Cô gái khỏi bệnh viêm phổi corona: ‘Đừng nghĩ nhiễm bệnh là sẽ chết’
“Biết tôi trở về từ Vũ Hán ai cũng giật mình, họ lo sợ người nhiễm virus corona sẽ chết. Với tôi, dù bệnh gì đi nữa thì sự lạc quan sẽ giúp ta chiến thắng”, cô gái xuất viện nói.
Sau hơn 10 ngày được điều trị cách ly đặc biệt tại bệnh viện, N.T.T. (25 tuổi, quê Yên Định, Thanh Hóa) được thông báo âm tính với virus corona. Cô gái được xuất viện trong niềm vui vỡ òa của y bác sĩ cũng như người thân sau hành trình chống chọi với những cơn sốt.
Xác định tâm lý không bi quan về loại virus này nhưng trước đầy rẫy thông tin trên mạng về việc chưa có thuốc đặc trị, T. thừa nhận nhiều lúc rất lo lắng. Cô đã phải đấu tranh tâm lý khá nhiều cho đến khi bệnh được điều trị thành công.
10 ngày sống cùng virus corona
Hai ngày sau khi xuất viện, T. cảm thấy sức khỏe đã ổn định nhưng vẫn phải cách ly thêm 14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Đôi chút ngại ngùng kể về hành trình điều trị tại bệnh viện, cô gái nhắc đến nỗi lo, sự cô đơn những ngày Tết và cảm xúc vỡ òa khi cầm trên tay phiếu xét nghiệm âm tính.
Tháng 11/2019, T. cùng 7 người khác được Công ty Nihon Plast ở tỉnh Vĩnh Phúc cử sang TP Vũ Hán (Trung Quốc) tập huấn. Sau 2 tháng, họ trở về bằng đường hàng không. Gần một tuần sau, nữ công nhân đón xe khách về quê ở tỉnh Thanh Hóa để đón Tết.
Đến ngày 24/1, T. có biểu hiện viêm long hô hấp, sốt cao, ho nhiều. Trở về từ vùng dịch virus corona, cô gái nghi ngờ bản thân bị nhiễm bệnh nên đến bệnh viện thăm khám.
“Không nghĩ mình bị nhiễm virus corona vì ở Vũ Hán mình không đi đâu, không tiếp xúc gì nhiều với người bản địa. Các y bác sĩ khi nghe tôi nói vừa từ vùng dịch trở về ai cũng giật mình và lo lắng”, cô gái kể.
Nữ công nhân cho biết bản thân cũng không nghĩ bị nhiễm bệnh do virus corona cho đến khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính.
Những ngày nằm viện, T. được điều trị cách ly trong căn phòng kê 3-4 giường bệnh. Cảm giác trống vắng, u ám buồn bực luôn vây quanh khiến cô cảm thấy sợ hãi. Đấu tranh tâm lý, bệnh nhân tự trấn an, tạo động lực bằng suy nghĩ tích cực.
“Hôm đó cũng đã 30 Tết, mọi người thì đi sắm đồ cho ngày cuối năm, mình thì nằm viện. Mẹ đón giao thừa ở viện nhưng không thể gần nhau vì bị cách ly. Lúc ấy buồn không tả nổi, chỉ muốn bỏ viện về nhà”, T. chia sẻ.
T. cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe từng người thân, bạn bè đã từng tiếp xúc với mình có biểu hiện lạ hay không. Cô lo lắng họ sẽ lây bệnh từ mình, nhất là người già, trẻ nhỏ, những người có sức đề kháng yếu. “Tôi không sợ bị bệnh, tôi chỉ sợ do mình mà lây cho bố mẹ, cho người thân, cho bạn bè thì khổ người ta”.
Để “giết” dần thời gian, từng ngày trôi qua T. làm bạn với những cuốn sách và những bản nhạc khích lệ tinh thần để vơi đi nỗi buồn. Cô gái từng là sinh viên Học viện Hành chính quốc gia tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ để sớm khỏe lại, về quây quần đón Tết cùng gia đình.
“3 ngày đầu nhập viện, tôi sốt cao, ho nhiều. Lúc nào cũng chỉ thấy căn phòng trống vắng, các y bác sỹ thì bịt kín mặt mũi vào chuyền thuốc, lấy mẫu, hỏi han rồi lại đi ra nên rất buồn và lo. Đến ngày thứ tư, tôi khỏe dần và không còn sốt. 10 ngày sau tôi nhận kết quả âm tính với virus, cuộc đời mới như mở ra với tôi”, T. nhớ lại.
Đừng mất niềm tin
Nhận thức căn bệnh này nguy hiểm bởi mức độ lây lan nhanh, lại chưa có thuốc đặc trị nhưng T. tin rằng với sự lạc quan, niềm tin lớn lao và thực hiện đúng các quy định vệ sinh, phác đồ điều trị của bác sĩ thì bệnh dịch sẽ được chữa khỏi.
Cô gái này dự định sau 2 tuần cách ly sẽ trở lại Vĩnh Phúc để tiếp tục công việc.
Còn ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, nói rằng bệnh viện điều trị thành công cho ca bệnh viêm hô hấp cấp do chủng virus corona là nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án đối với cấp độ của bệnh.
“Điều quan trọng nhất là bệnh nhân có ý thức phát hiện sớm, chủ động đến bệnh viện khám, cách ly, điều trị các triệu chứng nên không dẫn đến các biến chứng nặng nề”, ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, khi biết bệnh nhân đi từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) trở về, các bác sĩ liền thực hiện điều trị theo đúng phác đồ quy định của Bộ Y tế và nhanh chóng lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm.
Quá trình chờ kết quả, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ và các triệu chứng vì ca bệnh không có thuốc đặc hiệu. Vấn đề ăn uống, sinh hoạt, cách ly tiếp xúc của bệnh nhân được nhân viên y tế đảm nhận nghiêm ngặt.
Sau 10 ngày điều trị, khi kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân âm tính với virus corona, bệnh viện đã cho xuất viện và yêu cầu đảm bảo sức khỏe, cách ly trong 14 ngày tiếp theo.
“Nếu bệnh nhân diễn biến nặng hoặc có tình tiết gì đó nặng hơn thì dư luận, người dân sẽ rất hoang mang. Việc điều trị thành công là hiệu quả bước đầu để có những kết quả tốt hơn trong phòng chống lây nhiễm dịch bệnh ở mức độ rộng hơn”, ông Sỹ nói.
Phạm Trường/ZN