Chuyện về những người tiếp quản 16 tấn vàng ngày giải phóng
Những ký ức về việc tiếp quản khối tài sản 16 tấn vàng từ chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính năm xưa.
Cách đây 45 năm, trong ngày vui đại thắng của dân tộc – giải phóng miền Nam, các cán bộ chiến sĩ của đoàn C282.Q đã được nhận nhiệm vụ đặc biệt là tiếp quản hệ thống Ngân hàng Quốc gia cùng nhiều ngân hàng thương mại khác, bảo vệ khối tài sản khổng lồ, đặc biệt là 16 tấn vàng từ chế độ cũ Việt Nam Cộng hòa. Tuy thời gian đã lùi xa nhưng những ký ức về việc tiếp quản khối tài sản ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính năm xưa.
Nhiệm vụ đặc biệt
Cầm trên tay tờ bảng kê tài sản đã úa vàng theo thời gian, bằng giọng nói hào sảng, người cựu chiến binh Hoàng Minh Duyệt, nguyên là Chỉ huy phó của Đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia ngày giải phóng, kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hào hùng của chiến tranh và về một nhiệm vụ đặc biệt mà ông cùng với 33 người đồng đội của mình đã được Tổ quốc tin tưởng giao phó trong ngày mà cả dân tộc hòa chung vào niềm vui chiến thắng.
Còn nhớ, tháng 12/1974, C282.Q Công an nhân dân vũ trang (đơn vị B17 tại Hà Tĩnh) nhận lệnh hành quân vào Nam để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Những chàng trai khi ấy mới đang tuổi đôi mươi hăm hở lên đường, mang trong mình quyết tâm và ý chí đánh giặc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đường đi từ Bắc vào Nam trải qua nhiều khó khăn, trắc trở, có lúc phải di chuyển vào ban đêm, qua những đoạn rừng dọc núi quanh co, bụi đường mịt mù, cũng có lúc ông Duyệt cùng đồng đội còn phải hành quân trên đất bạn Campuchia. Nhưng những gian khổ kia làm sao có thể sánh bằng giây phút hạnh phúc và sung sướng khi hai miền Bắc-Nam về chung một nhà. Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. C282.Q được giao làm nhiệm vụ đi đầu để bảo vệ đoàn của Trung ương Cục miền Nam tiến về Sài Gòn. Các xe đều được trang bị súng chống tăng B41, sẵn sàng chiến đấu nhưng đơn vị của ông Duyệt không phải dùng tới một viên đạn nào.
“Thật sự mà nói những ngày đó, khi đất nước ngừng tiếng súng là chúng tôi đã sướng lắm rồi. Không thể tả nổi niềm vui sướng đó. Không biết nước mắt ở đâu mà đứa nào cũng đỏ hoe, không phải chỉ 1 ngày mà 2- 3 ngày”- ông Duyệt kể.
Sáng sớm ngày 1/5/1975, đơn vị C282.Q được giao nhiệm vụ vào tiếp quản và bảo vệ Ngân hàng Quốc gia ở số 17 Bến Chương Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TPHCM ở số 8 đường Võ Văn Kiệt, Quận 1). Thời điểm mới đến tiếp quản, ông Duyệt cùng đồng đội chỉ biết đây là mục tiêu cần bảo vệ nghiêm ngặt trong những ngày đầu giải phóng. Chỉ khi tham gia nhóm kiểm kê, ông cùng với Chỉ huy trưởng là ông Đặng Hồng Minh và Chính trị viên là ông Bùi Bá Lân mới biết đến sự tồn tại của 16 tấn vàng cùng khối tài sản khổng lồ vốn là ngân khoản dự trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, các thành viên trong ban chỉ huy đã thông tin cho anh em trong đơn vị được biết để cùng nhau chung sức bảo vệ “huyết mạch kinh tế” của quốc gia.
Phẩm chất người bộ đội cụ Hồ
Trong ký ức về nhiệm vụ đặc biệt ấy, ông Hoàng Minh Duyệt không bao giờ quên được khoảnh khắc khi cùng nhóm kiểm kê, đặt chân vào tầng hầm dự trữ của Ngân hàng Quốc gia, bởi đây là lần đầu tiên trong đời, ông nhìn thấy vàng nhiều đến thế. 1.234 thoi vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng khoảng 12-14kg, tất cả đều khắc số hiệu và tuổi vàng. Ngoài ra còn có ngoại tệ, các đồng tiền vàng cổ, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau. Tất cả đều được đặt trong những chiếc tủ sắt đặt trong hầm chứa.
“Khi tiếp quản Ngân hàng Quốc gia, tay sờ, mắt thấy số lượng vàng và tiền rất quý giá. Nhưng anh em chúng tôi không hề có ý nghĩ lấy đồng xu cắt bạc trong đó làm của riêng”- ông Duyệt nói.
11 tháng, kể từ khi tiếp quản Ngân hàng Quốc gia cho đến khi bàn giao lại lại tài sản cho cán bộ phụ trách mới vào tháng 3/1976, công việc của những người lính trẻ trong khoảng thời gian này tuy có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế hết sức hiểm nguy và đầy cám dỗ. Không chỉ xử lý sự quấy phá của tàn dư địch, lo lắng với nạn trộm cướp mà còn phải đối mặt với ma lực của đồng tiền. Việc 16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ cùng các tài sản khác được bảo quản nguyên vẹn chính là một điều ngoạn mục, minh chứng cho tình yêu đất nước và phẩm chất cao quý của người bộ đội cụ Hồ. Khẳng định rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bom rơi đạn lạc hay đứng trước sự mê hoặc của vật chất, họ vẫn luôn giữ vững tinh thần, đặt lợi ích của nhân dân, của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Dũng – một chiến sĩ thuộc Đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia năm ấy cho hay, trong đoàn quân tiếp quản, ai cũng một lòng hướng về Tổ quốc, lao động miệt mài và đầy trách nhiệm.
“Hồi đó tất cả anh em trong đơn vị luôn tâm niệm giữ gìn tài sản quốc gia. Công tác bảo vệ là an toàn tuyệt đối, nội bất xuất ngoại bất nhập. Chỉ huy điều đi đâu cũng đi hết, không nề hà, bất kể đêm ngày để không xảy ra bất cứ điều gì”- ông Dũng kể.
Đồng lòng với ông Hoàng Minh Duyệt và ông Nguyễn Xuân Dũng, người đồng đội Đặng Tài Ô chia sẻ: cả đơn vị khi ấy có thể nói là “ngồi trên một đống vàng”, nhưng sự trăn trở, niềm khao khát về một tương lai đủ đầy cho đồng bào còn nặng hơn số vàng 16 tấn kia gấp nhiều lần.
“Khi biết ở dưới có vàng, bản thân thấy rằng đây là trọng trách rất nặng nề. Nhưng anh em cũng rất vui mừng sung sướng vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ huyết mạch kinh tế lớn của đất nước, đảm bảo tài sản được an toàn để góp phần giúp cho Nhà nước tiếp tục quản lý và phát triển đất nước sau khi hoàn toàn giải phóng”- ông Đặng Tài Ô nói.
Sau giải phóng miền Nam, hoàn thành nhiệm vụ, những người lính năm ấy bây giờ mỗi người một nơi, dù hoàn cảnh khác nhau nhưng chắc chắn những ký ức về một thời hào hùng, về nhiệm vụ đặc biệt ngày đầu giải phóng vẫn luôn hiện diện trong tâm thức của những người lính cụ Hồ, của những người con Cách mạng. Câu chuyện về những người tiếp quản 16 tấn vàng năm xưa và phẩm chất của họ sẽ luôn được trân trọng, lan tỏa.
Hà Anh/VOV