+
Aa
-
like
comment

CIVICUS và đánh giá sai lệch về tình hình “xã hội công dân” tại Việt Nam

Komi - 10/12/2020 15:26

Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) – một tổ chức phi chính phủ được thành lập ở Nam Phi mới đây đã đưa ra một bản báo cáo thường niên, trong đó 4 quốc gia tại châu Á gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Lào và Việt Nam bị xếp hạng vào nhóm nước “đóng cửa” với “xã hội công dân”. Ngay lập tức, thông tin này được các thành phần chống Đảng, Nhà nước ráo riết chia sẻ nhằm tiếp tục cổ súy cho phong trào đòi cơ chế phát triển “xã hội công dân”, “xã hội dân sự” tại Việt Nam.

Có thể thấy, vấn đề “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân” được một bộ phận những người có tư tưởng chống Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và tìm mọi cách để đòi hỏi. Nguyên nhân do đây là một trong những “chiêu bài” để các đối tượng thực hiện “diễn biến hòa bình” tại Việt Nam.

Về cơ bản, khái niệm “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân” theo quan điểm của các học giả, tổ chức nước ngoài là những hoạt động tập thể tự nguyện, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân; tồn tại độc lập, dưới hình thức các tổ chức và thiết chế tự quản, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước, yếu tố thị trường và ngoài khu vực gia đình. Trong đó, nổi bật lên là quan niệm “không có NGO (tổ chức quần chúng, hội, đoàn thể…) thì không thể hình thành xã hội dân sự”.

Lợi dụng chính những quan điểm này, các cá nhân, hội nhóm có tư tưởng chống Đảng, Nhà nước luôn mong muốn thành lập các “tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam” để hình thành nên thế lực đối lập với Nhà nước, tiến tới lật đổ chính quyền. Phương thức, hình thái hoạt động này tương tự như đã diễn ra tại Đông Âu (trước đây) và các quốc gia vùng Trung đông (hiện nay).

Để dễ hình dung hơn, có thể kể đến một số “tổ chức xã hội dân sự” tự xưng tại Việt Nam, luôn tìm cách đòi được công nhận như “Tạp chí Luật Khoa”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội bầu bí tương thân”, “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”… Dù khuyếch trương bằng những cái tên mĩ miều xong hoạt động của những tổ chức này lại không hướng đến “nhân quyền”, không bảo vệ “bầu bí”, “anh em”, cũng chẳng nghiên cứu luật pháp, khoa học. Thay vào đó, họ chỉ mong muốn đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tập hợp lực lượng hòng thành lập nên lực lượng đối đầu với Đảng Cộng sản ngay trong lòng đất nước. Thậm chí, những tổ chức kiểu này còn có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức nước ngoài thường xuyên chống phá, hạ thấp uy tín, hình ảnh của Việt Nam như VOICE (Sáng kiến thể hiện lương tâm người Việt hải ngoại), RSF (Phóng viên không biên giới), AI (Ân xá quốc tế)…

Sự sai lệch của CIVICUS

Trước hết, CIVICUS đã sai lệch bản chất về các chủ thể tham gia “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân” tại Việt Nam. Như đã phân tích trước đó, một số “tổ chức xã hội dân sự” tự xưng tại Việt Nam, không được công nhận hoạt động, hoặc có một số cá nhân bị xử lý, cưỡng chế nhà nước là do thực hiện những hoạt động vi phạm pháp luật. Các cá nhân như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Quỳnh Thiên Trang, Grace Bùi… đều chỉ lợi dụng danh nghĩa hoạt động “xã hội dân sự” nhằm tiến hành các hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân. Việc buộc tội, xử lý những đối tượng này là hoàn toàn đúng pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Việc coi đây là hành động “tấn công của chính phủ” rõ ràng là sai lệch hoặc cố ý can thiệp vào luật pháp quốc gia. Pháp luật là thượng tôn và tuyệt đối không thể có bất kỳ một cá nhân, tổ chức (hội, nhóm) nào có thể đứng ngoài vòng pháp luật!

Thứ hai, CIVICUS sai lệch nghiêm trọng khi mô tả sự “đóng cửa” đối với “xã hội công dân”, “xã hội dân sự” tại Việt Nam. Dù không mang tên “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân” một cách thuần túy, các tổ chức “xã hội dân sự” tại Việt Nam vẫn đang tồn tại dưới nhiều hình thức như: tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp (Hội Luật Gia Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam…), tổ chức xã hội – nghề nghiệp (Hội Luật sư, Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam…), nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích; các tổ chức dịch vụ công không phải do Nhà nước lập ra… Các tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định của pháp luật và tích cực phối hợp hoạt động với Nhà nước.

Với thực tế này, phải khẳng định rằng “xã hội dân sự”, “xã hội công dân” đã và đang tồn tại, phát triển tại Việt Nam chứ không bị “ngăn cấm, đóng cửa” như những lời cáo buộc vô căn cứ.

Cuối cùng, CIVICUS còn đưa vào bản báo cáo sự khẳng định rằng một số quốc gia coi đại dịch Covid-19 là “cơ hội để củng cố quyền lực”, “biện minh cho sự trấn áp”… Cái lý lẽ này không biết giành cho quốc gia nào nhưng để nói về Việt Nam thì một lần nữa CIVICUS lại mắc sai lầm nghiêm trọng. Để hiểu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam được nhân dân ủng hộ đến đâu thì CIVICUS phải tìm hiểu thêm qua những tin tức quốc tế chính thống hoặc đến trực tiếp Việt Nam để biết, chứ không nên đánh giá chủ quan thế này.

Với tất cả những lý do như vậy, thật dễ hiểu vì sao mà “xã hội dân sự” hay “xã hội công dân” đến nay vẫn chỉ có một số ít, một nhóm nhỏ quan tâm, đòi hỏi mà không phải là vấn đề của cộng đồng. Những công dân tốt, chấp hành nghiêm pháp luật vốn dĩ đã được chọn, được tham gia “xã hội công dân”, “xã hội dân sự” một cách công khai, được công nhận và vì cộng đồng. Chỉ những kẻ vì tư lợi cá nhân, bất chấp luật pháp hòng chống chính quyền mới đang loay hoay đòi hỏi một xã hội dân sự biến tướng, biến chất mà thôi.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều