+
Aa
-
like
comment

Chuyện về chuyến bay được cấp phép 4 giờ trước lúc cất cánh

17/08/2020 08:28

Đến khoảng 17h ngày 9/2 (trước giờ máy bay khởi hành từ Việt Nam 4 tiếng), bạn mới thông báo qua điện thoại về việc cấp phép cho chuyến bay của Việt Nam. Chính sách đặt con người ở vị trí cao nhất, đảm bảo an toàn cho mọi công dân Việt Nam trở về từ vùng dịch đã khiến mọi người dân tin tưởng và thấu hiểu “Tổ quốc không bao giờ bỏ rơi chúng ta”.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan kể lại chuyện về chuyến bay được cấp phép 4 giờ trước lúc cất cánh

Tại Bàn tròn trực tuyến do Tuần Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thị Hương Lan Phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) chia sẻ những câu chuyện hậu trường trong công tác bảo hộ công dân thời đại dịch Covid-19.

Chiến dịch di chuyển công dân khỏi tâm dịch Hồ Bắc

PV: Hẳn nhiều độc giả chưa quên về chiến dịch di chuyển công dân Việt Nam ra khỏi tâm dịch Hồ Bắc, Trung Quốc hồi đầu tháng 2 khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất căng thẳng. Bà có thể chia sẻ những câu chuyện chi tiết với độc giả?

Ngay từ khi báo chí Trung Quốc thông tin về dịch bệnh, ngày 14/1, Cục Lãnh sự đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân.

Chúng tôi giữ liên hệ với số lưu học sinh Việt Nam và người Việt Nam có mặt tại Trung Quốc, nhất là TP Vũ Hán để động viên, thăm hỏi và phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh đang được cơ quan y tế Trung Quốc khuyến cáo áp dụng; Tổng hợp danh sách công dân Việt Nam đang ở Trung Quốc, hỗ trợ các công dân bị mắc kẹt xin gia hạn thị thực; Gặp và trao công hàm cho đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị coi trọng, chỉ đạo các địa phương áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho công dân Việt Nam đang có mặt tại Trung Quốc.

Cục Lãnh sự đã chủ trì, tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành để trao đổi về kế hoạch chi tiết đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc (TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) về nước.

Đêm 9/2, Cục Lãnh sự tổ chức đoàn công tác do Cục trưởng Vũ Việt Anh làm trưởng đoàn trực tiếp đến sân bay Vân Đồn triển khai các công tác đón 30 công dân ta từ Vũ Hán. Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương theo dõi sát lịch trình di chuyển của các công dân từ các nơi tại Trung Quốc đến khu vực tập trung lên máy bay về nước…

Để triển khai thành công chuyến bay này, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã phải xử lý rất nhiều thủ tục như: Thu thập nguyện vọng của công dân về nước; Chốt danh sách, gửi về các cơ quan chức năng trong nước; Gửi công hàm cho cơ quan chức năng của Trung Quốc để xin cấp phép bay; Xây dựng kế hoạch, thu xếp phương tiện, nhu yếu phẩm, thiết bị phòng hộ y tế, nơi ăn ở, địa điểm tập kết công dân tại Hồ Bắc; Can thiệp với Sở Ngoại vụ tỉnh Hồ Bắc để hỗ trợ công dân được phép đi qua các trạm kiểm soát, kịp đưa ra sân bay theo đúng kế hoạch.

Chuyện về chuyến bay được cấp phép 4 giờ trước lúc cất cánh
Các công dân Việt Nam trở về quê hương sau những ngày dài thấp thỏm, âu lo tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Báo Quốc tế

Liên quan đến cấp phép bay, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã liên tục tác động qua kênh ngoại giao để bạn sớm có thông báo chính thức về phép bay. Tuy nhiên, phía bạn cho biết các thủ tục tại Trung Quốc phải qua nhiều khâu, sân bay Vũ Hán đang phải tập trung cho các máy bay đã đăng ký từ trước.

Đến khoảng 17h ngày 9/2 (trước giờ máy bay khởi hành từ Việt Nam 4 tiếng), bạn mới thông báo qua điện thoại về việc cấp phép cho chuyến bay của Việt Nam.

Sau khi chuyến bay HVN68 hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh lúc 5h4 phút sáng 10/2, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng làm thủ tục khử trùng và kiểm tra y tế theo đúng quy định phòng dịch cho 30 công dân (đặc biệt, trên chuyến bay có 1 nữ hành khách đang mang thai 8 tháng). Các công dân đều có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần tốt và được đưa về bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cách ly theo quy định.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

PV: Với chủ trương nhân văn và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bà có cho rằng công tác bảo hộ công dân Việt Nam đã trở thành điểm nhấn trong nỗ lực phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ, đưa Việt Nam thành một điểm sáng trong dư luận quốc tế?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau và tinh thần bám trụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra phức tạp, hàng loạt các quốc gia phong tỏa, ngăn chặn công dân nước ngoài xuất/nhập cảnh, công tác bảo hộ công dân tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất, nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đảm bảo sức khỏe cho bà con, đưa những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trở về quê hương.

Chuyện về chuyến bay được cấp phép 4 giờ trước lúc cất cánh
Bà Nguyễn Thị Hương Lan Phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)

Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ: Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không của Việt Nam đưa về nước 1.255 công dân ta bị kẹt tại các sân bay quốc tế; tổ chức 84 chuyến bay đưa gần 21.000 công dân từ khoảng 50 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước trên tổng số hơn 50.000 công dân có nguyện vọng đăng ký (khoảng 42%).

Dự kiến, từ nay đến hết ngày 30/8, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức 34 chuyến bay đưa thêm hơn 10.000 công dân về nước. Như vậy theo kế hoạch đến 30/8, ta sẽ tổ chức được tổng cộng khoảng 118 chuyến bay đưa hơn 31.000 công dân trên hơn 50.000 công dân có nguyện vọng về nước (khoảng 63%).

PV: Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu về nước của công dân ta ở nước ngoài?

Dịch Covid-19 đã diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, lây lan tại hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội trên toàn thế giới. Như mọi người đã biết, có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài.

Một số lượng lớn công dân, chủ yếu là đối tượng dễ bị tổn thương như các cháu học sinh, sinh viên, phụ nữ, người già, người bệnh hiểm nghèo hay các đối tượng là lao động mất việc làm; người bị kẹt lại do hết hạn thị thực, hết hạn lưu trú… có nhu cầu về nước.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường, số ca nhiễm bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.

Nhu cầu về nước của công dân ta ở nước ngoài ngày càng lớn, chủ yếu là các em học sinh, sinh viên không còn chỗ ăn ở học tập do trường học, ký túc xá đóng cửa; hay các lao động bị cắt hợp đồng; người già, người bị bệnh lý nền hết thời gian điều trị bệnh ở nước ngoài; người đi du lịch thăm thân bị kẹt ở nước ngoài…

Thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là tạo điều kiện đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng và thiết thực theo thứ tự ưu tiên phù hợp và khả năng đáp ứng yêu cầu cách ly trong nước, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan, sử dụng mọi nguồn lực, khả năng trong nước để triển khai các chuyến bay đưa công dân tại các “điểm nóng” ở nước ngoài về nước trong thời gian sớm nhất.

Không giới hạn địa bàn

PV: Đội ngũ cán bộ ngoại giao đã nỗ lực như thế nào cho công tác bảo hộ công dân khi đại dịch chưa có dấu hiệu chững lại, thưa bà?

