+
Aa
-
like
comment

CNN ca ngợi cách chống Covid-19 của Việt Nam

30/05/2020 20:06

Hành động sớm, truy vết kỹ càng, tuyên truyền rộng rãi, là cách Việt Nam chống Covid-19 thành công theo nhận định của hãng tin Mỹ CNN.

“Khi cả thế giới nhìn sang châu Á để lấy ví dụ thành công trong công tác đối phó bùng phát Covid-19, nhiều nơi dành chú ý và khen ngợi cho Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Nhưng có một câu chuyện thành công bị bỏ qua, đó là Việt Nam”, là lời mở đầu bài viết “Làm thế nào mà Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong do Covid-19 bằng 0”.

Đất nước 97 triệu dân không ghi nhận một ca tử vong nào do Covid-19 và chỉ 328 ca nhiễm, dù có đường biên giới dài giáp Trung Quốc và mỗi năm đón tiếp hàng triệu khách du lịch Trung Quốc.

Đáng chú ý hơn khi Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp với hệ thống y tế kém tiên tiến hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Bình quân bác sĩ trên đầu người ở Việt Nam là 8/10.000, bằng một phần ba so với Hàn Quốc, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Người phụ nữ mu hàng và chủ quán đều đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: AFP.
Người phụ nữ mua hàng và chủ quán đều đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: AFP.

 

Sau 3 tuần phong tỏa toàn quốc, Việt Nam đã dỡ bỏ giãn cách xã hội vào cuối tháng 4. Hơn 40 ngày qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm nội địa nào. Trường học, doanh nghiệp đã mở lại, cuộc sống đang quay về bình thường.

Nhiều người hoài nghi con số mà chính phủ Việt Nam đưa ra không chân thực. Nhưng với Guy Thwaites, bác sĩ truyền nhiễm làm việc tại một trong những bệnh viện nhà nước do chính phủ chỉ định để điều trị bệnh nhân Covid-19, con số này hoàn toàn thực tế.

“Ngày nào tôi cũng xuống các phường, biết mọi ca nhiễm và chắc chắn là không có ca tử vong”, Thwaites, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh, nói.

“Nếu có ca nhiễm cộng đồng không được báo cáo hoặc không được kiểm soát, thì chắc chắn sẽ xuất hiện ca bệnh nhập viện, những người mắc bệnh phổi mà không được chẩn đoán, nhưng chuyện này không hề xảy ra”, ông nói.

Vậy làm thế nào mà Việt Nam đi ngược lại xu hướng toàn cầu và thoát khỏi tai họa do Covid-19 gây ra? Câu trả lời, theo các chuyên gia y tế, nằm ở sự kết hợp nhiều yếu tố, đó là phản ứng nhanh và sớm của chính phủ, truy vết tiếp xúc và kiểm dịch chặt chẽ cùng truyền thông hiệu quả.

Việt Nam chuẩn bị cho đợt bùng phát Covid-19 trước nhiều tuần trước khi ca nhiễm đầu tiên xuất hiện. Khi đó, chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều khẳng định “không có bằng chứng rõ ràng” về việc lây từ người sang người. Nhưng Việt Nam không hề do dự.

“Chúng tôi không chỉ trông đợi WHO hướng dẫn. Chúng tôi sử dụng dữ liệu thu thập từ ngoài và trong nước để quyết định hành động sớm”, ông Phạm Quang Thái, phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nói.

Từ đầu tháng 1, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt bất kỳ hành khách nào đến từ Vũ Hán tại sân bay quốc tế. Khách du lịch bị sốt được cách ly và theo dõi chặt, đài truyền hình quốc gia cũng liên tục đưa tin thời điểm này.

Giữa tháng 1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ra lệnh cho các cơ quan chính phủ thực hiện “các biện pháp quyết liệt” để ngăn chặn dịch lây sang Việt Nam, tăng cường kiểm dịch tại cửa khẩu, sân bay và cảng biển.

