+
Aa
-
like
comment

Chuyện về “hàng rào kỹ thuật chống di dân” của GS Đặng Hùng Võ

sông trà - 25/11/2019 17:56

Với dân, đồng tiền thuế nào cũng là từ mồ hôi nước mắt mà ra cả và họ sẽ không im lặng đâu trước những ý kiến có mùi như thế này.

Mới đây, GSTS Đặng Hùng Võ –  nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gây xôn xao dư luận khi đề xuất áp mức thuế cao để những người sống ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội phải có thu nhập cao mới “trụ” lại được.

Hàng rào kỹ thuật chống di dân của GS Đặng Hùng Võ

Theo đó, ngày 22/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Tại buổi hội thảo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, chính quyền hai thành phố lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang muốn điều chỉnh dòng người di cư vào nội đô. Thực tế, trước đây hai thành phố này đã áp dụng nhiều biện pháp bằng quyết định hành chính hay pháp luật để ngăn chặn làn sóng di cư vào nội đô tuy nhiên không có kết quả.

GS Đặng Hùng Võ đề xuất “hàng rào kỹ thuật chống di dân” gây tranh cãi

Do đó, để hạn chế người dân di cư vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên dùng rào cản kỹ thuật, tức tăng thuế để chỉ có người thu nhập cao mới “trụ” được ở hai thành phố lớn này.

Rào cản kỹ thuật ở đây, theo GS Đặng Hùng Võ là áp mức thuế cao để những người sống ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội phải có thu nhập cao mới “trụ” được. Chứ với cách làm hiện tại khiến người dân ở địa phương đổ về hai thành phố này theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống, mà không phải đóng đồng thuế nào”.

“Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư. Chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng lên 40 – 50 triệu người mà không cách gì cản được” –  GS Đặng Hùng Võ nói.

Theo số liệu mới nhất được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 hôm 11/7, tính đến thời điểm ngày 1/4/2019, dân số Việt Nam là hơn 96,2 triệu người. Trong số này, dân số ở thành thị gần 33,1 triệu người; ở nông thôn là 63,1 triệu người.

Số liệu này cũng công bố dân số Hà Nội là 8,05 triệu dân; TP Hồ Chí Minh có 8,99 triệu dân. Mật độ dân số năm 2019 ở TP.HCM là 4.363 người/km2, còn Hà Nội là 2.398 người/km2. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang là địa phương có dân số đông nhất cả nước cũng tạo ra những áp lực nhất định về mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội.

Nhìn nhận một cách tỉnh táo thì cần hạn chế sự nhập cư không kiểm soát.

Vì bất cứ nơi đâu mà tăng dân số quá nhanh cũng gây nên nhiều hệ lụy lên hệ thống hạ tầng cơ sở như giao thông, trường học, bệnh viện, môi trường và cả sự sống của người dân địa phương.

Sự tập trung quá lớn dân cư có thể làm gia tăng khả năng kinh tế tại một khu vực nhưng là sự mất cân đối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự phụ thuộc vào một vài thành phố lớn cho cả đất nước.

Tuy nhiên, việc đề xuất dùng rào cản thuế để quản lý vấn đề dân di cư vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh như GS Đặng Hùng Võ là không ổn chút nào. Bởi đề xuất này chẳng khác nào kiểu như ta đánh thuế từ người nghèo, bỏ qua người giàu.

Phân biệt đối xử

Có thể hiểu những bức xúc của dư luận và các chuyên gia là điều dễ hiểu.  Bởi, có những người dân sống bao nhiêu đời của những thành phố lớn chưa hẳn ai cũng có cuộc sống và kinh tế khá giả, bỗng nhiên họ phải chịu chung áp mức thuế cao? Cuối cùng thì chỉ những người thu nhập cao, giàu có tồn tại ở thành phố, người thu nhập thấp không có chỗ?

Còn, người lao động ở các tỉnh lẻ, vùng khó khăn thì sao? Chẳng phải, người miền Tây đa số là nông dân trồng lúa, hoa màu, khi được mùa thì mất giá, khi thì mất mùa, cuộc sống bấp bênh. Miền Trung và các tỉnh lẻ miền Bắc thời tiết khắc nghiệt, kinh tế địa phương không phát triển, công việc làm không có hoặc có nhưng đồng lương thấp.