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới, với phương châm bảo hộ công dân chủ động, nhanh chóng, hiệu quả, Cục Lãnh sự luôn ưu tiên triển khai một số công việc cụ thể:

Tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình, số liệu công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua các kênh liên lạc hiệu quả hiện thời, đặc biệt là tập hợp, thống kê số người có nhu cầu về nước để triển khai các biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Đẩy mạnh hợp tác với sở tại để kịp thời trao đổi, phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam; Phân cấp mức độ ảnh hưởng, tính cấp thiết của vấn đề tại từng khu vực để đề xuất phương án đưa công dân về nước hợp lý, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Bên cạnh đó, Cục Lãnh sự thường xuyên phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đề nghị các nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để công dân ta được tiếp cận và đảm bảo các điều kiện về y tế, an ninh, an toàn cũng như các hỗ trợ cần thiết khác như thủ tục, giấy tờ liên quan để đưa công dân về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cùng với phương châm “chống dịch như chống giặc”, để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Ngoại giao trong vai trò thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Cục Lãnh sự tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai công tác bảo hộ công dân theo tinh thần phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó, không có giới hạn về địa bàn, đảm bảo các yêu cầu cách ly, giám sát y tế phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Chuyến bay đặc biệt với hơn nửa hành khách nghi nhiễm Covid-19
Bà Nguyễn Thị Hương Lan Phó cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)

Cán bộ ngoại giao phải tự cách ly

PV: Công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài giữa đại dịch có gặp khó khăn nào không?

Dịch bệnh Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế trên toàn thế giới chưa từng có tiền lệ trong thời hiện đại, đặt ra rất nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân.

Trước hết, dịch bệnh khiến nhiều cơ quan đại diện ta ở nước ngoài gặp khó khăn về nguồn nhân lực. Không phải cơ quan nào cũng có cán bộ chuyên trách bảo hộ công dân. Một số cán bộ ngoại giao phải tự cách ly vì tiếp cận nhóm đối tượng F1, F2.

Thứ hai, việc tổ chức các chuyến bay cũng có nhiều phức tạp; có nơi rất khó xin phép bay, trong khi có nơi các chuyến bay lại phải tổ chức ở những địa điểm rất hẻo lánh, xa xôi để có thể đón tối đa công dân.

Thứ ba, khó khăn trong việc triển khai công tác bảo hộ công dân do ảnh hưởng của Covid-19 mà công dân ta thường gặp hoặc có nguy cơ nhiễm Covid-19 nhưng khó tiếp cận dịch vụ y tế; Hết hạn thị thực trong khi không thể về nước; Bị nước ngoài trục xuất do vi phạm pháp luật; Bị nhiễm Covid-19 và cần được hỗ trợ điều trị; Giai đoạn đầu dịch mới bùng phát ở các nước châu Á, công dân ta nói riêng và người châu Á nói chung bị kỳ thị, coi là nguồn lây bệnh.

Thứ tư, vấn đề quản lý biên giới đất liền đặc biệt trong tháng 3-4/2020 khi đánh giá khả năng công dân ồ ạt về nước với số lượng vài nghìn người/ngày, tạo ra sức ép rất lớn đối với công tác kiểm soát, tiếp nhập, cách ly.

Không chấp hành cách ly bị xử lý theo quy định pháp luật

PV: Phó cục trưởng Cục Lãnh sự đưa ra khuyến cáo gì với bà con ta ở nước ngoài?

Trong giai đoạn triển khai công tác đưa công dân về nước, một số chuyến bay đã phát hiện có công dân Việt Nam bị nhiễm bệnh (chuyến bay trở về từ Nga về nước ngày 13/5; chuyến bay từ UAE về ngày 3/5; chuyến bay từ Guinea Xích Đạo về…), phần nào đó cũng gây tâm lý căng thẳng trong công tác phòng chống dịch.

Nhu cầu về nước là quyền lợi chính đáng của mỗi công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài, nhưng để đồng lòng chia sẻ với những nỗ lực cũng như khó khăn của Việt Nam hiện nay (nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch bệnh), bà con ta cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra quyết định đúng đắn có nên về nước hay không trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Cụ thể là đánh giá tình hình phòng chống dịch tại các nước/vùng lãnh thổ đang sinh sống; rủi ro trên các chuyến bay di chuyển về nước..

