+
Aa
-
like
comment

Có hay không căn bệnh “ung thư chính trị” như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói?

sông trà - 16/11/2020 14:17

Vừa qua, tại diễn đàn Quốc Hội, Đại Biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có một phát biểu khiến cho không ít người phải suy nghĩ: “Có thể nói là vừa qua có trường hợp ung thư về mặt chính trị”.

Tất nhiên, trên không gian mạng, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội về chính trị đã triệt để lợi dụng, tán phát nhằm phủ nhận thành quả cách mạng, nói xấu Đảng và Nhà nước ta. Vậy thực hư của cái gọi là “ung thư về mặt chính trị” là gì? Chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng với thực tiễn Việt Nam?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng làm nóng dư luận khi phát biểu về cái gọi là “căn bệnh ung thư về mặt chính trị”

Một bộ phận suy thoái tư trưởng, đạo đức là có thật

Thực tế, ta thường xuyên quan tâm, chỉnh đốn Đảng, nhưng cách thức thực hiện chưa tốt nên có lúc có nhiều đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, diễn biến tư tưởng, thiếu niềm tin, không nêu gương trước nhân dân… Vậy nên mới chuyện một bộ phận cán bộ đảng viên, tri thức sa đà vào chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi… dẫn đến việc vi phạm nghiêm trọng pháp luật, bị thế lực thù địch lôi kéo, kích động.

Nói thẳng ra, suy thoái về tư tưởng, chính trị diễn ra ở nhiều đối tượng trí thức, có người do nhận thức hạn chế; có người do thiếu tu dưỡng, bản lĩnh chính trị không vững vàng lại dễ bị những thông tin xấu độc tác động; có người do thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng dẫn đến suy thoái.

Bằng chứng là, đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý… Từ ủy viên Bộ chính trị, ủy viên trung ương, cho đến Bộ trưởng – nguyên Bộ trưởng, Bí thư – nguyên Bí thư tỉnh ủy, rồi nhiều tướng lĩnh quân đội, công an…

Kế tiếp, không thể không nói đến một bộ phận đội ngũ trí thức. Vì đây là tầng lớp giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ xã hội; bất cứ một quốc gia nào muốn phồn vinh, hưng thịnh thì cũng phải đề cao vị thế vai trò và biết khơi nguồn tiềm năng to lớn, sức mạnh dồi dào của đội ngũ trí thức.

Tiếc rằng, trong khi đông đảo trí thức Việt Nam vừa phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình, có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thì vẫn còn một số trí thức có những hành vi làm tổn hại đến sự nghiệp chung của dân tộc.

Thời gian qua có những trí thức văn nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi, lợi dụng bầu không khí tự do sáng tạo đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nổi lên các biểu hiện như phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện đa nguyên, đa đảng, thể chế tam quyền phân lập, phát triển xã hội dân sự; nói, viết làm trái quan điểm chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, thổi phồng khuyết điểm, cổ xúy cho quan điểm dân chủ cực đoan. Sáng tác quảng bá những tác phẩm văn hóa nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử

Có thể nhắc lại những trí thức “rởm” đòi bỏ Đảng lộ rõ bản chất của 1 đám phản động, bất mãn, hoang tưởng giả danh trí thức, sau khi đã hưởng mọi chế độ, ân sủng của nhà nước, của nhân dân, khi về già không lo tích đức cho con cháu mà đi phản bội lại chính cuộc đời mình, phản bội nhân dân, phản bội Đất nước, như: Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Trần Nam, Lê Văn Hòa, GS Tương Lai, Hoàng Công Cương, Hà Dương Bích…

Hoặc, những nhân vật từng nổi đình, nổi đám ở Việt Nam một thời ‘chống cộng cực đoan’ như Bùi Tín cho đến Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Bùi Thanh Hiếu,  Đặng Xuân Diệu,… sau khi bị trục xuất đã được một số nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Đức, Úc,…  ‘chứa chấp’ dưới danh nghĩa ‘tị nạn’

Từ thực tế trên, thẳng thắn thừa nhận rằng, Đảng cũng có những lần thất bại trong công tác cán bộ, chọn nhầm người. Khi cán bộ “bên trên” đi vào con đường tham nhũng, kiếm chác, vì lợi lộc thì ở dưới, tiêu cực, tham nhũng sẽ có điều kiện ghê gớm để phát triển.

Đáng mừng ở chỗ, chúng ta cũng phải nhìn nhận công bằng việc xử lý cán bộ sai phạm đấy là một thắng lợi, là kết quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Bởi tham nhũng, tham ô mà không xử sẽ gây mất lòng tin.

Theo đó, nếu nói như Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là “có trường hợp ung thư về mặt chính trị” thì có vẻ hơi nặng nề. Bởi vì, đây mới chỉ là những sai phạm mang tính chất cá nhân, mang tính chủ nghĩa cá nhân. Sự suy thoái tư tưởng đạo đức này có ở bất kỳ thể chế chính trị nào và  bất kỳ quốc gia nào cũng có.

Không để biểu hiện suy thoái tư tưởng thành bệnh “ung thư chính trị”

Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là hết sức quan trọng. Nếu không xây dựng, chỉnh đốn tốt, không thể hiện tính gương mẫu, tính tiền phong, đảng viên không thể hiện được cái tâm, cái tầm thì dân sẽ mất lòng tin. Mà mất lòng tin là mất tất cả. Đây là sự thử thách của Đảng, của cả chế độ.

Việc này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ ngay khi thành lập nước. Cụ thể, sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trăn trở trước hiện tượng tha hóa của một số cán bộ, đảng viên khi được Đảng và Chính phủ giao nắm giữ những cương vị quyền lực trong bộ máy chính quyền.

Chỉ hai tuần sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945), Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa. Người nêu rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư). Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư), làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”.

Đặc biệt, Người chỉ ra căn bệnh chủ nghĩa cá nhân: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Những biến chứng điển hình của chủ nghĩa cá nhân là các bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ… Người cũng phân tích, nhắc nhở phải phòng chống các bệnh hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, bệnh cận thị, bệnh cá nhân, bệnh lười biếng, bệnh tị nạnh, bệnh xu nịnh, a dua, ngoài ra là các bệnh quan liêu, xa dân, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp, công thần cách mạng, nói suông.

Tiếp đến, trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (tháng 12/1958), cùng với việc khẳng định sự cần thiết phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, nội dung những chuẩn mực đạo đức cách mạng, nguyên tắc rèn luyện đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cũng đồng thời yêu cầu phải đấu tranh chống căn bệnh chủ nghĩa cá nhân. Người nêu rõ, chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, là vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ, là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm.

Nhận thức rõ những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, chế độ, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tình trạng suy thoái này đã gây ra hậu quả xấu trên nhiều mặt: thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước và nhân dân; làm tha hóa cán bộ, đảng viên; ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; làm suy yếu nội bộ Đảng và bộ máy Nhà nước, trở thành nguy cơ đe dọa đến sự ổn định về chính trị và sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Vì thế, khi chỉ Tổng Bí thư – Chủ tịch nước đau lòng khi kỷ luật những cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị, mà dư luận, nhân dân cũng cảm thấy đắng lòng vì một bộ phận “công bộc của dân” bị sa ngã. Nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới

Nhất quyết không để biểu hiện suy thoái tư tưởng thành bệnh “ung thư chính trị”. Bởi, nếu “bộ phận không nhỏ” suy thoái mà lại rơi vào bộ phận nhỏ ở trên cùng – là phần không thể đông được, thì nguy quá. Chúng ta phải thấy cái nguy đó, và thấy rằng, phải có một Bộ Chính trị mạnh, nếu không Ban chấp hành Trung ương tê liệt và ở bên dưới cũng sẽ như vậy.

Thật sự vui mừng khi trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu những vấn đề mà tôi rất tâm đắc. Trước hết là chủ trương không để người có mưu lợi cá nhân lọt vào ban chấp hành Trung ương khóa mới, những người không vì lợi ích của Đảng phải đứng dẹp qua một bên.

Sông Trà

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều