Có cán bộ sai phạm trong bổ nhiệm đã ở cấp cao nên việc xử lý nhạy cảm
Một số người sai phạm trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng đã là cán bộ cấp cao, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm.
Đại biểu Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) đặt câu hỏi: “Trong báo cáo của Bộ, Bộ có nhận định còn có những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm quá số lượng quy định, chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục như bổ nhiệm người nhà, người thân. Đề nghị Bộ trưởng có thể công khai các trường hợp này cho đại biểu Quốc hội và nhân dân biết để giám sát được hay không và Bộ sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”.
Trả lời đại biểu Cao Thị Giang về vấn đề sai phạm tuyển dụng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, kết luận 43 và kết luận 48 của Ban Bí thư giải quyết xử lý vấn đề này. Khi có kết luận 43 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị của Trung ương làm báo cáo bước đầu tự kiểm tra về kết quả sai phạm về công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng.
“Con số báo cáo kết quả kiểm tra này đã được Ban tổ chức Trung ương tổng hợp báo cáo chung cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Nội vụ chỉ chịu trách nhiệm tổng kết báo cáo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Con số này tôi không có công bố tại đây”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, sai phạm trong bổ nhiệm tuyển dụng chiếm tỷ lệ sai phạm lớn nhất trong các sai phạm. Hiện có một số người sai phạm trong thời điểm thực hiện kết luận đã là cán bộ cấp cao, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và đặc biệt chuẩn bị cho Đại hội Đảng, các cấp.
“Cái gốc của vấn đề là ở chỗ tuyển dụng. Không giải quyết được gốc của tuyển dụng, thì các bước tiếp theo sẽ đều vướng cả”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
“Chúng tôi không báo cáo được con số cụ thể trước đại biểu nhưng trong có những tỉnh đã sai phạm trên 1.700 trường hợp trong công tác tuyển dụng. Nói vậy để thấy con số không nhỏ chút nào. Tất nhiên, cũng có tỉnh chỉ vài ba chục, vài trăm trường hợp, nhưng tỉnh sai phạm nhiều nhất là hơn 1.700 trường hợp”, Bộ trưởng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đây là do các chính sách đặc thù của từng địa phương đưa ra chính sách ưu đãi, ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM, Thanh Hoá…đã có những chính sách tuyển dụng không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Tạm thời trước mắt, Bộ Nội vụ đề nghị giải quyết bán theo như kết luận 43 của Ban Bí thư, chia làm 3 giai đoạn. Mốc thực hiện là khi Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện triển khai tháng 11/2011 và năm 2012 đến nay. Nếu có sai phạm trong công tác tuyển dụng nhưng đến nay đã đủ điều kiện xem xét, chỉ trừ trường hợp đã có kết luận của thanh tra, kiểm tra vi phạm nghiêm trọng thì đều được thông qua.
Mốc thứ hai là từ khi ban hành Thông tư cho đến ngày 28/12/2017, nếu thiếu tiêu chuẩn, điều kiện nhưng đến nay đã đáp ứng đủ thì thôi; Còn chưa đủ, thì sẽ cho nợ đến hết năm 2019.
“Chúng tôi đề nghị Ban Bí thư mở hạn đến năm 2021 để xử lý vừa có tình vừa có lý, vừa học phù hợp với tình hình hiện nay khi chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội và bầu cử Hội đồng nhân dân cấp. Đây là hướng đề xuất, còn quyết định là của cơ quan có thẩm quyền. Tôi mong rằng cơ quan có thẩm quyền sớm có ý kiến về vấn đề xử lý sai phạm trong tuyển dụng so với kết luận 43 của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Với, một số trường hợp như theo ý kiến của đại biểu Quốc hội chất vấn về sai phạm tuyển dụng cũng rơi vào những trường hợp đã được bổ nhiệm trước tháng 6/2012, tức là trước khi ban hành kết luận 43 của Bộ Chính trị hoặc nằm trong giai đoạn từ tháng 6/2012 đến 27/12/2017 đang vẫn xem xét lại.
“Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phải xử lý kiên quyết. Chúng ta phải làm cho ráo bước, làm kỹ để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng các cấp”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Vân Anh/VOV