Cơ chế nào cho ông Nguyễn Đức Chung được tại ngoại?
Ngày 18/9/2020, gia đình ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hiện đang bị tạm giam phục vụ điều tra, đã làm thủ tục xin cho ông được tại ngoại để điều trị bệnh ung thư. Hiện có một số ý kiến đang thắc mắc về chế tài, cơ chế giám sát đối với ông Chung nếu đơn xin tại ngoại của gia đình được thông qua.
Như chúng ta đã được biết, vào ngày 28/8, ông Nguyễn Đức Chung đã bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng, khám xét chỗ ở và nơi làm việc vì hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, theo quyết định của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Ngoài ra, ông Chung còn bị điều tra trong 2 vụ án khác, bao gồm vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội và vụ án buôn lậu liên quan đến Nhật Cường Mobile và Sở KHĐT Hà Nội. Cần lưu ý rằng thời gian tạm giam 4 tháng đồng nghĩa vi phạm của ông Chung được xem là “tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, theo Điều 173 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
Trước đó, vào ngày 11/8, ông Chung đã bị tạm đình chỉ công tác chức vụ Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Bộ Chính trị cũng ra quyết định đình chỉ sinh họat Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Chung. Sau hơn 1 tháng tạm giam, vừa qua gia đình ông Chung bất ngờ làm đơn xin tại ngoại để chữa trị bệnh ung thư.
Với diễn biến mới nhất về vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, nếu xác định ông Chung bị ung thư (được xem là bệnh nặng), luật pháp Việt Nam quy định như thế nào về việc điều trị cũng như những biện pháp chế tài, giám sát nào sẽ được áp dụng?
Theo Thông tư liên tịch 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an – Bộ Quốc Phòng – TAND Tối cao – VKSND Tối cao, Khoản 1 Điều 14 về “Phối hợp quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi đưa đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ và giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần” quy định: “Trường hợp đưa người bị tạm giữ, người bị tạm giam đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ ra lệnh trích xuất; đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam biết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam biết để phối hợp chăm sóc, Điều trị.
Khi nhận được thông báo của cơ sở giam giữ, nếu cần phối hợp quản lý, giám sát thì cơ quan đang thụ lý vụ án cử cán bộ phối hợp với cơ sở giam giữ để có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh.”
Nếu chứng minh được tình trạng bệnh tật, Thủ trưởng cơ sở giam giữ sẽ ra lệnh trích xuất, thông báo đến cơ quan đang thụ lý vụ án, trong trường hợp này là Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an. Ông Chung sẽ chịu sự giám sát, quản lý của VSKND TP. Hà Nội trong quá trình điều trị bệnh tại cơ sở y tế ngoài trại giam (bệnh viện).
Đặc biệt, tại Khoản 2 cũng trong Điều 14, cơ quan điều tra khi cần làm việc với ông Chung tại nơi điều trị cần có phải đổi trực tiếp và được sự nhất trí của bác sỹ Điều trị và phối hợp với cơ sở giam giữ.
Đây là những biện pháp, chế tài dành cho những người đang bị tạm giữ, tạm giam đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài cơ sở giam giữ (bệnh viện). Tuy nhiên, nếu vẫn có nguyện vọng xin toại ngoại, gia đình ông Chung có thể làm đơn xin tại ngoại, theo Điều 121 Bộ Luật Tố tụng Hình sự về “bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm”, và phải nộp tiền bảo lĩnh theo Điều 122 của Bộ Luật. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh.
Trong thời gian tại ngoại, ông Chung vẫn có phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan, với sự cam đoan của tổ chức, cá nhân bão lĩnh (tức gia đình ông Chung):
+ Không được bỏ trốn khỏi nơi cư trú và không tiếp tục phạm tội.
+ Phải phối hợp, hợp tác điều tra với cơ quan có thẩm quyền, có mặt theo giấy triệu tập trừ trường hợp có lý do chính đáng (trở ngại khách quan, lý do bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh…)
+ Cam đoan không để bị can, bị cáo mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.
+ Không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến các phiên tòa mà ông ta sẽ phải phải đối mặt trong thời gian tới, liên quan đến ít nhất ba vụ án vừa qua. Theo Điều 305 Bộ Luật Tố tụng Hình sự về “Giải quyết yêu cầu về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt”: “Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy có mặt tại phiên tòa nhưng vì lý do sức khỏe không thể tham gia tố tụng thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không; nếu có người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.”
Như vậy, nếu ông Chung vắng mặt tại tòa vì bệnh ung thư, Chủ tọa phiên tòa sẽ lấy ý kiến về việc hoãn phiên tòa từ các bên liên quan. Trong trường hợp này, gia đình của ông Chung có thể yêu cầu hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe, và Hội đồng xét xử sẽ xem xét, quyết định. Cần hiểu rằng quyết định hoãn phiên tòa, dù có yêu cầu của thân nhân bị cáo, là thẩm quyền của Hội đồng xét xử, căn cứ vào các bằng chứng về trình trạng sức khỏe của người liên quan như bệnh án, biên bản giám định… Việc hoãn phiên tòa, tùy theo tính chất của vụ án, có thể kéo dài trong khoảng 1 tháng. Sau thời gian tạm hoãn, tùy vào tình trạng sức khoẻ, tòa án có thể tiếp tục phiên xét xử theo luật định.
MINH KHUÊ