Có 3 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, Thanh Hóa giãn cách huyện 155.000 dân
Một chùm ca bệnh 3 người mắc Covid-19 vừa được ghi nhận tại 1 đám tang nên huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) với 155.000 dân phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 bắt đầu từ 6 giờ ngày 31-8.
Ngày 31-8, tin từ UBND huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện này, vừa ký quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn huyện Nga Sơn, bắt đầu từ 0 giờ ngày 31-8, sau khi địa phương này ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 tại một đáng tang ở thị trấn Nga Sơn.
Trước đó, qua điều tra, truy vết những người có liên quan tới chùm ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (TP Thanh Hóa), huyện Nga Sơn đã truy vết được nhiều trường hợp từng đến bệnh viện này điều trị, chăm sóc người thân từ ngày 15-8 đến ngày 30-8, nên đã thực hiện các xét nghiệm.
Đến tối ngày 30-8, huyện Nga Sơn đã ghi nhận có 3 ca mắc Covid-19 liên quan tới 1 đám tang tại tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn (diễn ra hôm 26-8).
Trước việc xuất hiện 1 chùm ca bệnh ngoài cộng đồng, để kịp thời ngăn chặn việc lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, với phương châm thần tốc truy vết, thần tốc cách ly, khoanh vùng, lấy mẫu và xét nghiệm, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện Nga Sơn hơn 155.000 dân, theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ 6 giờ ngày 31-8.
Thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với 4 tiểu khu gồm: Long Khang, Thắng Thịnh, Trung Bắc và Bách Lợi, thuộc thị trấn Nga Sơn. Thời gian cách ly bắt đầu từ 6 giờ ngày 31-8 cho đến khi có thông báo mới.
Như vậy, tính từ ngày 27-4 đến sáng ngày 31-8, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận tổng cộng 302 ca mắc Covid-1. Hiện có 3 điểm dịch ngoài cộng đồng được ghi nhận gồm huyện Nông Cống, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (TP Thanh Hóa) và điểm dịch thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chiều ngày 30-8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện, kể từ 18 giờ ngày 30-8 tạm dừng các hoạt động: Các tiệm, cơ sở cắt tóc, gội đầu, thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp; các chợ cóc, chợ tạm cho đến khi có thông báo mới.
Tăng cường quản lý lao động tự do, người bán hàng rong; quản lý và xét nghiệm Covid-19 cho các shipper (người giao hàng công nghệ); lái xe taxi, xe khách, xe ôm.
Đồng thời, triển khai xét nghiệm Covid-19 để tầm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; chiến sỹ lực lượng vũ trang; giáo viên, học sinh…; tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Khuyến khích người dân tự nguyện xét nghiệm Covid-19 theo hình thức tự trả phí, nhất là những người có bệnh nền, người già trên 65 tuổi, người có các triệu chứng như: Ho, sốt, đau rát họng, mỏi mệt, đau nhức người, mất vị giác, khứu giác…
Yêu cầu các doanh nghiệp có công nhân sản xuất, kinh doanh, các chợ truyền thống, các siêu thị đang được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, nếu không chấp hành, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền… phải chịu trách nhiệm.
Tuấn Minh