+
Aa
-
like
comment

CNBC: Xuất hiện lí do bất ngờ khiến các doanh nghiệp toàn cầu bỏ Trung Quốc sang Việt Nam

Bảo Trâm - 01/10/2021 06:02

Trang CNBC vừa có bài viết nói về các doanh nghiệp nước ngoài sắp tháo chạy khỏi Trung Quốc tới Việt Nam bởi một lí do vô cùng bất ngờ: tình hình thiếu điện trở nên nghiêm trọng tại một số khu vực ở Trung Quốc.

Những khu công nghiệp khổng lồ của Trung Quốc phải tranh giành nhau để giữ chân các công ty nước ngoài

Theo CNBC, việc cắt điện đột ngột xảy ra ở một số khu vực của Trung Quốc thời gian gần đây đang thúc đẩy một số công ty nước ngoài rót đầu tư vào những quốc gia khác.

Cụ thể, nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc đã hạn chế sử dụng điện, giới hạn hoặc thậm chí ngừng hoạt động sản xuất của các nhà máy. Các biện pháp mới nhất được đưa ra khi đất nước này đối mặt với tình trạng thiếu than để sản xuất điện. Trong khi đó, chính quyền các khu vực đang chịu áp lực gia tăng trong việc tuân thủ lời kêu gọi của chính phủ trung ương nhằm giảm lượng khí thải carbon.

Một số công ty đang tỏ ra băn khoăn về việc đầu tư vào Trung Quốc, liệu có đúng hay không?“, Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective, một công ty tư vấn nói với CNBC.

Theo ông Johan Annell, các khoản đầu tư đã được lên kế hoạch của các doanh nghiệp nước ngoài trị giá tới hàng chục triệu USD. Mặc dù Trung Quốc vẫn được xem là một “điểm đến quyền lực” đối với lĩnh vực sản xuất nhưng các doanh nghiệp cũng đang tìm những địa điểm đầu tư thay thế ở Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam để tránh các rủi ro còn ở phía trước.

Mọi thứ hiện tại đều không chắc chắn. Không ai thực sự biết tình hình tổng thể (mất điện) sẽ phát triển như thế nào, sẽ được thực hiện như thế nào trong vài tháng tới tại các tỉnh thành phố“, trang CNBC trích lời ông Annell nói trong một cuộc trò chuyện với khoảng 100 các doanh nghiệp.

Theo CNBC, tuần trước, nhiều thành phố của Trung Quốc ở trung tâm xuất khẩu phía nam trải dài từ Quảng Đông đến Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, đã ra lệnh hạn chế sử dụng điện mà không thông báo với doanh nghiệp hoặc thông báo rất muộn. Các động thái đột ngột kể trên đã khiến một số nhà kinh tế Trung Quốc cắt giảm dự báo GDP của nước này trong năm.

Trong khi đó, theo dữ liệu chính thức được truy cập qua Wind Information, tỉnh Quảng Đông hiện là nơi sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu nhất ở Trung Quốc, vào khoảng 23% trong tổng lượng xuất khẩu trong năm nay tính đến tháng 8. Tỉnh Liêu Ninh đứng thứ 16 về giá trị xuất khẩu, chiếm 1,6% tổng giá trị cả nước.

Nếu sự không chắc chắn này chỉ trong ngắn hạn thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xử lý trong một tuần hoặc lâu hơn và bắt kịp lại sau đó. Vấn đề ở đây là sự không chắc chắn này có thể tiếp diễn trong hai quý tới“, ông Johan Annell nói.

Các nhà lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp Mỹ và châu Âu xác nhận việc thiếu điện đang ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư kinh doanh nước ngoài tại Trung Quốc. Ông Matt Margulies, phó chủ tịch phụ trách các hoạt động của Trung Quốc tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc cho biết: “Các công ty đều dựa vào sự ổn định chính sách và khả năng dự đoán”.

Ông nói: “Họ cần thông báo trước về việc gián đoạn cung cấp điện để đảm bảo an toàn và hoạt động kinh doanh liên tục. Họ cũng cần được tham vấn để tìm ra các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên liên quan. Phương pháp tiếp cận áp dụng cứng nhắc cho tất cả sẽ gây xáo trộn, tăng chi phí và làm giảm niềm tin vào thị trường“.

Thiếu điện, khiến các nhà máy tại Trung Quốc buộc phải ngừng hoạt động

Tổng công ty Lưới điện Nhà nước của Trung Quốc hôm thứ hai thì cho biết họ sẽ “dốc toàn lực để chiến đấu với cuộc chiến khó khăn về cung cấp điện”, nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trước đó, từ năm 2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo mục tiêu cắt giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ phát thải carbon liên quan tới hoạt động kinh tế vào năm 2030, và đưa ra các mục tiêu mới về tăng trưởng năng lượng tái tạo, diện tích rừng, giữa bối cảnh quốc gia này muốn đạt “đỉnh” về lượng khí phát thải trước khi kết thúc thập kỷ này.

Vì thế, các tỉnh ở Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện giảm mật độ năng lượng trong những tháng gần đây sau khi chịu sức ép gia tăng từ chính quyền trung ương. Trong nửa đầu năm nay, chỉ có 10 trong 30 chính quyền vùng đạt được mục tiêu này.

Chính quyền địa phương ở các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Vân Nam và Quảng Đông đã yêu cầu nhiều nhà máy hạn chế sử dụng điện hoặc hạn chế sản lượng. Đặc biệt, một số nhà cung cấp điện đã gửi thông báo đến các nhà máy yêu cầu tạm dừng sản xuất trong giờ cao điểm, hoặc tạm ngừng hoạt động hoàn toàn từ 2-3 ngày/tuần.

Một vài nhà máy bị yêu cầu đóng cửa cho đến khi có thông báo mới, điển hình như nhà máy chế biến đậu tương ở Thiên Tân, miền đông Trung Quốc buộc đóng cửa từ ngày 22/9.

Đồng thời, nhu cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đang tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục sau đại dịch. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu điện trở nên trầm trọng gây ảnh hưởng lớn đến các nhà máy sản xuất có mặt tại Trung Quốc.

Bảo Trâm (Theo CNBC)

Bài mới
Đọc nhiều