Cuộc sống khó khăn người dân phải tìm cách kiếm sống những nơi khác, làm thuê, công nhân… khác, đánh thuế kiểu như ông thì dồn họ vào bước đường cùng và xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân.

Tức là, cá nhân nguyên Thứ trưởng cũng không đặt câu hỏi tại sao ngày càng nhiều người dân miền Tây, miền Trung di cư vào Sài Gòn kiếm sống, cũng như nhiều người dân ở các tỉnh lẻ của miền Bắc phải xách ba lô xuống Hà Nội để tìm công ăn việc làm.

Nên ngay chính nội hàm của cái đề xuất ấy, cá nhân ông Đặng Hùng Võ đã không đặt bản thân mình ở vị trí của người dân, nhất là tầng lớp dân, người lao động có thu nhập trung bình, trung bình thấp, cũng không quan tâm đến đó là người bản địa hay người di cư.

Vâng! Thuế cao, để những người thu nhập cao mới trụ được. Và tránh “đổ về” dòng nhập cư đối với những người “bám vỉa hè”. Dường như ngay trong chính phát ngôn này cũng hàm chứa sự phân biệt đối xử, mà oái oăm thay, thước đo lại chỉ là tiền, tiền nhiều và tiền ít.

Nói thẳng ra, tại sao và từ bao giờ ,có luật pháp hay lý thuyết khoa học nào đã nói đến tiêu chuẩn tiền – ít hoặc tiền nhiều để được hoặc không được sống ở thành phố?

Dĩ nhiên, phần đông dư luận không đồng tính với đề xuất của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, có người bức xúc khi nói: “Nói như ông thì những người nghèo sinh ra và lớn lên ở Hà nội và TP Hồ Chí Minh cũng không trụ được phải đi nơi khác à. Hai nước phát triển nhất châu Á, thành phố Tokyo, Seul dân số chiếm gần một nửa dân số của Nhật và Hàn Quốc đấy. Ông này lúc còn thứ trưởng đã làm không ra gì rồi, giờ lại lên đây chém gió”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ sự không đồng tình, rằng: “Việc tự do đi lại, cư trú của công dân đã được pháp luật bảo hộ và hiện nay, còn rất nhiều người dân nhập cư ở các đô thị đang gặp khó khăn, điều kiện cuộc sống, học hành, sinh sống của gia đình, con cái không đảm bảo do không có hộ khẩu. Thế mà, giờ lại “đẻ” thêm ra loại thuế để gạt họ ra khỏi đô thị thì không đúng, không phù hợp, tạo sự không công bằng, bất bình đẳng trong đối xử giữa người giàu – người nghèo”.

Người dân muốn đặt thêm vấn đề ở đây là: Tại sao các vị không đề xuất cách tạo công ăn việc làm, cách phát triển kinh tế địa phương hay đề xuất cách hỗ trợ đầu ra dài hạn và ổn định cho người nông dân? Nếu được như vậy thì chẳng ai muốn rời quê xa chồng, vợ xa con, bỏ cha mẹ già để tha phương kiếm sống.

Khách quan mà nói, đô thị hoá là quá trình không thể tránh khỏi, và mặt trái của quá trình đô thị hóa quá nhanh thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Quá trình công nghiệp hóa và di dân sẽ kéo theo đô thị hóa tự phát, đô thị sẽ mở rộng và dân số hội tụ trong khu vực đô thị sẽ ngày một gia tăng…

Do đó để xảy ra tình trạng “nghẽn” đô thị như hiện nay lỗi này nằm ở vấn đề quy hoạch của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, chứ không hẳn do quá trình di dân.

Theo đó, như  Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói thì thay vì tăng thuế để hạn chế dân di cư ở các đô thị thì cần phải sớm tiến hành việc đánh thuế tài sản, nhất là về nhà cửa, bất động sản. Việc đánh thuế tài sản, nhất là bất động sản sẽ giúp tạo nên mặt bằng giá hợp lý hơn và cũng đỡ đi sự phát triển quá mức, dẫn đến thừa, lãng phí chung cho đất nước, nền kinh tế.

Chứ không thể “dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư” như vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường đề xuất. Chả biết ông giỏi và có tầm đến độ nào, nhưng đề xuất trên là đang dồn dân nghèo vào tận cùng với bao mức thuế họ đã phải chịu rồi.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều