đó, Bộ trưởng Thương mại Australia cũng bày tỏ những bất mãn. Theo đó, việc đi tìm tiếng nói chung và công bằng cho 11 quốc gia không phải là chuyện dễ dàng. Do đó, thành viên nội khối rất khó có thêm bất kỳ thương lượng mang tính nhân nhượng nào dành cho Mỹ.

Canada và Mexico từng là thành viên của TPP, và giờ đây đang thuộc nhóm CPTPP. Vào năm 2017, hai nước này từng bị ông Trump chỉ trích nặng nề trong việc cướp mất việc làm của người lao động Mỹ.

Về phía Nhật, chính phủ cũng nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng vì không được nằm trong danh sách miễn thuế lên mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Do đó, sự tán đồng của 3 quốc gia này về việc trở lại của Mỹ trong hiệp định TPP, hay CPTPP, có lẽ vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Thủ tướng New Zealand cũng lưu ý rằng Mỹ hiện tại là quốc gia không có bất kỳ liên quan gì đến TPP hay CPTPP. Do đó, chiến dịch tái khởi động một di sản đã bị Washington chối bỏ là rất khó khăn. Thách thức về mặt thời gian là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng. Đồng thời, nội khối trông đợi một sự xuống nước rõ ràng hơn từ Nhà Trắng.

Tia sáng cuối đường hầm

Ở một góc độ khác, Mỹ không hoàn toàn thất thế trên cuộc chiến này. Việc chính quyền Biden ngỏ ý tái đàm phán TPP nhận được không ít sự ủng hộ từ nhiều quốc gia. Chính phủ các nước này nhận thức rõ nếu chỉ có RCEP tồn tại và một TPP (hay CPTPP) không có Mỹ thì Trung Quốc sẽ càng thuận lợi hơn trong việc lấy sức ép kinh tế để buộc các nước nhượng bộ nhiều vấn đề khác.

Không chỉ vậy, không ít quốc gia quan ngại rằng với tầm ảnh hưởng của RCEP, hàng hóa nội địa sẽ không còn khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hai mươi năm sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, nhiều quốc gia nhận thấy thị trường nước họ tràn ngập hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa mở cửa thị trường theo đúng những gì đã hứa.

Đối với Trung Quốc, thương mại toàn cầu nghĩa là sản phẩm và vốn của nước này có quyền xâm nhập thị trường của mọi quốc gia thành viên. Ngược lại, quốc gia này lại không cho phép các đối tác thương mại tiếp cận nhiều hơn với thị trường của mình.

Tầm nhìn của Trung Quốc về toàn cầu hóa rất khác so với phiên bản do Mỹ dẫn đầu. Đối với nhiều quốc gia, tham gia một trật tự thương mại tự do do Mỹ lãnh đạo có nghĩa là được tiếp cận với một thị trường khổng lồ để xuất khẩu hàng hóa.

Điều đó đã được chứng minh khi Mexico gia nhập NAFTA năm 1994. Mỹ là một trong các quốc gia đầu tiên đặt nền móng cho toàn cầu hóa thương mại như hiện nay. Qua đó, nước này đã thúc đẩy sự thịnh vượng cho các quốc gia có nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc.

Tuy vấp phải những ý kiến trái chiều, Mỹ vẫn còn nhiều cơ hội để biến cuộc “hợp hôn” này sớm trở thành sự thật. Ủng hộ đó đến từ những di sản quý báu về việc gìn giữ thương mại tự do mà nước này cống hiến cho thế giới trong suốt nhiều năm qua.

Chính quyền Biden nên tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm quay trở lại TPP như cách họ đã từng làm dưới thời kỳ Obama. Điều này thật sự có ý nghĩa to lớn đối với vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ, cũng là cách đảm bảo thương mại tự do và công bằng ở khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương.

TS Nguyễn Tăng Nghị Trần Mạnh Giàu/VNN

Bài mới
Đọc nhiều