Ngày 23/1, Việt Nam xác nhận hai ca nhiễm đầu tiên, một công dân Trung Quốc sống ở Việt Nam và bố của người này, từ Vũ Hán tới thăm con. Hôm sau, Việt Nam hủy mọi chuyến bay đến và đi Vũ Hán.

Khi đất nước nghỉ Tết nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên chiến với Covid-19. “Chống dịch như chống giặc”, ông nói trong cuộc họp khẩn cấp của Đảng hôm 27/1. Ba ngày sau, ông thành lập ban chỉ đạo quốc gia về kiểm soát dịch, cùng ngày với tuyên bố Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu của WHO.

Ngày 1/2, Việt Nam công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng corona virus mới gây ra, khi mới ghi nhận 6 ca nhiễm trên toàn quốc. Mọi chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc bị dừng, tiếp theo là quyết định ngừng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc.

Suốt tháng 2, các quyết định hạn chế đi lại, kiểm dịch khách đến và ngừng cấp visa được mở rộng phạm vi trong lúc virus lan sang nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Iran, Italy. Việt Nam ra quyết định cấm nhập cảnh với mọi công dân nước ngoài hồi cuối tháng 3.

Chính quyền cũng nhanh chóng thực hiện các biện pháp chủ động phong tỏa. Ngày 12/2, một thôn 10.000 dân ở phía bắc Hà Nội, nơi phát hiện 7 ca Covid-19 trong 20 ngày, đã bị phong tỏa. Đây là hoạt động  phong tỏa quy mô lớn đầu tiên ngoài Trung Quốc. Đại học, các trường cấp một, hai, ba dự kiến mở lại vào tháng 2 sau Tết Nguyên đán, được lệnh đóng cửa và chỉ mở lại vào tháng 5.

Một sĩ quan quân đội Việt Nam đứng gác cạnh biển cảnh báo khu vực phong tỏa xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, hôm 20/2. Ảnh: AFP.
Một sĩ quan quân đội Việt Nam đứng gác cạnh biển cảnh báo khu vực phong tỏa xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, hôm 20/2. Ảnh: AFP.

Theo Thwaites, tốc độ phản ứng là nguyên nhân chính khiến Việt Nam thành công trong chiến dịch chống Covid-19.

“Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp trước những quốc gia khác vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Những biện pháp này đã chứng minh tính hữu hiệu, giúp Việt Nam nắm quyền kiểm soát”, ông nói.

Những hành động sớm mang tính quyết định đã ngăn chặn hiệu quả Covid-19 lây sang cộng đồng và duy trì số ca nhiễm của Việt Nam ở mức 16 tới ngày 13/2. Trong ba tuần, không có ca nhiễm mới, tới khi làn sóng thứ hai bùng phát vào tháng 3, lúc công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về.

Các nhà chức trách đã truy vết chặt chẽ những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, đưa họ vào trung tâm cách lý bắt buộc trong hai tuần.

“Hệ thống của chúng tôi rất mạnh: 63 trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) cấp tỉnh, hơn 700 CDC cấp huyện và hơn 11.000 trung tâm y tế xã. Tất cả đều giúp ích trong việc truy vết tiếp xúc”, bác sĩ Phạm Quang Thái nói.

Ông cho hay một bệnh nhân Covid-19 phải cung cấp cho chính quyền danh sách đầy đủ những người đã tiếp xúc trong 14 ngày qua. Báo chí và truyền hình liên tục đưa tin, phát sóng thông tin địa điểm và thời gian bệnh nhân Covid-19 từng xuất hiện, kêu gọi người dân tới cơ quan y tế xét nghiệm nếu họ có mặt ở thời điểm đó.

Khi bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện lớn nhất Việt Nam, trở thành điểm nóng nCoV mới với nhiều ca nhiễm phát hiện trong tháng 3, chính quyền đã phong tỏa cơ sở này, theo dõi gần 100.000 người từng đến viện, bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người tiếp xúc gần.

“Áp dụng truy vết tiếp xúc, chúng tôi xác định được hầu hết những người liên quan và yêu cầu họ tự cách ly tại nhà và nếu có bất kỳ triệu chứng nào, có thể tới cơ quan y tế xét nghiệm miễn phí”, bác sĩ Phạm Quang Thái nói.

