Chuyện văn bản pháp quy “thò ra thụt vô” hay kỉ cương phép nước không nghiêm?
Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) ra thông báo hủy quyết định xem xét kỷ luật 13 cán bộ liên quan đến vụ gian lận thi năm 2018 ngày 9/9/2019.
Trước đó, trong thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật công chức, Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Qua những sai phạm xảy ra ở 3 địa phương, Bộ GD-ĐT nhận thấy còn có những thiếu sót về công tác xây dựng, ban hành văn bản và chỉ đạo tổ chức kỳ thi; công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi; công tác tổ chức chấm trắc nghiệm và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cũng cho biết: “Căn cứ kết quả kiểm điểm của các đơn vị, có 13 cá nhân có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước liên quan đến tổ chức kỳ thi”.
Bởi thế, thông báo ngày 9/9 của Bộ GD-ĐT như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin của dư luận vừa mới lóe lên trước thông tin 13 cán bộ trong đó có Cục trưởng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Vụ trưởng các vụ Pháp chế, Giáo dục Trung học, Chánh và Phó Chánh Thanh tra Bộ sẽ bị kỉ luật, dẫu vẫn biết rằng đấy chỉ mới là động tác “tắm” từ vai trở xuống.
Vụ gian lận thi 2018 phải nói là hết sức nghiêm trọng. Sự bức xúc của dư luận ngày càng tăng khi vụ việc bị xử lý dây dưa, kéo dài theo kiểu câu giờ, trốn tránh trách nhiệm. Hai “thành trì bất khả xâm phạm” đang là tâm điểm chú ý của dư luận là Hà Giang và… Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, trong khi Hà Giang vẫn im hơi lặng tiếng việc xử lý kỷ luật cán bộ, Đảng viên vi phạm dính đến vụ gian lận thi 2018 thì Bộ GD-ĐT bỗng có quyết định bất ngờ.
Ngày 21/08/2018 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành Thông báo số 878/TB-BGDĐT “Về việc xem xét kỷ luật công chức”. Cùng ngày Bộ trưởng ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT về việc thành lập 13 “Hội đồng kỷ luật công chức” thuộc Bộ.
Ngày 22/08/2019, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành công văn số 3817/BGDĐT-TCCB triệu tập những cá nhân vi phạm đến dự phiên họp Hội đồng kỷ luật công chức vào lúc 8g00 ngày 04/09/2019.
Dư luận phấp phỏng chờ đợi. Thế nhưng trớ trêu thay, “lệnh ông không bằng cồng bà”, ngày 29/08/2019, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có văn bản số 818/TTr-HCTH “phản pháo” lãnh đạo Bộ.
Trong văn bản số 818/TTr-HCTH, Thanh tra bộ đề nghị: “Hủy bỏ Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21/08/2018” của Bộ Giáo dục và Đào tạo với lý do, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 thuộc về một số cán bộ, công chức ở địa phương, còn cán bộ thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi “đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm”.
Trước sự “phản pháo” của “Tập thể lãnh đạo Thanh tra”, Bộ buộc phải hủy quyết định xem xét kỷ luật 13 cán bộ liên quan đến vụ gian lận thi năm 2018.
Lý giải chuyện hủy quyết định xem xét lỷ luật 13 cán bộ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An cho rằng: Đây chưa phải là các công chức bị kỷ luật, mà chỉ là một bước trong quy trình xem xét kỷ luật công chức theo quy định. Hội đồng kỷ luật của Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, đánh giá công tâm, khách quan để tư vấn cho Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định thấu tình, đạt lý.
Lý lẽ của Thứ trưởng xem ra chưa thuyết phục, bởi nếu “chỉ là một bước trong quy trình xem xét kỷ luật công chức” thì tại sao Bộ lại vội vã công bố Thông báo số 878/TB-BGDĐT “Về việc xem xét kỷ luật công chức” kèm theo danh tính 13 vị, cũng như công bố Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT về việc thành lập 13 “Hội đồng kỷ luật công chức” thuộc Bộ trong cùng một ngày?
Quyết định hủy các văn bản nói trên cũng đồng nghĩa với việc Bộ thừa nhận mình sai khi ra các văn bản kỉ luật 13 cán bộ thuộc quyền mà chưa xem xét thấu đáo theo đúng trình tự luật định. Nếu thế thì phải xử lý nghiêm cán bộ tham mưu và lãnh đạo Bộ đã ký ban hành Thông báo số 878 và Quyết định số 2450? Đồng thời, 13 cán bộ từng bị Bộ đề nghị xem xét kỷ luật cũng có thể kiện Bộ vì “đã gây ảnh hưởng đến cơ quan Thanh tra và cá nhân các công chức này” như văn bản số 818/TTr-HCTH của Thanh tra Bộ khẳng định?
Quả là một mớ bòng bong khiến vụ việc càng thêm rối mù. Vì đâu ra nông nỗi này?
Tác giải Xuân Dương trên GDVN đặt nghi vấn: “Phải chăng Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo được “chiều quá hóa hư” hay vì biết nhiều “bí mật cung đình” nên tự cho mình quyền bất khả xâm phạm?”.
“Có vẻ như với “kinh nghiệm chinh chiến” qua nhiều nhiệm kỳ nên lãnh đạo Thanh tra bộ tự tin đủ lý luận và công cụ phản bác chỉ đạo của cả Bộ trưởng lẫn Thứ trưởng?”, tác giả bài báo viết.
Nếu quả thực như vậy thì ở cơ quan bộ đang có vấn đề về kỷ cương phép nước.
Xin nhắc lại ở đây lời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại một hội nghị trực tuyến của Chính phủ: “Chúng ta đã nói nhiều về trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng thực tế chúng ta chưa thực hiện nghiêm quy định này. Sau nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở các địa phương và ở cả cơ quan Trung ương nhưng người đứng đầu vẫn không bị xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm”.
Về xử lý vụ gian lận thi 2018, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, “Những người có liên quan trực tiếp như cán bộ cấp cục, vụ thì đã đành nhưng những cấp cao hơn như cấp Bộ cũng không thể nằm ngoài được”. “Những lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm khi để gian lận thi cử xảy ra nghiêm trọng”, ông Tiến nói.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cũng tỏ thái độ dứt khoát, “Không có chuyện cấp dưới làm sai mà cấp trên vô can được”.
Phải chăng đấy chính là nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm hiện nay ở Bộ GD-ĐT xung quanh chuyện “dàn xếp” vụ gian lận thi 2018?
Nguyễn Duy Xuân