Có hay không có “thế lực thù địch”?
Gần đây, trên các trang truyền thông cả chính thống và không chính thống đang rôm rả bàn tán vấn đề “thế lực thù địch”. Vậy có hay không có cái gọi là “thế lực thù địch”, liệu rằng “thế lực thù địch” có phải chỉ là “bóng ma” được vẽ ra để công kích người góp ý?
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề kinh tế – xã hội, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa có nêu quan điểm: “khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch. Cách làm đó trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, tôn chỉ, mục đích của Đảng, Nhà nước”. Đồng thời, ông Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Tất nhiên ta phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị nhưng không mượn bóng ma của các thế lực này để công kích những người góp ý cho mình dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử”.
Thế lực thù địch: cần hiểu đúng, đủ
Sau khi phát biểu của ĐB Trương Trọng Nghĩa được đưa ra, trên nhiều trang truyền thông “lề trái” do Việt Tân và một số cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị tích cực đăng tải, trích dẫn và bình luận về các nội dung liên quan đến “thế lực thù địch” được ông Nghĩa đưa ra. Và dĩ nhiên, thông tin được các trang truyền thông “lề trái” này được đưa ra theo kiểu chắt lọc hòng dẫn dắt, hướng lái thông tin đi theo hướng tiêu cực, lệch lạc, sai lệch ý kiến được đưa ra.
Bàn về “thế lực thù địch”, không khó để nhận thấy không ít lần vấn đề này đã được đưa ra thảo luận, phân tích trên các mặt báo. Chúng ta cần xác định rõ, hiện nay Việt Nam phải đối mặt với không ít nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia và sự an toàn, ổn định của xã hội Việt Nam. Ở một khía cạnh nhất định, vấn đề về “thế lực thù địch” có mối quan hệ chặt chẽ với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về đối tượng và đối tác. Trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước ta khẳng định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”; “bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”.
Quay lại vấn đề “thế lực thù địch”, có thể hiểu ngắn gọn đó là những cá nhân, tổ chức có hành động xâm hại hoặc đe dọa xâm hại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; hoạt động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyên truyền, xuyên tạc về chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; gây chia rẽ, kỳ thị giữa các dân tộc, tôn giáo…
Trên cơ sở quan điểm về đối tượng, đối tác, chúng ta có thể nhận diện và chỉ ra các “thế lực thù địch” của Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng, đối tác không hề cố định. Điều này cũng được Đảng ta nhìn nhận rõ: “Trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Chính vì vậy, chúng ta không “chỉ thẳng mặt, điểm thẳng tên” các “thế lực thù địch” vì điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, dù không chỉ mặt, điểm danh ai là “thế lực thù địch” nhưng không có nghĩa là các “thế lực thù địch” không tồn tại.
Đừng đánh lận quan điểm của đại biểu
Nếu theo dõi phiên họp và lắng nghe toàn bộ ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chúng ta có thể thấy đây là ý kiến đóng góp rất đắt giá. Vì rõ ràng, thời gian vừa qua, một số chính sách do các bộ, ngành, cơ quan đưa ra thiếu tính khả thi, không đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, thay vì sửa sai, nhận lỗi (cũng cần nói thêm, văn hóa nhận lỗi, nhận trách nhiệm trong hệ thống chính trị của nước ta đang thực sự gây khó chịu cho dân vì chẳng ai sẵn sàng đối mặt với sai phạm), nhiều đơn vị lại cố tình triển khai chính sách dẫn đến gây bức xúc trong dư luận, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị tận dụng chọc ngoáy, xuyên tạc hòng xâm hại an ninh quốc gia của Việt Nam. Chính vì vậy, việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng “khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó” là quan điểm đúng. Đồng thời, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng không phủ nhận việc tồn tại các thế lực thù địch mà nhấn mạnh “ta phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị nhưng không mượn bóng ma của các thế lực này để công kích những người góp ý cho mình dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử”.
Tuy nhiên, thông qua miệng lưỡi xuyên tạc và việc bẻ lái thông tin, Việt Tân (tổ chức phản động đã được Bộ Công an thông báo) cùng một số đối tượng chống đối, cơ hội chính trị lại xảo trá đánh lận thông tin, cho rằng Đảng, Nhà nước đang sử dụng “bóng ma thế lực thù địch” để công kích người góp ý.
Chúng ta không làm quá nhưng cũng không được lơ là, mất cảnh giác trước hoạt động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Không có ai lấy “bóng ma” mang tên “thế lực thù địch” ra để đe dọa người dân. Hiện tại, dù hòa bình được duy trì nhưng những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia vẫn đang hiện hữu, vì vậy, chúng ta cần sáng suốt nhìn nhận, đánh giá để có thể đấu tranh, ngăn chặn hành vi xâm phạm của các thế lực thù địch.
Bảo An
(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)