+
Aa
-
like
comment

Cô giáo đánh đầu, véo tai học sinh trần tình: ‘Tôi biết tôi sai, nhưng…’

07/10/2019 16:03

Sáng nay 7-10, cô Nguyễn Hồng Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM), đã thừa nhận mình sai. Cô là người đánh học sinh trong clip gây phẫn nộ cho nhiều phụ huynh học sinh.

Cô giáo đánh đầu, véo tai học sinh trần tình: Tôi biết tôi sai, nhưng… - Ảnh 1.
Cô giáo Nguyễn Hồng Hà (áo đỏ) thừa nhận mình sai, phản sư phạm khi đánh học sinh – Ảnh: LÊ TỨ

 

Trả lời câu hỏi vì sao cô lại đánh đầy giận dữ với học trò như trong clip ghi lại, cô Hà cho biết: “Tôi thừa nhận mình rất khó tính và hay la học sinh. Tuần lễ đầu tiên của năm học, khoảng ngày 27-9 vô chương trình tuần 1.

Lớp có 50 em, có hơn phân nửa lớp không chịu viết bài. Hôm đó tuần đầu rất vất vả, học sinh hè mới vào chưa đi vào nề nếp, chương trình lớp 2 thì mức độ cao và khác so lớp 1, có thêm chính tả tập làm văn mới, chấm vở cho học sinh… Tôi làm hết sức tận tình trên 50 cuốn vở nhưng học sinh viết ẩu quá.

Tôi có gọi học sinh lên bảng và có hành động sai. Sai tôi nhận sai, nhưng do tôi cũng quá tận tình tận tâm và hết lòng với các em thì mới có sự bực mình. Tôi đã chấm, hướng dẫn kỹ như thế,nhưng các em không làm được nên bực mình.

Tôi xuống bàn từng em, chỗ này mình dạy tới đó mà các em chưa làm tới, mình cũng cầm tay từng em, nhưng các em lại không tập trung học. Lớp 2 nhưng nói tục chửi thề, đánh bạn, giật tập, giật sách vở của bạn cũng có, ngồi học không chú ý… Tôi không kiềm chế được và nóng vội”.

Cô giáo đánh đầu, véo tai học sinh trần tình: Tôi biết tôi sai, nhưng… - Ảnh 2.
Trường tiểu học Phan Chu Trinh – quận Tân Phú, TP.HCM – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Thừa nhận mình sai nên sáng nay (7-10), cô Hà đã điện thoại xin lỗi một số phụ huynh. “Qua đây tôi cũng gửi lời xin lỗi đến phụ huynh. Những lời trên không phải tôi biện hộ cái sai của mình. Khi mình đánh, vỗ như vậy là sai, là phản sư phạm, quy định ngành giáo dục không cho phép. Tôi biết tôi sai nhưng…”, cô giáo Hà chia sẻ trong ngập ngừng.

Rồi cô đặt vấn đề: “Nhưng tôi đặt dấu chấm hỏi là camera gắn ở trường chỉ ở lối đi, phòng đó 2 lớp, sáng lớp 1, chiều  lớp 2, còn buổi tối thì có bảo vệ trực canh cổng thì phụ huynh gắn lúc nào nếu không có sự cho phép của hiệu trưởng? Mà có phải phụ huynh gắn hay không hay lại hiệu trưởng gắn?”.

Tại sao không nghi vấn người gắn camera là ai khác, là phó hiệu trưởng, kế toán trường hay đồng nghiệp mà lại là hiệu trưởng? Cô Hà thừa nhận thêm: “Đúng! Giữa tôi và hiệu trưởng có vấn đề vì tháng 4-2018 tôi có làm đơn tố cáo hiệu trưởng làm trái quy định nhà nước về thu chi tài chính. Ngày 22-8, UBND Q.Tân Phú có kết luận 188 cho rằng hiệu trưởng sai, cụ thể là kê khống tiền phụ trội bị phanh phui ra và thu hồi lại. Kết luận này đúng, nhưng chưa đủ nên ngày 31-8 tôi tiếp tục gửi đơn lên UBND TP và Thành ủy TP.HCM”.

Cô Hà giải thích tỉ mỉ hơn về vụ việc: “Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên chính thức kê cho giáo viên hợp đồng số tiết dạy, gồm hai bản: bản chính thức đúng số tiết mình dạy, bản kê thứ hai mình kê nhưng tên của giáo viên hợp đồng. Ví dụ như tôi phải kê cho cô giáo dạy mỹ thuật. Tiền chênh lệch là 70-80 ngàn đồng/ tiết tùy theo mức lương, có người hơn 100 ngàn đồng/ tiết, thậm chí có người thâm niên còn cao hơn nữa.

Tiền trả cho giáo viên hợp đồng chỉ có 40 ngàn đồng/tiết. Vậy thì số tiền chênh lệch đi về đâu? Kết luận xác minh ra là sai, hiệu trưởng lại đổ thừa tổ, khối, các ban bệ khác chứ hiệu trưởng không nhận trách nhiệm. Cách tạo chênh lệch này đã xảy ra từ niên học 2015-2016, nhưng tôi chỉ có bằng chứng của niên học 2017-2018 thì thanh tra chỉ kết luận thu hồi tại thời điểm đó và chỉ thu hồi số tiền chênh lệch khoảng 200 triệu đồng”.

Liên lạc qua điện thoại để xác minh thông tin nêu trên, cô Đỗ Thị Sửu – hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh, cho biết đang bận họp và trước đó có khẳng định hiện thanh tra đang thụ lý giải quyết, trường đợi kết quả và không trả lời gì thêm.

Theo thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 188 do UBND quận Tân Phú kết luận thì bà Đỗ Thị Sửu – hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Chu Trinh, đã kê phụ trội thêm giờ để trả lương cho giáo viên hợp đồng môn tin học, mỹ thuật trong năm học 2017-2018 cho 81 giáo viên với số tiền 837 triệu đồng, trong khi đó chỉ chuyển vào tài khoản cá nhân của 81 giáo viên hơn 577 triệu đồng, chênh lệch so với thực nhận là khoảng 260 triệu đồng.

Ngày 10-8-2018, trường đã khắc phục sai phạm, nộp lại số tiền cho Kho bạc nhà nước. Nhưng trách nhiệm đối với sai phạm này tại nhà trường, cụ thể hiệu trưởng, vẫn chưa được xử lý.

THẢO THƯƠNG – LÊ TỨ

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều