Cô gái trẻ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc
Khi biết mình được tuyển chọn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan, chị Lê Na cảm thấy rất tự hào.
Chị Lê Na, 25 tuổi, quê Bến Tre, hiện là kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Quân y 175 thuộc Bộ Quốc phòng. Chị Lê Na là quân nhân chuyên nghiệp, với quân hàm thiếu úy. Cuối tháng 3.2021, chị sẽ lên đường tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3 làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Nam Sudan.
2 lần nộp hồ sơ vì tò mò
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên về cơ duyên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, chị Lê Na kể hồi năm 2018, chị tình cờ được nghe giới thiệu về Bệnh viện Quân y 175 trong một buổi tư vấn, giới thiệu việc làm khi vừa tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP.HCM. “Thú thực lúc đó mình không quan tâm đến bệnh viện về quân đội, nhưng khi nghe giới thiệu mình thấy hay, bị kích thích sự tò mò. Mình quyết nộp hồ sơ và cũng không hy vọng nhiều. Nhưng bất ngờ là mình được gọi thử việc chỉ sau hơn 1 tuần…”, chị Lê Na kể lại.
Cô gái 25 tuổi tiếp tục chia sẻ, khi hay tin nơi công tác có đợt đào tạo học tiếng Anh để chuẩn bị cho chuyến công tác tại bệnh viện dã chiến lực lượng giữ gìn hòa bình của LHQ, chị lại một lần nữa tham gia đăng ký. “Mặc dù có nghe đồng nghiệp làm nhiệm vụ này từ lâu, nhưng bản thân chưa biết nhiều về công việc này. Tò mò muốn được đi, được trải nghiệm, thế là một lần nữa mình quyết định ứng cử xem sao”, Lê Na chia sẻ.
“Khi biết tin chính thức được tuyển chọn, cảm xúc mình lâng lâng khó tả. Điều quan trọng là mình được tham gia một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, càng được học tập càng thấy thú vị”, chị Na nói.
Chị Lê Na còn thông tin thêm bản thân sẽ nhận nhiệm vụ đảm bảo sức khỏe cho nhân viên phái bộ của LHQ và giải quyết căn bản các cấp cứu nội ngoại khoa… “Để đạt được tiêu chuẩn, chúng mình phải học tập rất nhiều những quy định, chính sách, chế độ, pháp chế, tôn giáo… Về chuyên môn cũng phải theo tiêu chuẩn của WHO, các kiến thức về phòng chống dịch, kể cả những kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt…”, chị Na nói
Sẽ mang kẹo dừa giới thiệu bạn bè quốc tế
Nói về công việc mình sẽ tham gia vào cuối tháng 3 này, chị Lê Na háo hức chia sẻ đây là cơ hội để bản thân giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thậm chí là ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Chị Na nói: “Mấy chị em trong đoàn cũng có dự trù vải để may khẩu trang đem tặng, rồi chuẩn bị một số món “hand made” nữa. Một số bột mang qua làm các món bánh như bánh xèo miền Tây để giao lưu với bạn bè các nước khác. Đặc biệt là giới thiệu kẹo dừa, một món ăn không thể bỏ qua khi nhắc đến Bến Tre quê mình…”.
Cô gái xứ dừa còn bộc bạch: “Mình là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia nhiệm vụ đặc biệt này nên rất là tự hào. Tuy nhiên, mình cũng khá lo lắng vì còn thiếu nhiều kinh nghiệm và kỹ năng”.
Chị Lê Na tâm sự: “Cha mẹ luôn hiểu và ủng hộ quyết định của mình. Đương nhiên ai cũng muốn làm việc ở gần gia đình, nhưng với mình đây sẽ là một khoảng thời gian trải nghiệm quý giá trong cuộc đời mà không phải ai cũng có được. Tuổi trẻ được cống hiến cho Tổ quốc là niềm hạnh phúc”.
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 175, dự kiến có 63 cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3 sẽ lên đường nhận nhiệm vụ vào cuối tháng 3.2021. Thời gian công tác hơn 1 năm tại Cộng hòa Nam Sudan. Trong 63 người này, phần lớn là lực lượng của Bệnh viện Quân y 175 và một số người ở đơn vị khác. Trước đó, cuối tháng 12.2020, Cục Gìn giữ hòa bình (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Bệnh viện Quân y 175 đã tổ chức khóa huấn luyện thực hành tổng hợp bệnh viện dã chiến cấp 2, số 3. Các cán bộ, y bác sĩ đã được huấn luyện về chuyên môn y tế và các kỹ năng khác để tham gia tốt hoạt động bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan.
Tấn Đạt/ TNO