Có Chủ tịch hội làm 6 nhiệm kỳ, giao người khác trên 60 tuổi vẫn lo trẻ quá
“Có bác làm Chủ tịch Hội 6 nhiệm kỳ, đến khi giao cho người trên 60 tuổi thay, bác vẫn cảm thấy “không yên tâm vì còn trẻ quá”.
Tại hội nghị triển khai các quy định của Đảng và Nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, ông Kiều Cao Chung, Phó vụ trưởng Vụ Các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Vụ 5), Ban Tổ chức Trung ương cho biết, độ tuổi tham gia công tác hội hiện nay không thống nhất.
Tuổi của cán bộ lãnh đạo các hội không thống nhất
Đối với nhóm 1 gồm: Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trừ Hội Cựu chiến binh, tuổi công tác và tuổi nghỉ hưu của cán bộ tham mưu giúp việc cũng như cán bộ lãnh đạo hội thực hiện như các cơ quan Đảng, Nhà nước, không có vướng mắc.
Ngoài ra, còn có một số các tổ chức hội khác được Đảng, Nhà nước quy định là tổ chức chính trịxã hội như: Liên Hiệp các hội khoa họckỹ thuật Việt Nam, Liên Hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam cũng có độ tuổi tương tự.
Nhóm 2 là các hội đặc thù do Đảng, Nhà nước thành lập, giao nhiệm vụ có 31 hội. Trong 31 hội đặc thù (có 10 hội được Ban Bí thư thành lập đảng đoàn) thì tuổi nghỉ hưu thực hiện không thống nhất. Cán bộ tham mưu giúp việc tuổi công tác và nghỉ hưu thống nhất theo Bộ luật Lao động nhưng tuổi của cán bộ lãnh đạo lại thực hiện không thống nhất.
Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thực hiện giống như các cơ quan Đảng, Nhà nước đối với các lãnh đạo (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, nếu nữ là thứ trưởng hoặc tương đương thì thực hiện như nam là 60 tuổi nghỉ). Trong khi các tổ chức hội khác lại thực hiện không như vậy.
Khi giới thiệu cán bộ tham gia lãnh đạo chuyên trách hội, tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử không quá 65 tuổi. Trường hợp đặc biệt không có người thay thế thì không quá 70 tuổi và do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhưng chỉ áp dụng đối với Chủ tịch Hội có đủ phẩm chất, năng lực lãnh đạo, uy tín cao, đủ sức khoẻ để làm việc.
Nhóm 3 là các hội do công dân, tổ chức có cùng sở thích, nghề nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật, theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ pháp luật và điều lệ hội.
Những hội này, Đảng, Nhà nước không quy định độ tuổi tham gia lãnh đạo nhưng các cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia thành lập hội và là chủ tịch các hội thì phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ cho ý kiến.
Không phải là khủng hoảng nhân sự mà trở thành khủng hoảng nhân đạo
Theo ông Chung, thực tế có một số vướng mắc. Cụ thể, có nơi phản ánh lâu nay Liên hiệp hữu nghị ở địa phương, Liên minh hợp tác xã, Hội Chữ thập đỏ ở địa phương bố trí cán bộ quá độ tuổi nghỉ hưu (quá 60 với nam và 55 với nữ).
“Khó khăn thì chúng ta vẫn phải thực hiện vì đây là quy định của Trung ương. Dần dần phải siết chặt lại độ tuổi công tác đối với các hội. Đề nghị các đồng chí báo cáo với Ban Thường vụ Thành uỷ, Tỉnh uỷ, nếu chưa tìm được nhân sự làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch ba nơi này thì có thể phân công một đồng chí lãnh đạo, một đồng chí thành viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kiêm nhiệm cho đến khi tìm được nhân sự”, Phó vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu.
Ngoài ra, có những hội đặc thù thuộc thẩm quyền địa phương quyết định, như hội cán bộ bị địch bắt tù đày hiện nay nguồn hội viên không có, cán bộ lãnh đạo hội thì quá tuổi. Các nhân sự dự kiến bố trí làm Chủ tịch Hội đều trên 70 cả.
“Báo cáo thật với các đồng chí, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chúng ta nam là 72, nữ là 73. Ai sống hơn được tuổi đó là “lãi trời cho”. Năm 2019, Quốc hội cân nhắc, tính toán nhiều chiều chỉ dám quyết định thực hiện theo lộ trình, để nam là 62 , nữ 60 tuổi nghỉ hưu. Kết luận 58 thực chất là giải pháp tình thế để xử lý những trường hợp cán bộ lãnh đạo của hội quá lớn tuổi”, ông Chung nói.
Phó vụ trưởng Vụ 5 nêu thực tế, ở trung ương vừa qua có những hội bố trí cán bộ lãnh đạo là những bác lớn tuổi quá. Thậm chí “có bác làm Chủ tịch Hội 6 nhiệm kỳ, làm từ lúc cháu sinh ra đến lúc cháu sinh hoạt đoàn, trưởng thành rồi vẫn làm Chủ tịch hội. Đến khi giao cho người trên 60 tuổi, bác vẫn cảm thấy “không yên tâm vì còn trẻ quá”.
“Tôi đi dự họp đảng đoàn một số hội cảm thấy rất giống vào viện dưỡng lão thăm các cụ. Các cụ đi họp tầm 5-10 phút là rất mệt mỏi. Có bác hỏi tôi tới 4 lần làm ở đâu, đến lần thứ 4 tôi đáp: thưa bác, cháu vẫn tên là Kiểu Cao Chung, vẫn làm ở Ban Tổ chức Trung ương ”, ông Chung kể.
Phó vụ trưởng Vụ 5 Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh lại, theo kết luận 58, có thể bố trí Phó Chủ tịch và Chủ tịch không quá 65. Trường hợp đặc biệt không có người thay thế thì bố trí người không quá 70 tuổi.
“Nếu 65 tuổi, cộng thêm 5 tuổi cũng 70 tuổi, nhân sự đó mới nghỉ. 70 tuổi thì 75 tuổi mới nghỉ. Nếu vượt quá ngưỡng này thì có hai câu chuyện, một là không đúng quy định của Trung ương. Ở đây không phải là khủng hoảng nhân sự mà trở thành khủng hoảng nhân đạo. Tuổi 65, 70 trở lên là độ tuổi phải được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng, chứ không phải tuổi bắt người ta đi làm”, Phó vụ trưởng Vụ 5 phân tích.
Ngoài ra, ông Kiều Cao Chung cho biết, theo quy định hiện hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý tham gia thành lập hội và là chủ tịch các hội này thì phải được cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ cho ý kiến.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các hội, quỹ chú ý thực hiện một số nội dung để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của hội, quỹ; bên cạnh đó, cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các hội, quỹ hoạt động một cách có hiệu quả, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng mong muốn, các cơ quan Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện quyền lập hội đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Còn phía hội, quỹ cũng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và Điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thu Hằng/VNN