+
Aa
-
like
comment

CNN: Việt Nam khiến cả thế giới phải ghen tị

Bảo Trâm - 19/05/2020 14:52

Katie Lockhart, phóng viên của CNN bị “mắc kẹt” tại Việt Nam đã có một bài viết ngợi ca thành công của Việt Nam khi chiến đấu với dịch bệnh, cũng như chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ của mình tại Việt Nam.

Được biết, cô Katie Lockhart đã có chuyến du lịch đến Việt Nam từ cuối tháng 1, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên khắp Trung Quốc cũng như lây lan ra nước ngoài. Cô đã bị mắc kẹt lại Hà Nội từ tháng 1 đến nay và trải nghiệm rất rõ công cuộc chống dịch cực kỳ hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.

Cánh Cò xin dịch lại nguyên văn bài viết của phóng viên CNN Katie Lockhart:

“Khi làn khói nhàn nhạt ở bên ngoài len lỏi vào phòng ngủ của tôi, tôi đã bật dậy và bước ra ngoài ban công để ngắm nhìn đường phố Hà Nội. Hóa ra chủ nhà của tôi đang đốt vàng mã.

Sau một tuần không có ca nhiễm COVID-19 mới, chính phủ Việt Nam đã kết thúc thời gian 22 ngày cách ly toàn xã hội và bắt đầu cho phép một số cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp được mở cửa trở lại kể từ ngày 23/4 vừa qua.

Đường phố bắt đầu có sức sống trở lại. Tiếng còi xe trên đường ngày càng lớn hơn, khi ngày càng có nhiều xe máy xuất hiện trở lại. Trong khi đó, các chủ cửa hàng cũng đã bắt đầu dọn dẹp, quét dọn vỉa hè ở trước cửa hàng của họ. Đây đều là những dấu hiệu tốt, cho thấy thành phố đang thực sự mở cửa trở lại theo đúng kế hoạch.

Giờ đây, du lịch nội địa tại Việt Nam cũng đã bắt đầu được khôi phục, với các chuyến bay nội địa hoạt động và các khách sạn rục rịch mở cửa trở lại trên toàn quốc.

Có vẻ như Việt Nam đã dễ dàng thoát khỏi đại dịch, nhưng thành công ấy không phải do tình cờ.

Để duy trì số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở mức thấp và không hề có ca tử vong, quốc gia Đông Nam Á này đã hành động nhanh hơn so với hầu hết các quốc gia trên thế giới, bắt đầu gần như ngay sau khi Trung Quốc công bố dịch bệnh.

Trong khi đó, một số quốc gia cùng khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan đã ghi nhận số ca nhiễm lên đến hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn người như Singapore.

Tôi đã tới Việt Nam từ tháng 1, trước khi thành phố Hồ Chí Minh – điểm đến đầu tiên trong hành trình tại Việt Nam của tôi – xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Khi tiếp tục hành trình của mình từ thành phố Hồ Chí Minh tới Đà Nẵng, Hội An, Huế, Tam Cốc (Ninh Bình) và cuối cùng dừng chân tại Hà Nội, tôi đã chứng kiến cách chính quyền sở tại thận trọng xử lý, cách ly các cộng đồng nghi nhiễm, liên hệ và truy dấu với những đối tượng nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc với người bệnh, và cách ly tất cả những đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam.

Khi Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội trên toàn quốc, thị thực du lịch 3 tháng của tôi đã hết hạn, nhưng thật may mắn là tôi đã được phép gia hạn thêm 3 tháng nữa mà không phải nộp phí phạt.

Vào giữa tháng 3, các bác sĩ Việt Nam cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần đến kiểm tra khách sạn tôi đang cư trú ở Tam Cốc để đảm bảo các khách thuê phòng đều an toàn và không nhiễm virus.

