‘Có doanh nghiệp dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa nước ngoài để trục lợi’
Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để.
Ngày 2.8, Ban Chỉ đạo T.Ư cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cuộc vận động) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động, nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới.
Ghi nhận những kết quả đạt được trong 10 năm triển khai cuộc vận động, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn – Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động, cho rằng vẫn còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục như công tác tuyên truyền chưa rộng khắp, chưa đi sâu phát hiện, nhân rộng các điển hình tốt. Công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để.
“Thậm chí, có doanh nghiệp đội lốt, lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi”, ông Mẫn nêu, đồng thời cho rằng, nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng; chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến, chưa dành nguồn lực thích đáng cho quảng bá hàng hóa, dịch vụ.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo ông Mẫn, cần có những giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng thời, thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Dùng làm tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua là động lực, là yêu cầu khách quan để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Thông qua cuộc vân động, đã tạo được niềm tin, thu hút sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng hàng hoá Việt Nam của người Việt (ở trong nước và cả ở nước ngoài), người nước ngoài.
“Cuộc vận động đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa Việt Nam, sự vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam, giảm tỷ lệ nhập siêu, phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước”, ông Phó thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, cuộc vận động cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do việc hội nhập quốc tế, xu hướng bảo hộ thương mại, bảo hộ sản xuất nội địa của các nước lớn… trong khi 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng thích ứng không cao.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tình trạng cạnh tranh không đúng luật, lách luật, trốn thuế… vẫn còn xảy ra. ”Đặc biệt là tình trạng gian lận nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá, đưa hàng giả, hàng nhái về nông thôn”, Phó thủ tướng nói.
Về phương hướng trong thời gian tới, Phó thủ tướng đề nghị đưa các nội dung cuộc vận động thành các điều kiện của chi tiêu công, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên.
“Ví dụ, khuyến khích các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị – xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi triển khai thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa…”, Phó thủ tướng nêu.
Sớm hoàn thiện các quy định liên quan nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ hàng hoá
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phải tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép.
“Tinh thần là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đồng thời quản lý chặt, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Chống gian lận thương mại, nhưng không được ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, có vướng mắc phải sớm kết luận đúng sai”, Phó thủ tướng quán triệt.
Ông cũng đề nghị các bộ, ngành sớm nghiên cứu để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ hàng hoá.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu vấn đề: Có nhất thiết phải nội địa hóa 100% bằng mọi giá?
Lấy ví dụ về những kết quả tích cực trong ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, Phó thủ tướng cho rằng quan điểm phát triển sản xuất trong nước là không nhất thiết phải nội địa hóa ngay 100%, mà chúng ta sẽ phát triển từng bước, ngày càng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
“Một chiếc ô tô có giá trị bằng một ngôi nhà của người dân, là tài sản rất lớn. Trong khi ngôi nhà cơ bản được sản xuất trong nước, với các nguyên vật liệu nội địa, thì không thể không phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cũng không thể duy ý chí phải nội địa hóa 70 – 80% chiếc ô tô được”, Phó thủ tướng nói thêm.
Tiêu Điểm