+
Aa
-
like
comment

CNBC: Việt Nam là “mỏ vàng” được các SPAC nhắm đến

Bảo Trâm - 18/07/2021 10:02

Trang CNBC vừa có bài viết nói về việc các startup ở giai đoạn “late stage” (giai đoạn công ty tăng tốc, thường để chiếm lĩnh thị trường và giành thị phần) khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPACs).

Các công ty SPAC đã thực sự đánh giá khu vực ASEAN là thị trường mục tiêu“, ông Vinnie Lauria, nhà sáng lập Golden Gate Ventures cho biết, hơn 40 SPAC hiện đang nhắm mục tiêu vào thị trường khu vực: chia sẻ trên kênh “Street Signs Asia” của CNBC. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư late-stage, bao gồm cả các quỹ đầu tư tư nhân cũng đang chuẩn bị rót vốn đầu tư vào khu vực.

Thập kỷ tới sẽ là giai đoạn rất cạnh tranh đối với các startup. Các doanh nghiệp cần phải mở rộng quy mô từ 5 lên 5.000 với tốc độ nhanh hơn nhiều, từ đó có thể đạt lợi thế cạnh tranh, cũng như tăng vốn”, ông Vinnie Lauria nói thêm với CNBC.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, hơn 6 tỷ USD đã được đầu tư vào các startup khu vực Đông Nam Á. Một số thương vụ đáng chú ý bao gồm J&T Express (Indonesia) vừa huy động được 2 tỷ USD vào tháng 4 năm nay, gấp 10 lần con số mà công ty huy động được trong những năm trước đó. Tháng trước, Carro – startup về sàn giao dịch ô tô cũ có trụ sở tại Singapore đã nhận 360 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C.

Ông Vinnie Lauria, sáng lập quỹ Golden Gate Ventures

Bên cạnh đó, các startup tên tuổi hơn trong khu vực cũng đang chuẩn bị lên sàn. Tháng 4 vừa qua, “gã khổng lồ” gọi xe Grab thông báo sẽ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua một SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) trong một thỏa thuận trị giá 39,6 tỷ USD. Đây là một trong những thương vụ lớn nhất từ trước đến nay. Hay như GoTo – startup kỹ thuật số được hợp nhất từ Gojek và Tokopedia cũng mục tiêu ra mắt công chúng vào cuối năm nay, theo CNBC.

Ông Lauria cho hay, số công ty trong danh mục đầu tư của Golden Gate Ventures đang ngày càng được nhiều SPAC tiếp cận. Song nhiều công ty trong số đó cho biết, họ chưa sẵn sàng IPO vì công ty đang ở giai đoạn có những lợi thế nhất định.

Nhiều công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi tin rằng sẽ IPO trong 1, 2 hoặc 3 năm nữa. Do vậy, hiện họ vẫn không quá vội vàng nhận lời các SPAC“, đại diện Golden Gate Ventures khẳng định.

Theo báo cáo của Golden Gate Ventures, đến cuối thập kỷ này sẽ có thêm nhiều startup khu vực Đông Nam Á xuất hiện. Số lượng các công ty IPO hàng năm tại Đông Nam Á sẽ vượt con số 300 vào năm 2030, gần gấp 3 lần số lượng các công ty IPO trong năm 2020.

Nội dung báo cáo cũng đánh giá Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ nổi lên trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022, với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các startup tại đây, theo CNBC.

Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội tại Việt Nam“, ông Vinnie Lauria nhận xét. Có rất nhiều cơ hội như vậy ở châu Á nhưng Việt Nam rất khác biệt. Điểm khác biệt lớn nhất của Việt Nam theo ông Vinnie là khát vọng đam mê học tập của người dân.

Danh sách các start-up Việt từng tìm kiếm cơ hội đầu tư từ Golden Gate Ventures

Ông Vivian cho rằng Đông nam Á và châu Á là cái nôi phát triển mạnh mẽ của start up. Việt Nam đã hấp dẫn Golden Gate Ventures từ 10 năm trước, quỹ đã nhìn thấy trước tinh thần doanh nghiệp khởi nghiệp ở VIệt Nam và nhận thấy khu vực Đông Nam Á có tiềm năng phát triển rất lớn. Co working phát triển mạnh mẽ tạo nền tảng quan trọng cho các doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp phát triển.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh trực tuyến bùng nổ. Ông Vinnie Lauria chỉ ra rằng, doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực như giao hàng thực phẩm, y tế từ xa, thương mại điện tử và fintech đang tăng trưởng mạnh mẽ. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

CNBC cũng trích dẫn báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company, khoảng 40 triệu người ở 6 quốc gia trong khu vực – Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan – tham gia trực tuyến lần đầu tiên vào năm 2020. Điều này đẩy tổng số người dùng internet ở Đông Nam Á lên 400 triệu. Theo đó, nền kinh tế internet của nhóm quốc gia này được dự đoán sẽ vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.

SPAC là một công ty rỗng (shell company) được các nhà đầu tư lập nên với mục đích duy nhất là huy động vốn thông qua một vụ IPO để cuối cùng thâu tóm một công ty khác

Bảo Trâm (Theo CNBC)

Bài mới
Đọc nhiều