Cô giáo đi gần 120 km đường đất để gieo chữ cho học trò Xtiêng
Cô Thanh Hoa tự hào kể: “Suốt những năm qua học sinh do lớp tôi chủ nhiệm chưa có một em nào nghỉ học hay bỏ học giữa chừng”.
Trường nằm trên địa bàn của 2 thôn Bình Hà 1 và Bình Hà 2 của xã Đa Kia, thuộc diện vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Học sinh đa số là con em đồng bào dân tộc Xtiêng.
Cô Thanh Hoa kể, cô bắt đầu công tác, cô được phân công chủ nhiệm lớp 5A2 với 25 học sinh tất cả các em đều rất ngoan, nhưng việc học và tiếp thu bài của các em thì rất chậm.
Đa số các em còn rụt rè, nhút nhát trong giao tiếp, hầu hết các em không biết chào hỏi người lớn và thầy cô.
Đa số phụ huynh ở đây đều không biết chữ nên cũng không quan tâm đến việc học của con em mình.
Học lớp 5 nhưng có em đã 16 tuổi. Nhiều em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình.
Để duy trì sĩ số đối với một một giáo viên chủ nhiệm vô cùng khó khăn. Bất đồng lớn nhất giữa cô trò là ngôn ngữ.
Thương trò nghèo, cô Thanh Hoa hàng ngày gieo chữ. Mỗi ngày đến trường ngoài việc truyền thụ kiến thức cho các em biết chữ, có tri thức để bước vào đời, cô giáo còn đến nhà từng em để tìm hiểu hoàn cảnh của em rồi có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ, vận động các em đến lớp.Cô giáo người kinh dạy tiếng phổ thông còn học sinh đồng bào lại nói tiếng Xtiêng.
“Thời gian đầu mỗi khi các em thấy tôi vào là chạy trốn. Phụ huynh thì mặc không quan tâm, không tiếp đón.
Nhưng sau một thời gian cảm nhận được sự nhiệt tình và tinh thần nhiệt huyết của tôi nhiều phụ huynh đã phối hợp cùng tôi vận động con em mình tiếp tục đi học.
Nhờ vậy mà suốt những năm qua học sinh do lớp tôi chủ nhiệm chưa có một em nào nghỉ học hay bỏ học giữa chừng” – cô Thanh Hoa tự hào kể.
Để dạy học, cô Thanh Hoa cũng phải vượt qua đoạn đường khó khăn. Nhớ những hôm trời mưa con đường vào trường đất đỏ, lầy lội, trơn trượt khó đi.
Những ngày nắng, con đường lại trở nên mịt mù vì gió bụi, có những hôm đến trường với áo quần lấm lem.
Khó khăn là vậy nhưng sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường và sự đoàn kết của các đồng nghiệp trong không khí gia đình thật ấm áp.
Mặc dù đã được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là của ban giám hiệu nhà trường nhưng trường vẫn chưa có nhà tập thể cho giáo viên.
Có lẽ sẽ ít ai hiểu được mỗi ngày vượt 120 km đi về, khó khăn, vất vả nhưng cô Thanh Hoa vẫn làm việc bằng tất cả niềm tin yêu và lòng nhiệt huyết, bởi đó là ước mơ, là hoài bão, là cuộc sống và là con đường mà cô đã chọn…
“Những đứa trẻ ở đây giờ đã khác xưa rất nhiều. Các em ngoan hơn, lễ phép hơn, biết vâng lời thầy cô” – cô Thanh Hoa cho biết.
Tâm sự về nghề, cô cho rằng, dẫu trên con đường gieo chữ nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thế nhưng dù con đường đó có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào cô vẫn sẽ và luôn vượt qua thách thức ấy. Bởi đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em.
Trinh Phúc
(Theo Giáo Dục Việt Nam)