Cô gái xuất khẩu 20.000 sản phẩm bột rau ra thế giới
Trong khi nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp điêu đứng vì tình hình dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, thì câu chuyện của cô gái xuất khẩu gần 20.000 sản phẩm bột rau sấy lạnh sang Hà Lan, khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Đấy là câu chuyện của cô gái đến từ vùng đất Củ Chi (TP.HCM) Nguyễn Ngọc Hương. Cô gái bén duyên với cây rau má ở vùng quê nghèo nhưng lại ấp ủ ước mơ nâng tầm thế giới cho cây rau vốn bình dị và đời thường ấy.
Hương đã chạm được đến bước đầu của ước mơ khi lần đầu tiên xuất khẩu được lô hàng rau má sang Hà Lan tháng 11.2019. Từ đó đến nay, dẫu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng công ty của Hương vẫn đều đặn xuất khẩu hàng đi các nước.
Những con số đáng ngưỡng mộ
Khi bắt đầu bén duyên với cây rau má, Hương đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm tòi và lai tạo giống cây rau má, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại vùng đất Củ Chi. Ngoài ra, Hương không những phải trải qua những khó khăn mà bất kỳ ai khởi nghiệp đều cũng gặp như: tài chính, công nghệ, con người, cơ sở vật chất… mà còn gặp khó khăn rất lớn về thị trường và thương hiệu. Khoảng năm 2015 – 2016, chưa ai biết đến bột rau má và không ai nghĩ cây rau má lại mang đi làm bột, để thay thế cho rau má tươi. Nhưng rồi Hương kiên trì nỗ lực với lựa chọn của mình và cuối cùng cô nàng đã làm được.
Tháng 11.2019, sau khi giành giải quán quân cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do T.Ư Đoàn tổ chức, Hương đã tìm kiếm được đơn hàng đầu tiên xuất đi Hà Lan với hơn 10.000 sản phẩm bột rau Quảng Thanh của mình như: rau má, tía tô, diếp cá, cần tây, chùm ngây, lá sen… trị giá hàng trăm triệu đồng.
Tháng 6 vừa qua, Hương đã xuất đi chuyến hàng thứ 2 sang xứ sở hoa tulip này với đơn hàng gần 20.000 sản phẩm bột rau sấy lạnh các loại. Không những thế, trong năm qua, Hương vẫn đều đặn hằng tháng xuất 500 kg bột rau sấy lạnh các loại sang thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc.
Hiện Hương đang chờ đối tác ở Mỹ gửi bao bì và làm các thủ tục thông qua Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ – FDA để chuẩn bị xuất đi đơn hàng 5.000 sản phẩm. Nhật Bản sẽ là thị trường tiếp theo mà Hương hướng đến.
Hương đã làm những điều đó như thế nào?
Trong tình hình dịch bệnh lây lan trên toàn cầu, nhưng vì sao công ty của Hương vẫn đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ như vậy? Và bí quyết của cô gái này là gì?
Đầu tiên, để giữ được đối tác với sản phẩm của mình, Hương chia sẻ: “Khi công ty xuất những đơn hàng đầu tiên sang các nước, đối tác nhận thấy sản phẩm có chất lượng tốt và thị trường có phản hồi tích cực cho những sản phẩm này. Do đó, dù trong mùa dịch, bên mình vẫn có những đơn hàng tiếp nối sau đợt hàng đầu tiên”.
Hương cũng khẳng định thêm: “Tụi mình làm về thực phẩm, luôn tâm niệm làm ra những sản phẩm tốt để phục vụ người tiêu dùng. Trước đây, không ai nghĩ rằng dùng bột rau má thay thế cách chế biến truyền thống để tạo ra một thức uống vừa ngon, sạch và dinh dưỡng. Tụi mình đã kiên trì xây dựng mô hình hoàn thiện từ “trang trại – chế biến – trực tiếp phân phối” hơn 4 năm và bây giờ mọi người đều đón nhận. Những sản phẩm chất lượng sẽ giữ được chỗ đứng của mình dù thị trường có đi xuống”.
Hương cho biết không chỉ dừng lại là một sản phẩm tốt cho sức khỏe, mọi người còn dùng sản phẩm của Hương như một phần thiết yếu hằng ngày. Trong điều kiện giãn cách xã hội hồi đầu năm và vào tháng 8.2020, việc đi chợ mua rau về dùng cũng hạn chế, nhiều khách hàng đã lựa chọn bột rau thay cho dùng rau tươi.
“Gần đây nhất, bên mình triển khai mô hình mới “Rau má Orama mang đi” để phục vụ tận nơi nhu cầu uống rau má sạch của mọi người. Tụi mình sử dụng nguyên liệu bột rau má sấy lạnh với chất lượng y hệt rau tươi, và được tiệt trùng sạch để đảm bảo cung cấp rau má sạch. Bên mình cũng có chương trình “bất kỳ ai cũng được tặng rau má sạch” tại quán, với mong muốn ai cũng được uống rau má sạch”, Hương kể.
Thế nhưng, Hương khẳng định không riêng gì các doanh nghiệp khác, mà doanh nghiệp khởi nghiệp của Hương cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19. “Trước đây, bên mình làm rất nhiều chương trình xúc tiến bán hàng ở thị trường trực tiếp, khi dịch thì tất cả mọi thứ đều gác lại. Chính vì thế bên mình đã khai thác kênh bán hàng trực tuyến để đảm bảo doanh nghiệp có nguồn thu trong giai đoạn dịch bệnh”, Hương chia sẻ.
Và cô nhắn gửi: “Mình nghĩ rằng thời nào cũng có những khó khăn riêng. Trong thời điểm hiện tại này, việc bán qua các kênh trực tiếp gặp khó khăn thì các doanh nghiệp trẻ có xu hướng tập trung vào trực tuyến và chăm sóc khách hàng từ xa. Càng trẻ thì việc tiếp cận thông tin thị trường càng nhanh nhạy và linh động thay đổi mô hình kinh doanh, đó cũng là một lợi thế mà doanh nghiệp trẻ nên tận dụng”.
Nữ Vương/TN