Có “giải cứu” nông sản mãi được không?
Dịch Corona bùng phát khiến chuyện nông sản ứ lại ở cửa khẩu, bị vứt bỏ hoặc đổ cho gia súc. Thấy những cảnh thương tâm đó, các bộ ngành, đoàn thể, người dân lại vào cuộc “giải cứu” dưa hấu, thanh long, sầu riêng, tôm hùm…
Chuyện rơi vào mùa dịch Covid-19, khi hàng đoàn xe chở các loại trái cây dồn ứ tại cửa khẩu vào Trung Quốc, thì ở khắp nơi, nông dân như ngồi trên đống lửa tìm cách “giải cứu” sản phẩm từ ruộng rẫy đã phải lăn lộn một nắng hai sương trồng trọt.
Anh Quang (Quảng Nam) kể: “Mùa xoài năm 2018, nhà bán được giá 40 ngàn đồng/kg, năm ngoái giá xuống 30 ngàn/kg, vì nhiều gia đình đổ xô vào trồng. Nhưng năm nay, thương lái vô vườn chê õng chê eo rồi “phán” với giá 15 ngàn/kg xoài bọc, là loại xoài chủ vườn phải thuê người đi bọc từng trái, rất tốn công. Họ nói giờ xoài không xuất đi được, nên trả với giá đó thôi. Bây giờ em cũng chẳng biết làm sao. Mấy ngày nay ngược xuôi, cũng chỉ nhờ bạn bè bằng các mối quan hệ thân tình, “giải cứu” mới được khoảng 5 tạ, với giá 20 ngàn đồng/kg. Em cũng đã thử nhờ người liên hệ nhưng đưa xoài vô các siêu thị rất khó, nên phải hái từng đợt đưa về Sài Gòn bán ở các lề đường”.
Dọc đường Trần Thái Tông (Đà Nẵng), dưa hấu chất đổ đống. Người người dừng xe xúm quanh mua dưa. Một thanh niên vừa cân bán, vừa rao khản giọng: “Dưa 7 nghìn đồng đây bà con ơi. Mua ủng hộ cho nhà em với”. Phía gốc cây gần đó, họ căng một băng rôn với dòng chữ: “Vì tình thương ủng hộ nông dân. Xin cảm ơn!”.
Chẳng biết họ sẽ lời lãi ra sao sau khi trừ đi tiền công xá phân tro trồng trọt, chăm sóc và công vận chuyển, vốn vay đầu tư. Đó là chưa kể đội nắng dầm sương bên hè phố để bán cho hết số dưa đó?
Nỗi khổ ấy, mỗi mùa vụ qua đi của người nông dân, chắc có người nghe qua tắc lưỡi rồi bảo: “Năm được năm mất, bù qua sớt lại chớ biết làm sao”.
Giải cứu để làm gì?
Ở đây, có hai đối tượng đi giải cứu, Nhà nước làm nhiệm vụ chính trị, người dân nghĩa cử làm nhân đạo. Sản xuất thừa cung, nông dân có nguy cơ phá sản thì ngân hàng nguy cơ vỡ nợ, đương nhiên nhà nước phải can thiệp để đảm bảo ổn định kinh tế, nhưng việc này, nếu cứ lặp đi lặp lại thì không phải là cách quản lý khôn ngoan, mà giống như cách đối phó dư luận… Một nhà nước kiến tạo sẽ không hành động như thế.
Còn người dân giúp nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách” là truyền thống dân tộc, là trách nhiệm lương tâm. Tuy nhiên, dưa hấu có thể ăn thêm một hai quả, nhưng thịt lợn đến bữa thứ ba là chán; còn gạo, muối, đường…thì chịu rồi! Giúp nông dân khi gặp thiên tai là việc phải làm, còn giúp vì thừa cung hết lần này đến lần khác thì nghe ra cũng hơi đạo đức giả… Đây không phải là cách thương nhau dài lâu.
Đối tượng được cứu là nông dân. Vài người trong số họ bán được mớ hàng với giá hòa vốn. Những người khác tiếp tục mắc nợ sâu hơn với các đại lý đã ứng trước tiền phân, thuốc. Có những nhà bán đất, con cái bỏ học.
Miền Trung đã từng chịu ô nhiễm biển, miền núi đã bị lũ quét, miền Bắc đã qua giá rét, bão đã quét nhiều lồng cá nuôi to, thịt lợn rẻ đã đánh gục nhiều chuồng nuôi lớn. Thế nhưng nông dân chỉ biết nhìn xem hàng xóm có ai sản xuất gì có thể sống được, chỉ biết hỏi thương lái xem có ai mua nông sản gì bán nổi.
Khi người nông dân trông trời trông đất và trông vào mùa vụ để có được ít đồng lo cho gia đình con cái ăn học, hiện đang rơi vào tình cảnh bế tắc. Khi mà thương lái phải canh chừng sức tiêu thụ của thị trường để cò kè trả giá từng đồng trên mỗi kg!
Chỉ có thể, một điều tôi tin chắc chắn làm được, là nhà nước phải có một phương án khai thông, cho trái cây của nông dân trực tiếp vào hệ thống các siêu thị, với giá mềm hơn chút, thì không có tình trạng nỗi khổ của nông dân càng chất chồng, khi họ phải tự lo “đầu ra” cho trái cây của mình, mỗi khi có biến động về thị trường như thế!
Quay lại chuyện giải cứu, nếu thực sự có ai muốn giúp nông dân một cách căn cơ, hãy cùng nhau đưa ra kế sách và những cam kết thực tế, dài hạn, đúng quy luật. Phải chăng đất nước mình phát triển được một nền công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông sản, như các nước khác, để bao người nông dân không còn cảnh “chạy đôn chạy đáo” tìm mọi cách “giải cứu” sản phẩm từ mồ hôi nước mắt của mình như thế.
Quỳnh Quỳnh