“Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi”
Có thể nói một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của năm 2020 là công tác lựa chọn nhân sự cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng 13. Đây là việc làm mang tính quyết định như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Mới đây, trả lời báo Vietnam Net, bài “Không chịu tác động của thế lực nào, chọn đúng nhân sự đại hội Đảng”, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có những chia sẻ khá thẳng thắn về công việc khó khăn này.
Ông Tân nói: “Thời gian qua có tình trạng làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng khi đã đề bạt, bổ nhiệm, không lâu sau thì cán bộ vi phạm. Như vậy, rõ ràng chúng ta chọn không đúng người”.
Nhìn lại hàng loạt cán bộ cấp cao, trong đó có hơn 90 người thuộc diện Trung ương quản lý bị kỉ luật, càng cho thấy đây là nhận định hoàn toàn chính xác.
Lý do, hầu hết các cán bộ cao cấp này bị xử lý đều liên quan đến sai phạm từ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, những sai phạm của họ đã không bị phát hiện tại thời điểm đó mà phải đến nhiệm kỳ sau, họ mới phải trả giá.
Ông Đinh La Thăng, người có chức vụ cao nhất cho đến nay và có lẽ cũng là một trong số những người bị hình thức kỉ luật nặng nhất đã từng chua chát thốt lên: “Giá mà cơ quan kiểm tra phát hiện sớm, thì hậu quả không nặng nề như vậy”.
Thậm chí, trong số đó, có người còn nằm trong qui hoạch ở những chức vụ rất cao như Trịnh Xuân Thanh được qui hoạch tư lệnh ngành Công thương chẳng hạn.
Điều này cho thấy trong qui trình Đào tạo – bồi dưỡng, đề bạt – cất nhắc, quản lý – giám sát, chúng ta đã sai sót ít nhất ở các khâu: Đề bạt – cất nhắc và quản lý – giám sát.
Vì sao để xảy ra tình trạng này?
Trong bài báo nói trên, ông Lê Vĩnh Tân đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính.
Một, “để chọn đúng người, người làm tổ chức phải đi tìm cán bộ chứ không phải để cán bộ sắp được đề bạt bổ nhiệm đi tìm tổ chức”.
Hai, “phải thực hiện trên tinh thần hết sức công tâm, khách quan, không chịu tác động của bất cứ thế lực nào” và thứ ba, “phải đánh giá cả một quá trình và dựa trên sự tín nhiệm của các cấp, của cấp dưới đối với cấp trên, cấp trên cấp dưới”.
Cá nhân, người viết bài này tâm đắc nhất với ý đầu tiên “người làm tổ chức phải đi tìm cán bộ chứ không phải để cán bộ sắp được đề bạt bổ nhiệm đi tìm tổ chức”.
Nếu người làm tổ chức đi tìm cán bộ có nghĩa là tình trạng chạy chức, chạy quyền sẽ không tồn tại.
Nhớ lại tròn 5 năm trước (27.1.2015), tại lễ tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban Tổ chức Trung ương, ông Tô Huy Rứa khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định việc bổ nhiệm được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nên chống lại tiêu cực, chống lại “chạy”.
“Làm sao mà có thể “chạy” được, 5, 6 cơ quan trên này với cả địa phương nữa. “Chạy” làm sao được”.
Thế nhưng từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền câu “Chạy chưa chắc đã được nhưng không chạy thì chắc chắn… không được”.
Có thể độ chính xác của câu này không cao, song nó đã phản ánh phần nào việc chạy chức, chạy quyền, chạy qui hoạch mà sau này, trong nhiều văn kiện chúng ta thường nhắc tới. Thực tế, hàng loạt cán bộ cao cấp đã bị xử lý cũng ít nhiều nói lên điều này.
Xin được một lần nữa nhắc lại lời của Hồ Chủ tịch: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy việc làm tốt “cái gốc” này là yếu tố quyết định sự thành bại.
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cũng khẳng định vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới.
“Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”. Ông Vượng nói.
“Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”. Đó là chân lý!
Bùi Hoàng Tám/DT