CDC Hà Nội có lợi dụng dịch bệnh để trục lợi hay không, Bộ Công an vào cuộc sẽ rõ ngay
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) đã triệu tập một số cán bộ của CDC Hà Nội để làm rõ vụ việc mua sắm trang thiết bị y tế.
Được biết, do số lượng mẫu nghi nhiễm dịch bệnh cần xét nghiệm gia tăng, vừa qua Hà Nội có mua thêm một hệ thống xét nghiệm realtime PCR khoảng 7 tỷ đồng. Không chỉ Hà Nội có tình trạng mua hệ thống xét nghiệm giá cao, mà đã có nhiều tỉnh thành mua thiết bị này với giá cao như vậy. Thế nhưng, theo như thông tin một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết giá một hệ thống xét nghiệm như thế này không quá 4 tỉ đồng.
Mặc dù Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiền cho biết “đoàn kiểm tra của sở chưa phát hiện sai sót mà mới thấy một số chi tiết nhỏ có thể “nhầm” như ngày ký hợp đồng, ngày lấy máy…”. Tuy nhiên, việc các cán bộ CDC Hà Hội có trục lợi ngân sách nhà nước hay không thì sau khi Bộ Công an điều tra, đúng sai thế nào thì chỉ thời gian ngắn sẽ sáng tỏ, nhưng chắc chắn, nếu có khuất tất, đục nước béo cò hành vi trục lợi thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Giai đoạn này người dân và nhà nước đang đoàn kết chống dịch, cho đi còn không hết tại sao lại lợi dụng cơ hội mà bòn rút ngân sách? Tham nhũng, trục lợi giữa mùa dịch chẳng khác gì tội ác. Mà như lời của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói thì “Chúng ta được giao mặt trận này mà có biểu hiện, việc làm, móc ngoặc, nâng giá lên, tham ô tham nhũng, thì không những mang tiếng ở địa bàn thành phố, mang tiếng với cả nước mà mang tiếng với cộng đồng quốc tế”.
Có thể thấy, mặc dù toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, dốc hết sức lực với quyết âm cao nhất là đẩy lùi dịch bệnh. Song cũng không phải vì tập trung “chống dịch như chống giặc” mà công cuộc chống “giặc nội xâm” lại bị xao nhãng. Việc Bộ Công an triệu tập một số cán bộ CDC Hà Nội lên làm rõ về thông tin mua sắm trang thiết bị y tế đã cho thấy, mọi công tác về phòng chống dịch bệnh đều được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời. Khâu nào có vấn đề, cán bộ nào có dấu hiệu trục lợi, bòn rút ngân sách đều được điều tra, làm rõ đến cùng để thông tin kịp thời, minh bạch, công khai cho người dân biết.
Đây cũng chính là “tấm gương” răn đe cho những ai có tư tưởng trục lợi gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng sắp triển khai cho người dân. Được biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định, từ đó có thông tư hướng dẫn cụ thể với quyết tâm không để xảy ra tình trạng chính sách chạy lòng vòng. Thế nhưng, thiết nghĩ, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tác động khó lường thì việc đề phòng, cảnh báo, răn đe để tiền hỗ trợ dân đi đúng đường là không thừa. Địa phương nào để xảy ra tình trạng như những câu chuyện “dê nhầm nhà”, “gà đi lạc”, “bò, nhím nhầm chuồng”… thì chắc chắn sẽ bị điều tra đến cùng và xử lý thích đáng.
Thế Khoa