Sau 16 ngày kể từ khi xét nghiệm dương tính và hành trình tự điều trị tại nhà đến kết quả cán đích “một vạch”, Mai Thuỳ Dương (30 tuổi, Q.6, TP.HCM) khuyên mọi người quan trọng là bình tĩnh, lạc quan nhưng không được chủ quan.
“Hôm nay là ngày thứ 16 kể từ khi xét nghiệm và kết quả test nhanh ở nhà của mình là âm tính. Hiện tại vị giác hồi phục hoàn toàn (order trà sữa hút nhoay nhoáy rồi), khứu giác hồi phục 95% (mỗi ngày tiến bộ một chút). Vẫn còn đàm nên đôi khi ngứa cổ phải ho, mình vẫn xông sả gừng hằng ngày. Chắc mình là 1 ca điển hình của F0 và tự điều trị khỏi tại nhà. Quan trọng là bình tĩnh, lạc quan nhưng không chủ quan cả nhà ạ. Gửi đến mọi người sự lạc quan để cán đích “một vạch” thuận lợi nha”, ngày 11.8 sau khi đã có kết quả test nhanh âm tính, Thuỳ Dương đã chia sẻ trên Facebook để mọi người có thêm niềm tin và vững tinh thần điều trị để chiến thắng được dịch Covid-19.
Mệt nhất là đau họng như bị ai cứa cổ
Thuỳ Dương kể ngày 20.7 cô nàng bị cảm và viêm họng, lúc này khi suy xét các triệu chứng thì Dương và mẹ không nghĩ là mình bị nhiễm Covid-19 mà chỉ là cảm thông thường thôi, do tối hôm trước Dương bị mắc mưa, tắm khuya và ngủ để quạt thốc vào người cả đêm. Mẹ Dương là bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1, đây cũng là 1 lợi thế rất lớn của Dương khi nhiễm bệnh. Nhưng hiện tại Dương đang sống 1 mình tại TP.HCM, còn bố mẹ đã chuyển lên Đà Lạt sống. Nhờ vậy mà Dương lại bớt được một nỗi lo là lây cho người thân, vì bố mẹ Dương đã lớn tuổi và bố thì có bệnh nền.
“Mẹ mình có kê đơn kháng sinh cho mình, và có 1 lần đổi thuốc vì không hợp. Ngày 24.7 thì bạn trai mình qua thăm, tới cuối ngày hôm đó mình bắt đầu có triệu chứng mất vị giác và khứu giác (ăn không rõ vị và ngửi không được mùi). Sang ngày 26.7 thì mẹ và mình quyết định là đi test để đảm bảo, dương tính thì chủ động chữa trị còn âm tính thì yên tâm. Sau khi liên hệ với y tế phường thì được hướng dẫn sang một hẻm nằm cùng đường, hôm đó đang tổ chức test chung cả xóm. Mình test nhanh dương tính và được lấy mẫu để test PCR cũng vào hôm đó. Tới ngày 29.7 thì xác nhận PCR dương tính, chỉ số CT 24”, Dương kể.
Sau khi có kết quả dương tính, Dương đã nhắc bạn trai đi test và nhận kết quả âm tính, nên đến giờ này cô nàng cho biết vẫn không rõ nguồn lây ở đâu. “Là từ lúc mình bị cảm, hay là lúc đi mua thuốc, nhưng 2 điều đó đều xảy ra trước khi mình gặp bạn trai, mà bạn trai thì vẫn âm tính. Trước đó thì mình luôn tuân thủ chỉ thị 16, không ra khỏi nhà. Nên mình có nghi là do mình bị cảm nên đề kháng yếu rồi gặp phải biến chủng lây trong không khí, dù điều đó vẫn chỉ là nghi vấn mà thôi”, Dương chia sẻ.
Có lẽ nhờ có mẹ là bác sĩ nên tâm lý Dương khá là ổn định từ lúc bị cảm tới lúc test ra dương tính. “Chỉ có lúc nhận kết quả, mình thấy lo lắng và buồn vì sợ ảnh hưởng đến cả xóm dù mình không ra khỏi nhà và không gặp hàng xóm từ lúc có chỉ thị giãn cách. Khoảng thời gian 20 – 26.7 là mệt nhất vì lúc đó mình bị viêm họng rất đau, như bị ai cứa vào cổ vậy, ăn uống và nói chuyện khó khăn, mình có sốt tối 20.7 nhưng sau đó là hết, không bị đau cơ gì cả. Chỉ là ăn không được nên mệt và bủn rủn tay chân do hạ đường huyết”, Dương kể.
Hành trình cán đích “một vạch”
Thuỳ Dương cho biết lúc bị mất vị giác và khứu giác thì ngán ăn uống vì ăn không thấy vị ngon, nên Dương toàn vừa ăn cơm vừa uống nước cho trôi vì ăn không ngon, thậm chí có lúc cô nàng tưởng tượng ăn cơm mà như nhai rơm vậy đó. May mà tới ngày 27 là cô nàng đã có lại được vị giác dù mũi vẫn ngửi được rất kém.
“Khứu giác của mình hồi phục rất chậm, tới giờ dù âm tính nhưng chỉ ngửi được 95% các mùi. Mình cập nhât tình hình sức khoẻ liên tục cho mẹ qua điện thoại. Mẹ mình lại là đồng nghiệp với bác sĩ Trương Hữu Khanh, thường hỏi ý kiến bác sĩ Khanh nữa nên mình cũng yên tâm phần nào. Trong thời gian 20-26.7 mình uống kháng sinh do mẹ kê đơn và thuốc giảm đau vì đau họng. Sau đó hết đau họng rồi thì mẹ mình cũng bảo ngưng các loại thuốc. Mình chỉ tiếp tục uống multi vitamin và thuốc sắt bổ máu như trước giờ vẫn uống. Xông họng với sả gừng 2 lần/ngày”, Dương chia sẻ.
Điều đặc biệt, Dương có chủ trương là phải để cho bản thân cảm thấy thật thoải mái mới mau hồi phục nên không kiêng khem quá gắt. “Bác sĩ Khanh bảo có thể nằm được máy lạnh, nên buổi trưa nóng bức mình vẫn đóng cửa bật điều hoà ngủ cho mát, tầm 5 tiếng. Còn lại lúc sáng và tối mát trời thì mình lại mở tung các cửa ra cho thoáng khí. Vẫn tắm hằng ngày và cách ngày thì gội đầu. Cố gắng ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn trong mỗi bữa, ăn thêm các bữa phụ để phòng hạ đường huyết như Chocopie, bánh quy. Tập hít thở theo hướng dẫn 2 lần/ngày. Mình lười tập thể dục nên vận động bằng cách dọn dẹp nhà cửa và chơi với mèo”, cô gái trẻ “bật mí” về hành trình cán đích “một vạch” của mình.
“Mọi người nên chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin chính quy, đáng tin tưởng như Facebook của bác sĩ Trương Hữu Khanh và các bác sĩ khác, theo dõi các trang thông tin của Bộ Y Tế. Đừng đọc quá nhiều nguồn rồi tự mình hù mình, càng hoang mang thì càng không tốt cho việc giữ bình tĩnh để phục hồi”
MAI THUỲ DƯƠNG
Bên cạnh đó, Dương cho biết cô nàng giữ cho tâm lý thoải mái bằng cách cập nhật Facebook cho bạn bè biết tình trạng sức khoẻ, mọi người hỏi thăm nhiều nên vui vẻ và thoải mái hơn. Trong thời gian điều trị Covid-19 tại nhà, Dương đã xem được hẳn 2 bộ phim mới. “Nhưng trên hết là không cố quá. Không cố vận động, phơi nắng diệt khuẩn cũng chỉ tầm 15 phút, không cố tập hít thở một cách quá căng thẳng. Giữ cho mọi thứ vừa phải, quan sát sự thay đổi của cơ thể. Mình xem như mình đang tập nổi trên biển ấy, thả lỏng và cơ thể tự nổi chứ không vẫy vùng gì cả, rồi sóng sẽ đưa mình vào bờ”, Dương gửi gắm.
Đến hiện tại, cô gái trẻ cảm thấy biết ơn vì nhờ đợt ốm này mà bản thân thay đổi được 1 số thói quen không tốt. Đó là không dám tắm khuya, và chuyển từ uống nước lạnh thường xuyên sang uống nước ấm, trữ sẵn trong bình giữ nhiệt.
Sau hành trình tự điều trị Covid-19 tại nhà, từ cô gái F0 đến cán đích “một vạch” thuận lợi, Thuỳ Dương khuyên: “Mình thấy tâm lý rất quan trọng, mình may mắn hơn vì có mẹ là bác sĩ. Nhưng cho dù các bạn không có người thân là bác sĩ thì nếu chẳng may nhiễm bệnh cũng phải giữ tinh thần thật bình tĩnh. Mọi người nên chủ động tìm kiếm các nguồn thông tin chính quy, đáng tin tưởng như Facebook của bác sĩ Trương Hữu Khanh và các bác sĩ khác, theo dõi các trang thông tin của Bộ Y Tế. Đừng đọc quá nhiều nguồn rồi tự mình hù mình, càng hoang mang thì càng không tốt cho việc giữ bình tĩnh để phục hồi. Vì khi mình hoang mang lo lắng thì sẽ tìm đọc nhiều nguồn thông tin mà trong đó có các nguồn chưa được kiểm chứng, không chính xác. Bên cạnh đó, ngoài việc cách ly và 5K thì cố gắng sinh hoạt như bình thường, tức là làm việc online, xem phim, đọc sách…chứ đừng chỉ tập trung vào chuyện bệnh của mình”.
Hoa Nữ