Có hay không chuyện thông đồng thổi giá?
Sau Hà Nội, đến lượt các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam và một vài địa phương khác có chuyện lùm xùm về giá cả mua bán hệ thống xét nghiệm Realtime PCR.
“Hoa mắt” với giá máy xét nghiệm Realtime PCR
Tại Quảng Ninh, theo hợp đồng ban đầu được ký ngày 1-3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu (Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu y tế Việt và Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao) thì hệ thống xét nghiệm Realtime PCR có giá 8,4 tỉ đồng.
Mức giá này dựa trên kết quả thẩm định của Công ty CP thẩm định giá Quảng Ninh và Sở Tài chính Quảng Ninh.
Ngày 23-3, sau khi C03 Bộ Công an làm việc với Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh đã ký thêm phụ lục hợp đồng với nhà thầu, giá giảm xuống còn 7 tỉ (giảm 1,4 tỉ). Ngày 19-3, Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng nhưng ngày 21-4 nhà thầu đã hoàn trả số tạm ứng này cho Sở Y tế. Sau đó giá chỉ còn 5,2 tỉ, tức đã được giảm tiếp thêm 1,8 tỉ so với phụ lục ngày 23-3.
Tại Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế cho biết tỉnh đã mua qua hình thức chỉ định thầu hệ thống thiết bị xét nghiệm Realtime PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31-3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1-4.
Tuy nhiên, sau khi lắp đặt thiết bị, đến ngày 15-4 Sở Y tế Thái Bình lại có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị. Sau khi đàm phán, giá được giảm còn 5,8 tỉ đồng.
Tại Quảng Nam, theo phản ánh của dư luận, giá mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động trang bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) là 7,5 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho hay, UBND tỉnh đồng ý phân bổ cho Sở 7,65 tỷ đồng, tuy nhiên, qua khảo sát thị trường thì Sở Y tế đã quyết định mua máy của một công ty cung cấp vật tư y tế tại TP Đà Nẵng với giá 7,2 tỷ đồng. Theo ông Hai, Hà Nội mua máy trước khi xảy ra dịch, còn Quảng Nam mua ngay giữa mùa dịch và mua tại chỗ nên giá 7,2 tỷ đồng là việc bình thường.
Tại Ninh Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã đấu thầu hệ thống Realtime PCR với giá dự toán gần 8 tỷ đồng từ đầu tháng 3/2020.
Tại Quảng Trị, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hệ thống máy Realtime PCR do CDC Quảng Trị mua chỉ với giá 1,45 tỉ đồng. Ông Hùng cho rằng “thiết bị Realtime PCR được mua với giá 1,45 tỉ đồng là vẫn rẻ chứ không đắt”.
Đâu là giá thực?
Câu hỏi này không dễ gì trả lời trong một sớm một chiều.
Theo cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Trong lúc đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội lại mua với giá 7 tỉ, Quảng Nam 7,56 tỷ, Thái Bình sau khi đàm phán xuống còn 5,8 tỷ, Quảng Ninh từ 8,4 tỉ xuống 7 tỉ cuối cùng còn 5,2 tỉ, Quảng Trị 1,45 tỷ.
Nhiều địa phương khẳng định mức giá họ mua (dao động từ 6 đến 7 tỷ) là giá nhà thầu chào bán.
Trong thực tế, nhất là giữa đại dịch Covid-19, giá cả thiết bị y tế chống dịch lên xuống là chuyện bình thường. Bài học từ chuyện cái khẩu trang, bình xịt sát khuẩn ngay từ khi dịch mới bùng phát đã cho ta thấy rõ điều đó. Cho nên muốn minh bạch giá cả, việc truy xuất nguồn gốc mua là hết sức cần thiết. Từ đó có thể xác định được có hay không chuyện “bắt tay” thổi giá hay lòng vòng mua bán để nâng giá nhằm trục lợi giữa các bên hữu quan.
Cũng xin nhắc lại ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam khi ông cho rằng, cần phải làm rõ hành vi đầu cơ, đẩy giá thiết bị y tế của các doanh nghiệp, nhà cung cấp.
Để làm rõ vấn đề này, cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra Bộ Công an đối với các tỉnh thành đã mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 (không cứ mức giá nào).
Có hay không chuyện các bên thông đồng thổi giá?
Trước hiện tượng giá máy xét nghiệm bất thường ở một số địa phương khiến báo chí và dư luận lên tiếng, Bộ Y tế liên tiếp gửi 2 công văn trong các ngày 17/4 và 24/4, yêu cầu Sở Y tế tất cả các tỉnh, các bệnh viện báo cáo việc mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động xét nghiệm Covid-19.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tất cả các tỉnh, các bộ ngành và một số bệnh viện tư nhân tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế.
Công văn của Bộ Y tế là cần thiết, nhưng hồ sơ, số liệu báo cáo của các địa phương liệu có đáp ứng được yêu cầu minh bạch thông tin về giá khi mà các báo cáo sẽ như lời khẳng định của Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Văn Hai: “Việc mua máy xét nghiệm được thực hiện đúng quy định. Không có chuyện bắt tay, thổi giá, cũng chẳng có chuyện mua để trục lợi.”?
Bởi thế, như chúng tôi đã nói ở trên, chỉ có sự vào cuộc của cơ quan điều tra Bộ Công an nhằm truy xuất nguồn gốc giá máy khi nhập khẩu và đường đi của nó thì mới có câu trả lời chính xác cho một vấn đề nóng mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Sẽ hạn chế được tiêu cực xảy ra nếu như…
Khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu trang thiết bị y tế phòng chống dịch trở nên cấp bách, khẩn thiết. Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó, chuyện đầu cơ, trục lợi là không thể tránh khỏi. Dư luận đã từng cảnh báo điều này, nhất là sau những vụ một số nhà thuốc đẩy giá khẩu trang, nước sát khuẩn lên hàng chục lần nhằm móc túi người tiêu dùng.
Lẽ ra bài học đó sẽ không lặp lại hoặc chí ít thì cũng hạn chế được tối đa việc “thổi giá” mua sắm các thiết bị đắt tiền phục vụ phòng chống dịch như máy tự động xét nghiệm Covid-19 Real-time PCR.
Giá như các cơ quan chủ quản trực tiếp có những định chế tổ chức, hướng dẫn, giám sát ngay từ đầu việc mua máy chứ không phải chỉ là mấy công văn yêu cầu báo cáo tình hình mua bán sau khi vụ việc đã xảy ra…
Đây là bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm ngay khi gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đang được triển khai để không xảy ra tình trạng trục lợi từ ngân sách nhà nước mà thực chất là từ những đồng tiền thuế quý giá đóng góp bằng mồ hôi nước mắt của người dân.
Nguyễn Duy Xuân/VNN