Các nhà chức trách cũng xét nghiệm cho hơn 15.000 người liên quan tới bệnh viện, bao gồm 1.000 nhân viên y tế.

Nỗ lực truy vết của Việt Nam chặt chẽ tới nỗi không chỉ tìm ra người tiếp xúc trực tiếp mà còn cả người tiếp xúc gián tiếp.

“Đó là một trong những cách phản ứng rất độc đáo của Việt Nam. Tôi cho rằng không có quốc gia nào kiểm dịch nghiêm ngặt tới trình độ này”, Thwaites đánh giá.

Mọi đối tượng tiếp xúc trực tiếp đều được đặt trong vòng kiểm dịch của chính phủ tại các trung tâm y tế, khách sạn và doanh trại quân đội. Một số người tiếp xúc gián tiếp được yêu cầu cách ly tại nhà, theo nghiên cứu về biện pháp kiểm soát Covid-19 của Việt Nam do 20 chuyên gia y tế cộng đồng trong nước thực hiện. Tính đến 1/5, đã có 70.000 người bị cách ly trong cơ sở do chính phủ chỉ định, còn 140.000 người tự cách ly tại nhà hoặc khách sạn. Nghiên cứu cũng cho thấy trong số 270 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam, 43% là các ca không triệu chứng.

Con số này nhấn mạnh giá trị của việc truy vết và kiểm dịch nghiêm ngặt. Nếu các nhà chức trách không chủ động tìm kiếm những người có nguy cơ lây nhiễm, virus có thể đã âm thầm lây lan sang cộng đồng chỉ trong vài ngày trước khi bị phát hiện.

Một phụ nữ xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong một trung tâm kiểm dịch dã chiến gần Bệnh viện Bạch Mai hôm 31/3. Ảnh: AFP.
Một phụ nữ xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong một trung tâm kiểm dịch dã chiến gần Bệnh viện Bạch Mai hôm 31/3. Ảnh: AFP.

Tuyên truyền và truyền thông rộng rãi cũng giúp Việt Nam thành công trong chiến dịch chống Covid-19. Ngay từ đầu, chính phủ đã thông tin rõ ràng tới người dân về bùng phát dịch.

Các trang web cập nhập liên tục thông tin về dịch bệnh, đường dây nóng và ứng dụng điện thoại được mở ra, cung cấp thông tin về tình hình mới nhất kèm tư vấn y tế. Bộ Y tế cũng thường xuyên nhắc nhở người dân qua tin nhắn SMS.

Ông Phạm Quang Thái cho hay trong một ngày cao điểm, chỉ riêng đường dây nóng quốc gia có thể nhận được 20.000 cuộc gọi, không tính đến hàng trăm đường dây nóng cấp tỉnh và cấp huyện.

Bộ máy tuyên truyền của Việt Nam cũng được huy động, nâng cao nhận thức về Covid-19 qua loa đài, áp phích đường phố, báo chí và truyền thông xã hội. Cuối tháng 2, Bộ Y tế phát hành một video ca nhạc hấp dẫn, dựa trên một ca khúc nổi tiếng để dạy người dân cách rửa tay đúng và những biện pháp vệ sinh khác để ngăn ngừa dịch bùng phát. “Bài hát rửa tay” lập tức nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, thu hút hơn 48 triệu lượt xem trên kênh YouTube.

Thwaites cho rằng kinh nghiệm phong phú của Việt Nam trong đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm, như dịch SARS từ năm 2002 tới 2003 và dịch cúm gia cầm sau đó, đã giúp chính phủ và người dân chuẩn bị tốt hơn cho Covid-19.

“Người dân có ý thức hơn với các bệnh truyền nhiễm so với những quốc gia khác giàu hơn hoặc chưa từng xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm như châu Âu, Anh và Mỹ”, ông nói. “Người dân cả nước hiểu rằng cần tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ hướng dẫn của chính phủ trong phòng chống lây nhiễm”.

(Theo CNN)

Bài mới
Đọc nhiều