Ngoài ra, bà con ta ở nước ngoài cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có). Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết có thể bị phía nước ngoài từ chối cho quá cảnh hoặc xuất cảnh.

Đối với những người từ nước ngoài trở về hoặc về từ/đi qua vùng có dịch cần: Thực hiện khai tờ khai y tế chính xác, trung thực khi nhập cảnh; Chấp hành nghiêm túc việc giám sát y tế và cách ly 14 ngày theo quy định. Những hành vi che giấu, không khai báo, cố ý cung cấp thông tin sai sự thật, không chấp hành cách ly sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Những người vì lý do bất khả kháng, phải trở về Việt Nam trong thời gian này cần thường xuyên kiểm tra cập nhật quy định của nước sở tại và của các hãng hàng không vận chuyển; Đảm bảo có đầy đủ giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để có thể thực hiện chuyến đi…

PV: Làm thế nào để công tác bảo hộ công dân luôn là điểm tựa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thưa bà?

Cục Lãnh sự thường xuyên phối hợp các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiến hành nhiều biện pháp bảo hộ công dân ở nước ngoài.

Còn ở trong nước, Cục đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Việc thông tin, tuyên truyền nhanh, đúng, đủ tới công dân, để công dân hiểu rõ và tin tưởng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong công tác bảo hộ công dân, ủng hộ phối hợp thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.

Tính từ đầu năm đến nay, Bộ Ngoại giao đã phát đi hơn 50 bản tin bảo hộ công dân, hơn 100 câu trả lời của người phát ngôn tại họp báo thường kỳ cũng như trả lời riêng có liên quan đến đại dịch Covid-19 và công tác bảo hộ công dân…

Chuyến bay đặc biệt với hơn nửa hành khách nghi nhiễm Covid-19
Các công dân từ Guinea Xích Đạo được đưa về nước. Ảnh: TTXVN

Chuyến bay đặc biệt

PV: Các cán bộ ngoại giao đã nỗ lực như thế nào để phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thành công chuyến bay đưa 219 công dân Việt Nam với hơn 120 người dương tính với Covid-19 từ Guinea Xích Đạo về nước?

Ngay từ khi tiếp nhận thông tin, Cục Lãnh sự đã chủ động phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đề nghị các cơ quan chức năng sở tại đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các công dân tại Guinea Xích Đạo. Chúng tôi đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước và các phương án cách ly nhằm tránh việc lây lan dịch bệnh. Chuyến bay này rất đặc biệt khi có hơn 120 người dương tính với Covid-19.

Việc tổ chức chuyến bay ở quốc gia không có cơ quan đại diện Việt Nam trong bối cảnh các nước ở châu Phi đang áp dụng chính sách hạn chế đi lại cũng khiến công tác bảo hộ công dân của các cán bộ ngoại giao ta ở Angola khá vất vả.

Công tác tác xây dựng các phương án và kế hoạch tổ chức chuyến bay đưa những công dân nêu trên về nước được các bộ, ngành phối hợp và lên phương án cụ thể để làm sao việc đón các công dân về nước được an toàn và giảm thiểu việc lây lan trong quá trình bay xuống mức thấp nhất.

Ngoài phương án đưa về, việc tiếp nhận và chữa trị cho các công dân bị nhiễm bệnh, những người đi cùng và phi hành đoàn cũng được bố trí rất cẩn thận, chi tiết. Trên chuyến bay đón công dân từ Guinea Xích Đạo về nước, toàn bộ công dân và phi hành đoàn sau khi về đến Việt Nam được sử dụng phương tiện chuyên dụng để đưa về bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ 2 theo dõi, điều trị và cách ly.

PV/VVN

Bài mới
Đọc nhiều