Vào mỗi buổi sáng và tối hàng ngày, chúng tôi đều nghe thấy tiếng loa phóng thanh cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh. Những chiếc loa này được chở trên xe đi khắp mọi ngõ ngách. Lúc nào mọi người cũng nắm rõ thông tin về diễn biến của dịch bệnh, nơi nào có nhiều ca nhiễm nhất trên cả nước, cùng những chi tiết cụ thể kèm theo.

Phản ứng nhanh chóng, có cơ sở của Việt Nam, cùng với đó là các chính sách quản lý chặt chẽ của chính quyền sở tại đã giúp Việt Nam “đánh bại” COVID-19 hiệu quả hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nhờ có những biện pháp này, Việt Nam đã có thể thận trọng nới lỏng dần các lệnh hạn chế theo từng giai đoạn. Tại các khu vực có nguy cơ cao như thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, những quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn được áp dụng, trong đó bao gồm việc đóng cửa tạm thời các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu như quán bar, phòng trà, karaoke, các sự kiện thể thao, hay cấm các buổi tụ tập trên 10 người.

Mặc dù một số biện pháp hạn chế vẫn tiếp tục được áp dụng, nhưng cuối tuần trước, thành phố Hồ Chí Minh đã cho phép một số dịch vụ giải trí và không thiết yếu được hoạt động trở lại, bao gồm các rạp chiếu phim và phòng spa.

Trong tuần này, thủ đô Hà Nội cũng đã mở cửa trở lại các địa điểm tham quan và bắt đầu đón khách du lịch. Khu phố đi bộ và các chợ tại quận Hoàn Kiếm bắt đầu được mở lại từ ngày 15/5.

Cuối tháng 3, sau khi đặt chân tới Hà Nội, tôi đã có trải nghiệm 22 ngày cách ly trong căn hộ thuê của mình ở thành phố này. Vào ngày 23/4, tôi đã rất háo hức khi sắp được ra ngoài và nhìn ngắm các nhà hàng, tiệm cafe đón khách trở lại.

Các sạp bán đồ ăn đường phố là những nơi đầu tiên hoạt động trở lại. Mùi hương của gà luộc và tiếng xì xụp đầy hạnh phúc của người dân bản địa tràn ngập hai bên đường Chân Cầm.

Những ngày gần đây, thành phố gần như không có nhiều khác biệt so với trước đây. Đúng là hiện nay mọi người đều được yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, và mới chỉ có khoảng 75% cơ sở kinh doanh và các loại hình dịch vụ hoạt động trở lại. Nhưng tôi cảm giác Hà Nội đã trở về thời tiền-COVID.

Tuy nhiên, ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam vẫn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch. Theo những thông tin được truyền thông đăng tải, Việt Nam đã thiệt hại 7 tỉ USD doanh thu từ ngành du lịch trong giai đoạn tháng 1 và tháng 2 năm nay.

Hiện tại, Việt Nam đang tập trung khôi phục ngành du lịch nội địa. Ngày 23/4, Bộ Giao thông Vận tải đã bắt đầu tăng cường các chuyến bay, chuyến tàu nội địa đến các địa điểm du lịch nổi tiếng – với số lượng hành khách giới hạn.

Đà Nẵng đã trở thành điểm đến số 1 thế giới năm 2020

Ngay khi chính phủ Việt Nam thông báo tình hình đã an toàn và có thể mở cửa trở lại vào cuối tháng 4, tôi đã lên kế hoạch đi du lịch Sapa để ủng hộ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và dịch vụ tại địa phương, đồng thời cũng cho bản thân mình cơ hội tận hưởng không khí trong lành.

Tôi rất háo hức chờ đến ngày được đi dạo giữa cánh đồng lúa, chụp ảnh trâu nước và hòa mình vào thiên nhiên. Giờ đây, kinh tế và cả du lịch của Việt Nam đều đang dần quay trở lại, đây chính là điều không một quốc gia nào làm được. Nhờ đó, Việt Nam đã tự làm cho mình trở nên thật đáng ghen tị!”

Bảo Trâm (Lược dịch từ CNN)

Bài mới
Đọc nhiều