‘Cô gái Hà Nội nhiễm Covid-19’ che giấu bệnh lý có thể bị xử phạt thế nào?
Theo luật sư, với việc không khai báo y tế khiến dịch bệnh lây lan, bệnh nhân N.H.H. có thể bị phạt hành chính đến 10 triệu đồng và đền bù hàng tỷ đồng.
Đến ngày 7/3, Hà Nội có 3 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó cô gái tên N.H.N. (26 tuổi, trú tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình) là nguồn lây bệnh cho 2 người còn lại.
Cô gái này từng đi qua Anh, Ý, Pháp rồi về lại Hà Nội rạng sáng 2/3 trên chuyến bay có 197 hành khách. Sau đó, N. còn tiếp xúc với nhiều người và khiến hàng trăm người phải bị cách ly sau khi cô phát bệnh.
Tại cuộc họp khẩn tối 6/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, cô gái này nghi mình bị nhiễm Covid-19 nên chủ động không tiếp xúc với mọi người, nhưng không khai báo với nhà chức trách.
Xử lý hình sự
Theo luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM): các hành vi “trốn khai báo” hoặc “trốn cách ly”… gây lây truyền bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định 173/QĐ-TTg để công bố dịch. Bộ Y tế cũng đã bổ sung bệnh COVID-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao…
Vì vậy, các hành vi “trốn khai báo” hoặc “trốn cách ly”… gây lây truyền bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi như: làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người vi phạm sẽ bị phạt tù đến 10 năm nếu từ cá nhân đó gây ra việc dẫn đến phải công bố dịch (thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc bộ trưởng Bộ Y tế); làm chết người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, làm chết 2 người trở lên.
Nếu hành vi chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo điều 10 của nghị định 176/2013/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm…; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm; buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế…
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, cô gái này tiếp xúc với người nhiễm bệnh dịch và sau đó có biểu hiện của Covid-19 (mệt mỏi, ho, sốt…) mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm.
Cô N. chưa có quyết định bắt buộc cách ly, không phải trường hợp trốn khỏi khu cách ly mà hành vi chỉ là che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế. Bởi vì vậy, cô gái này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Theo quy định của pháp luật thì cô gái này phải khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương về việc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh dịch. Tuy nhiên, cô lại che giấu, không khai báo về lịch trình của mình, hành vi này sẽ bị xử phạt đến 10 triệu đồng.
Nếu biết mình nhiễm bệnh nhưng cố tình lây lan dịch bệnh cho người khác thì mới bị xử lý hình sự về tội làm lây truyền bệnh truyền nhiễm cho người khác theo điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn nếu không thì bị xử phạt hành chính như trên”, luật sư Cường phân tích.
Tuy nhiên, ngoài việc xử phạt hành chính, nếu những người bị nhiễm bệnh từ cô gái này khiếu kiện hoặc các cơ quan, tổ chức yêu cầu bồi thường thiệt hại, đồng thời chứng minh được thiệt hại do lỗi vô ý hoặc vô ý, cô gái này sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
“Trong vụ việc này, có lẽ nhà nước sẽ bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng từ hành vi thiếu ý thức của cô gái”, luật sư Cường nói.
Các nước phạt hành vi khai báo gian dối ra sao?
Rất nhiều nước đưa ra hình phạt nặng, gồm cả phạt tiền và bỏ tù cho hành vi che giấu lịch sử đi lại trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến bất thường hiện nay.
Tại Singapore, bất kỳ ai vi phạm đạo luật về các bệnh truyền nhiễm của nước này cũng có thể bị phạt lên tới 10.000 đôla Singapore hoặc 6 tháng tù dù là lần đầu vi phạm. Bộ Y tế Singapore nhắc nhở công chúng rằng dưới đạo luật này, bất kỳ ai che giấu hoặc cung cấp thông tin không chính xác về lịch sử đi lại đều phạm tội.
Còn tại Israel, những người trở về từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Singapore và Thái Lan… được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày. Ai cố ý vi phạm lệnh cách ly có thể bị phạt 7 năm tù. Riêng những trường hợp vi phạm vì vô ý có thể bị phạt 3 năm tù.
Cộng hòa Czech yêu cầu tất cả công dân từ Ý và một số nước khác có vùng dịch COVID-19 về nước sau ngày 7-3 phải liên hệ với bác sĩ và tự cách ly trong 14 ngày. Bất kỳ ai vi phạm có thể bị phạt 3 triệu koruna (hơn 3 tỉ đồng).
Thành Nhân